Trong số các kênh huy động vốn ở Việt Nam, kênh phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế còn khá mới nhưng được đánh giá cao nhờ khả năng huy động nhanh, khối lượng lớn, đồng thời góp phần đưa thị trường tài chính Việt Nam hội nhập quốc tế.
Trên thực tế, năm 2005, Chính phủ cũng đã có đợt phát hành 750 triệu đô la Mỹ trên thị trường vốn quốc tế. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/CP về phát hành trái phiếu quốc tế, tuy nhiên các quy định tại nghị định này chưa phát huy tác dụng trong thực tế. Do đó, có một hành lang pháp lý cụ thể, xác định rõ các nguyên tắc, điều kiện, mục tiêu huy động vốn quốc tế, kể cả đối với doanh nghiệp, là một đòi hỏi cấp thiết. Vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu quốc tế với 6 chương, 37 điều và đang tập hợp ý kiến đóng góp để trình Chính phủ. Sau đây là một số nội dung chính trong dự thảo này.
Mọi doanh nghiệp đủ điều kiện đều được phát hành trái phiếu quốc tế
Trong dự thảo, chương về các quy định chung xác định phạm vi điều chỉnh và điều kiện để phát hành trái phiếu quốc tế.
Trước đây, Nghị định 23/CP giới hạn tổ chức phát hành chỉ là Chính phủ, ngân hàng thương mại nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thì dự thảo nghị định này xác định rõ tổ chức được phát hành là Chính phủ và doanh nghiệp đủ các điều kiện, tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục phát hành (điều 1, 3, 4, 5, 6, 7).
So với Nghị định 23/CP, điều 2, dự thảo lần này đã đưa phần giải thích từ ngữ được diễn giải chi tiết, phù hợp với thị trường vốn quốc tế và mang tính chất nghiệp vụ như bản cáo bạch, thỏa thuận đại lý (đại lý in ấn, niêm yết, tài chính và thanh toán, chuyển nhượng, ủy thác, hệ thống xác nhận chuyển nhượng và lưu ký), công ty đánh giá hệ số tín nhiệm, cơ quan cho vay lại, doanh nghiệp, điểm chuẩn, đường cong lãi suất chuẩn, hình thức phát hành (phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng, phát hành toàn cầu, phát hành riêng từng quốc gia, khu vực, theo đồng tiền), hệ số tín nhiệm, hợp đồng bảo lãnh phát hành, hợp đồng mua bán trái phiếu, lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực của trái phiếu.
Tại điều 8, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu cấp bách về vốn để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước nhưng chưa đủ điều kiện để tự phát hành.
Mục tiêu, điều kiện phát hành trái phiếu
Trong các chương quy định cụ thể, dự thảo quy định mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ (điều 9) là huy động vốn cho đầu tư phát triển theo hình thức cho vay lại để thực hiện các công trình trọng điểm của Nhà nước, các dự án đầu tư có hiệu quả cao, có nhu cầu sử dụng vốn bằng ngoại tệ, và huy động nguồn vốn để thực hiện việc cơ cấu lại danh mục nợ do Chính phủ quản lý. Đối với doanh nghiệp là huy động cho các dự án đầu tư phát triển được mô tả trong các đề án phát hành trái phiếu quốc tế.
Về mức huy động, dự thảo đưa ra mức huy động một lần không dưới 500 triệu đô la Mỹ đối với Chính phủ (điều 10) và không dưới 200 triệu đô la Mỹ đối với doanh nghiệp (điều 17).
Trong các phần này cũng quy định cụ thể điều kiện phát hành trái phiếu chính phủ là: (i) trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia; (ii) các chương trình, dự án được xác định là trọng điểm quốc gia hoặc các dự án đầu tư có hiệu quả cao, đã hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành; (iii) hệ số tín nhiệm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; (iii) có đề án phát hành trái phiếu được thẩm định và phê duyệt; (iv) hồ sơ pháp lý theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, phải tuân thủ các điều kiện: (i) thành lập theo luật pháp Việt Nam và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; (ii) ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung nêu tại điều 6, chương I của nghị định này, các doanh nghiệp nhà nước, nếu phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ thì doanh nghiệp phải có hệ số tín nhiệm bằng hoặc cao hơn hệ số tín nhiệm quốc gia. Trường hợp có bảo lãnh chính phủ, hệ số tín nhiệm doanh nghiệp bằng hoặc thấp hơn một bậc so với hệ số tín nhiệm của quốc gia và tuân thủ các quy định của Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh hiện hành của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài.
Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện và quản lý việc phát hành trái phiếu
Dự thảo cũng quy định một chương về trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc thực hiện và quản lý việc phát hành trái phiếu quốc tế.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn phát hành trình Chính phủ quyết định. Ngoài ra, Bộ Tài chính phải chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan làm việc với các cơ quan xếp hạng hệ số tín nhiệm quốc gia; lựa chọn và ký kết các hợp đồng với các đối tác nước ngoài có liên quan đến việc phát hành trái phiếu chính phủ; hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý cho việc phát hành, chủ trì tổ chức việc phát hành theo thông lệ quốc tế và thực hiện cho vay lại nguồn vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế; lựa chọn cơ quan cho vay lại và thực hiện cho vay lại nguồn vốn trái phiếu quốc tế theo Quy chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện hành; giám sát việc sử dụng đúng mục đính, có hiệu quả vốn vay từ phát hành trái phiếu chính phủ, thực hiện thu hồi vốn từ người vay lại nguồn vốn này. Đồng thời, bộ này còn phải bố trí kế hoạch và thực hiện thanh toán nợ trái phiếu quốc tế đúng hạn, cả gốc, lãi và các khoản chi phí có liên quan, dự thảo và xây dựng văn bản pháp luật, pháp quy về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc lập và thẩm định đề án phát hành trái phiếu chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cung cấp số liệu, tài liệu để kiểm chứng khi xây dựng bản cáo bạch trong quá trình chuẩn bị phát hành trái phiếu chính phủ; cung cấp cho Bộ Tài chính các số liệu liên quan đến lĩnh vực quản lý và làm việc với các cơ quan xếp hạng hệ số tín nhiệm; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc đánh giá các chỉ số nợ quốc gia liên quan đến việc phát hành trái phiếu quốc tế; tổ chức đăng ký khoản vay của các doanh nghiệp phát hành theo phương thức tự vay tự trả...
Trong phần quy định về chế độ hạch toán, kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo, chương V dự thảo xác định rõ đối với trái phiếu chính phủ, việc hạch toán khoản tiền bán trái phiếu chính phủ được thực hiện theo từng mục đích phát hành (để cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ hoặc cho vay lại). Còn đối với các doanh nghiệp có khoản vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp phát hành, phải thực hiện chế độ kế toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định hiện hành (điều 32).
Đối với chế độ báo cáo, dự thảo cũng quy định, định kỳ hàng quí, hàng năm doanh nghiệp phát hành trái phiếu có bảo lãnh chính phủ hoặc vay lại nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tình hình bố trí, sử dụng vốn trái phiếu và trả nợ gửi cho Bộ Tài chính vào ngày cuối cùng của tháng đầu quí tiếp theo đối với báo cáo quí; và trước ngày 31-1 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm. Các doanh nghiệp phát hành không có bảo lãnh chính phủ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo yêu cầu của Bộ Tài chính (điều 33).
Việc kiểm tra, giám sát khoản vay cũng đã được đặt ra đối với việc cho vay lại nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, hoặc Chính phủ cấp bảo lãnh nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, thu hồi và thanh toán trái phiếu quốc tế theo đúng quy định (điều 34).
Đối với hoạt động kiểm toán, điều 35 Dự thảo quy định kết thúc năm tài chính, các doanh nghiệp phát hành được bảo lãnh chính phủ hoặc vay lại nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ lựa chọn công ty kiểm toán để thực hiện kiểm toán toàn bộ các báo cáo tài chính năm về việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế và gửi cho Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày sau khi có biên bản kiểm toán...
(Theo TBKTSG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com