Đã có thêm bốn cán bộ chủ chốt của Vinashin bị bắt tạm giam. Cùng lúc, những thông tin mới về cung cách làm ăn khó hiểu của lãnh đạo tập đoàn này cũng được cơ quan an ninh điều tra công bố. Đó là việc phớt lờ lệnh của Thủ tướng, mua về những chiếc tàu biển cũ nát; là làm giả giấy tờ để nhập nhà máy điện có tuổi đời gần nửa thế kỷ… Là những doanh nhân chuyên nghiệp, lãnh đạo Vinashin không thể non kém đến mức bỏ ra số tiền lớn để mua về những tài sản, mà thực chất chỉ có giá trị như đống sắt vụn. Đây là kiểu làm ăn hầu như không thể xảy ra ở những công ty thuộc sở hữu tư nhân.
Đằng sau cách làm ăn khó hiểu đó, có lẽ là những mưu lợi cá nhân của một số cán bộ quản lý Vinashin. Nghi vấn này sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Vấn đề đặt ra là từ những lỗ hổng chết người đó Chính phủ cần gấp rút rà soát nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát các công ty nhà nước, để ngăn ngừa tình trạng hoạt động của doanh nghiệp bị chi phối bởi những lợi ích riêng, nhất là khi nó mâu thuẫn với lợi ích của doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đang nắm giữ tài sản rất lớn, trị giá tới 1.241.490 tỉ đồng. Số tài sản này là thuộc sở hữu toàn dân và Chính phủ là người đại diện thực hiện quyền sở hữu đó. Tuy nhiên, Chính phủ không thể quản lý trực tiếp, mà cử ra hội đồng quản trị làm đại diện.
Hiện nay, thành phần hội đồng quản trị các tập đoàn nhà nước phần lớn là cán bộ quản lý doanh nghiệp, có lợi ích gắn chặt với doanh nghiệp, thường là lợi ích ngắn hạn và những lợi ích ngắn hạn này sẽ chi phối quyết định của họ.
Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện mục tiêu chiến lược dài hạn, bằng chứng là xu hướng đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của nhiều tập đoàn thời gian qua. Sẽ càng nguy hiểm hơn, nếu các quyết định hoàn toàn vì mưu lợi cá nhân và đi ngược lại lợi ích của chính doanh nghiệp mà họ lãnh đạo.
Nguy cơ trên chỉ có thể ngăn ngừa bằng một cơ chế giám sát chặt chẽ và thực sự hiệu quả. Thế nhưng, hiện nay lại không có quy định nào thể hiện sự giám sát tập thể của chủ sở hữu nhà nước với đại diện chủ sở hữu. Không có và rất khó có cơ chế giám sát của toàn dân đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, khi mà kết quả hoạt động không được báo cáo công khai theo một quy định chặt chẽ.
Trên thực tế, tuy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có báo cáo định kỳ lên cấp trên, nhưng nó được xử lý và thẩm định thế nào thì không rõ. Ngoài ra, không loại trừ khả năng không ai đọc các báo cáo đó.
Tóm lại, cải tổ cơ chế quản lý, giám sát tập đoàn, tổng công ty nhà nước là yêu cầu rất cấp bách. Theo các chuyên gia kinh tế, những vấn đề trước mắt có thể thực hiện là tăng cường số thành viên độc lập trong các hội đồng quản trị; thiết lập cơ chế đánh giá tập thể của Chính phủ đối với hoạt động của hội đồng quản trị; tăng cường vai trò của ban kiểm soát, bảo đảm ban kiểm soát hoạt động trung thực và đúng chức năng; xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả của từng tập đoàn theo mục tiêu dài hạn. Các nguồn lực của Nhà nước đầu tư phải gắn với các kết quả cụ thể và kiểm chứng được.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com