Khi mạng xã hội trở thành một kênh thông tin ngày càng phổ biến ở Việt Nam thì những hoạt động kinh doanh “ăn theo” nó cũng trở nên sôi động. Trong vài năm trở lại đây, nhiều cá nhân và nhóm bạn đã khởi nghiệp bằng việc xây dựng các fanpage (trang hâm mộ) trên các mạng xã hội như Facebook, ZingMe… sau đó cho các gian hàng trực tuyến hoặc các doanh nghiệp thuê lại để làm kênh quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là những quy định pháp luật hiện vẫn chưa theo kịp để có sự điều chỉnh, tác động đến thị trường mua bán, chuyển nhượng loại “tài sản” mới mẻ này.
Nếu thường xuyên tham gia các mạng xã hội, sẽ không khó để bạn bắt gặp những lời rao vặt cho thuê “mặt bằng” kinh doanh trên Facebook, YouTube, Zing Me hay Yume của những chủ nhân fanpage với số lượng like (số lượng người sử dụng mạng Internet nhấn vào ký hiệu yêu thích) từ 500.000 trở lên, với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi tháng. Cộng đồng mạng cũng thường xuyên chia sẻ những thông tin về cá nhân anh X, cô Y nào đó mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng từ việc cho thuê fanpage hoặc bán một fanpage lên đến gần 100 triệu đồng. Việc chuyển nhượng các trang mạng (page) trong thế giới ảo cũng sôi động không kém gì hoạt động mua bán hàng hóa trong thế giới thực.
Luật chưa cho phép nhưng cũng không cấm!
Với sự bùng nổ của kỷ nguyên thông tin số hóa hiện nay, hoạt động giao tiếp xã hội của cá nhân cũng đang ngày càng được “số hóa” một cách sâu rộng. Một trong những dẫn chứng cụ thể của xu thế này chính là sự ra đời ngày càng nhiều các trang mạng dành riêng cho một nhóm cá nhân có cùng sở thích, quan điểm hoặc các trang mạng chuyên về các lĩnh vực chuyên sâu… Từ đó phát sinh nhu cầu mua bán, chuyển nhượng các trang web, fanpage cho các mục đích tiếp thị hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, doanh nghiệp.
Sự gia tăng nhu cầu mua bán, chuyển nhượng các trang web, fanpage cũng đặt ra một vấn đề đáng quan tâm, đó là làm thế nào để các ngành chức năng có thể định hướng sự phát triển và quản lý một cách có hiệu quả các hoạt động kinh doanh kể trên. Luật sư Phan Ngọc Tâm thuộc Công ty Luật Phước & Partner nói rằng ở góc độ kỹ thuật, các trang mạng được thể hiện thông qua sự kết hợp của địa chỉ của trang trên Internet và nội dung, giao diện của trang web đó.
Theo Thông tư 09/2008/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 2-12-2008, tên miền không là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể đăng ký tên miền, càng không là tài sản thuộc sở hữu kinh doanh của các chủ thể kinh doanh. Quyền mà các chủ thể có được đối với tên miền sau khi đã đăng ký hợp pháp chỉ là quyền chiếm hữu, khai thác và sử dụng tên miền đó mà không phải là quyền sở hữu tên miền theo cách hiểu như là quyền sở hữu dân sự đối với các tài sản thông thường.
Trước đây, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng tên miền đều bị cấm. Tuy nhiên, trong các quy định của văn bản pháp luật hiện hành lại không có quy định cụ thể nào cấm việc mua bán tên miền, đồng thời cũng không có quy định nào điều chỉnh việc chuyển giao quyền sử dụng tên miền từ chủ thể này cho chủ thể khác.
Ngoài ra, việc mua bán tên miền dưới góc nhìn pháp lý, thực chất là việc hủy bỏ và đăng ký lại tên miền theo thỏa thuận riêng giữa các chủ thể. Cho dù nó có được chuyển nhượng hay mua bán dưới bất kỳ hình thức nào thì bản thân việc mua bán hay chuyển nhượng đó cũng phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về thuế nếu hội đủ các yếu tố và điều kiện cần thiết để áp dụng loại thuế và biểu thuế suất phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mua bán chuyển nhượng này đa số là mang tính tự phát và hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền, cho nên sự điều chỉnh của pháp luật đối với hoạt động này có thể nói là hoàn toàn vô hiệu.
Băn khoăn câu chuyện bảo hộ quyền tác giả
Theo luật sư Phan Ngọc Tâm, nội dung của trang web hay fanpage là sự kết hợp của tổng thể các hình ảnh, âm thanh, thiết kế cũng như các nội dung khác hình thành nên trang. Các yếu tố này thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan đối với tác phẩm.
Có thể nói, tuy tồn tại trong môi trường kỹ thuật số, nhưng các yếu tố về nội dung này đều thỏa mãn các điều kiện và có thể được bảo hộ quyền tác giả. Do đó, trong trường hợp nội dung của trang có yếu tố vi phạm quyền tác giả thì về nguyên tắc, các đối tượng tranh chấp có thể áp dụng quy định về vấn đề này để giải quyết.
Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình mua bán, chuyển nhượng các trang web, fanpage thì sự quan tâm và điều chỉnh của cơ quan thực thi pháp luật chủ yếu hướng tới tên miền của trang và những quy định liên quan đến tên miền, thay vì kết hợp cả các yếu tố về quyền tác giả, quyền liên quan đối với nội dung của trang.
Bên cạnh đó, chưa có một quy định cụ thể nào định nghĩa các trang web hay fanpage có phải là tài sản hay không, tuy nhiên, nhìn từ góc độ lý luận chung của pháp luật dân sự, không thể phủ nhận tính chất tài sản của các trang này.
“Việc sở hữu trang web là sở hữu nội dung của trang hay sở hữu luôn cả tên miền lại là vấn đề mà pháp luật chưa quy định rõ ràng. Ngoài ra, khi sở hữu loại tài sản đặc biệt này, người sở hữu có quyền tự do chuyển nhượng chúng hay không - vấn đề này cũng chưa được đề cập chính thức trong luật”, ông Tâm nói.
Xuất phát từ thực tế nói trên, ông Tâm khuyến nghị các nhà làm luật nên thừa nhận một cách minh bạch và chính thức quyền sở hữu tài sản đối với các trang web, như cách thức mà pháp luật các nước trên thế giới hiện nay vẫn áp dụng. Đồng thời, các ngành chức năng cũng nên xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các trang web để đảm bảo rằng các tính năng đặc biệt của loại tài sản này được kiểm soát một cách khách quan. Khi đó, các giao dịch liên quan đến các trang web, fanpage, với tư cách là tài sản được chuyển đổi, mua bán, phải được đánh thuế phù hợp.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com