Để khuyến khích người dân khi có thay đổi trong sổ tạm trú của hộ mình sẽ đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi, tránh tâm lý ngại, dẫn đến không thực hiện, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đang đề nghị với Bộ Công an bỏ quy định thu lệ phí đối với thủ tục này.
Sẽ bỏ thu lệ phí khi điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú - Ảnh: minh họa |
Mặc dù mức thu lệ phí đối với thủ tục hành chính điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú hiện là thấp, nhưng việc quản lý tạm trú hiện nay lại rất phức tạp.
Nhiều người dân có tâm lý ngại, thậm chí bỏ mặc không thực hiện việc kê khai khi có thay đổi tạm trú, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan Công an.
Bởi vậy, cải cách thủ tục này bằng cách bỏ yêu cầu thu lệ phí thủ tục cũng là 1 trong những giải pháp nhằm tăng sự đồng thuận của người dân khi phải thực hiện các thủ tục hành chính.
Mặt khác, thực tế những người tạm trú phần lớn là những người khó khăn, có thu nhập thấp. Chưa kể cũng có tâm lý người dân không coi trọng sổ tạm trú nên càng có ít trường hợp thực hiện thủ tục điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú.
Xuất phát từ lý do trên, Tổ công tác đề xuất Bộ Công an nên quy định rõ các trường hợp phải thực hiện điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú, quy định trách nhiệm của công dân và cơ quan quản lý cư trú khi có sự thay đổi thông tin trong sổ tạm trú phải tích cực thực hiện việc điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú.
Các đối tượng bị can, bị cáo tại ngoại,... cần khai báo tạm vắng chặt chẽ
Để công tác quản lý được chặt chẽ, trong thủ tục khai báo tạm vắng tại Công an cấp xã, Tổ công tác đề nghị cần bổ sung quy định những đối tượng bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi khai báo tạm vắng phải có văn bản đồng ý của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó về thời hạn tạm vắng và nơi đến.
Theo quy định hiện nay, người khai báo tạm vắng là các đối tượng kể trên khi khai báo tạm vắng phải đồng thời báo cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó. Quy định này chưa chặt chẽ. Bởi họ là những đối tượng bị hạn chế rời khỏi nơi cư trú và đang là những đối tượng chờ thực hiện nghĩa vụ khác. Vì thế khi họ muốn đi khỏi nơi cư trú của mình thì họ cần phải trình báo và được sự đồng ý bằng văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó về thời hạn tạm vắng và nơi đối tượng đó sẽ đến lưu trú hoặc tạm trú, chứ không chỉ đơn giản là “báo” (được hiểu như đây chỉ là trường hợp thông báo cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, giám sát quản lý họ biết và không phụ thuộc vào việc có được đồng ý hay không).
(Theo Chí Kiên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com