Sản xuất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM -Ảnh minh họa: Quốc Hùng |
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi của Bộ Tài chính, trong đó có đề xuất bổ sung đưa lại phần ưu đãi thuế cho dự án đầu tư mở rộng của doanh nghiệp thay vì bị cắt từ đầu năm 2009.
Điều này được cơ quan quản lý đầu tư, các chuyên gia kỳ vọng nguồn vốn bổ sung mở rộng của doanh nghiệp FDI đang hoạt động sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Doanh nghiệp mong sớm thực hiện
Ông Hồng Hán Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pepperl + Fuchs (Việt Nam), chuyên sản xuất thiết bị cảm ứng và truyền tín hiệu tại Khu chế xuất Tân Thuận, phấn khởi khi nghe đại diện Cục thuế TPHCM thông tin rằng ưu đãi thuế cho phần đầu tư mở rộng của doanh nghiệp sẽ có thể áp dụng trở lại vào giữa năm nay.
Theo ông Thành, Pepperl + Fuchs có kế hoạch rót vốn thêm 30 triệu đô la nữa cho nhà máy thứ hai để tuyển thêm 500 lao động. Nhưng do chính sách từ 1-1-2009 phần đầu tư mở rộng không còn ưu đãi thuế nên có khả năng công ty không thực hiện phần đầu tư mở rộng này.
Tuy nhiên, theo giải thích của đại diện Cục Thuế TPHCM, Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có phần bổ sung ưu đãi thuế doanh nghiệp cho phần đầu tư mở rộng của doanh nghiệp trở lại.
Quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Bộ Tài chính sẽ đưa vào bản dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi để trình Quốc hội vào tháng 5 tới.
Theo nghị quyết của Chính phủ thì những ưu đãi đầu tư mở rộng sẽ được áp dụng vào đầu tháng 7-2013. Theo cơ quan này, thời gian miễn giảm thuế áp dụng đối với đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.
Mặc dù vẫn còn phải chờ Quốc hội thông qua, nhưng thông tin trên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, trong đó có công ty Pepperl + Fuchs. Ông Thành hy vọng ưu đãi trên sớm áp dụng trở lại đề kế hoạch phát triển nhà máy thứ 2 của công ty thành hiện thực.
Trường hợp này cũng diễn ra với rất nhiều doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mở rộng khác hiện nay. Công ty Robert Bosch Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất dây đai truyền động dùng trong hộp số ô tô ở Đồng Nai từ vốn đăng ký ban đầu 110 triệu euro lên tổng vốn đầu tư cho đến năm 2015 là 230 triệu euro.
Hiện Robert Bosch đã được các cơ quan chức năng Việt Nam đánh giá là sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định đối với dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, và công ty đã kiến nghị để được hưởng ưu đãi đối với phần đầu tư mở rộng thêm này.
Theo ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam, Luật Thuế TNDN sửa đổi theo hướng ưu đãi cho doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng trên là rất hợp lý và hy vọng sớm được Quốc hội thông qua để các nhà đầu tư sớm được hưởng lợi.
Tập đoàn đa quốc gia - Công ty Unilever Việt Nam cho biết có nhu cầu tiếp tục mở rộng nhà máy sau khi đã rót khoảng 200 triệu đô la Mỹ tại nhà máy ở TPHCM nhưng đang gặp khó khăn về vấn đề ưu đãi thuế TNDN cho phần đầu tư mới.
Theo đại diện của công ty này, nếu không được ưu đãi về thuế, tính cạnh tranh của dự án mới sẽ thấp đi. Chưa kể hai dự án đầu tư cùng một địa điểm của cùng một công ty nhưng lại bị áp dụng hai mức thuế khác nhau.
Kumho Asiana cũng đang có những kiến nghị được hưởng ưu đãi đối với phần mở rộng của dự án sản xuất lốp xe Kumho Tires ở Bình Dương.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, cộng đồng các nhà đầu tư một lần nữa lại hối thúc việc phải khôi phục các ưu đãi thuế TNDN đối với phần đầu tư mở rộng mà từ trước năm 2009 các nhà đầu tư đã được hưởng.
Các bộ ngành cũng đồng tình
Không chỉ cộng đồng nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài cũng đã nhiều lần lên tiếng về những bất hợp lý trong cơ chế ưu đãi đầu tư với các dự án đầu tư mở rộng.
Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án mở rộng thường là các dự án có tình hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, nên doanh nghiệp mới có nhu cầu mở rộng. Mặt khác việc mở rộng đầu tư này cũng thể hiện cam kết làm ăn lâu dài của nhà đầu tư tại Việt Nam của nhà đầu tư, do vậy, cần được tạo điều kiện thuận lợi, trong đó có thể khuyến khích và áp dụng ưu đãi đầu tư...
Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà ở các cuộc họp gần đây cũng cho rằng những bức xúc về mất ưu đãi phần đầu tư mở rộng của doanh nghiệp là hợp lý và ông đặt câu hỏi: “Vì sao chính sách chỉ ưu đãi đối với những nhà đầu tư mới, trong khi những doanh nghiệp đầu tư lâu năm, gắn bó lại không còn được hưởng ưu đãi?”.
Theo Cục Thuế TPHCM, dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi của Bộ Tài chính cũng cho phép hồi tố đối với các dự án đầu tư mở rộng từ 1-1-2009. |
Bộ Tài chính trước đây cũng cho rằng việc áp dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp đang hoạt động là phù hợp nếu như hoạt động mở rộng quy mô đầu tư đó vẫn được thực hiện ở các ngành và lĩnh vực đang được nhà nước khuyến khích đầu tư.
Xét về mặt lợi ích kinh tế xã hội tổng thể thì ưu đãi đối với đầu tư mở rộng trong nhiều trường hợp còn hiệu quả hơn so với việc thành lập dự án mới (tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan như tiếp cận thị trường, quản lý…).
Theo dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định miễn thuế, giảm thuế đối với đầu tư mở rộng lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất.
Đối với hoạt động mở rộng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, xây dựng nhà ở xã hội thì không áp dụng miễn, giảm thuế vì đã được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện, không phân biệt mới, cũ.
Đối với hoạt động mở rộng bằng cách nhận sáp nhập, mua lại doanh nghiệp, dự án đầu tư đang hoạt động thì không được áp dụng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng mà trường hợp này sẽ được tiếp tục hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại (nếu doanh nghiệp, dự án mua lại đang trong thời gian hưởng ưu đãi về thuế TNDN) để tránh việc lợi dụng, tránh vướng mắc trong thực hiện.
Về mức ưu đãi thuế, thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, không áp dụng ưu đãi về thuế suất.
Mặc dù ủng hộ về chính sách ưu đãi trên cho doanh nghiệp, nhưng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng quan điểm của bộ là sẽ chỉ ưu đãi phần đầu tư mở rộng đối với những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định luật pháp của Việt Nam, làm ăn có hiệu quả, có đóng góp cho ngân sách nhà nước, để ngăn chặn việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư mà lúc nào cũng kêu lỗ, có hành vi chuyển giá.
Theo các cơ quan quản lý đầu tư, dù chính sách cho phần mở rộng đầu tư của doanh nghiệp không còn, nhưng năm 2012 khu vực doanh nghiệp FDI có đến 435 lượt dự án đang hoạt động tiếp tục tăng thêm vốn, mở rộng sản xuất. Tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,15 tỉ đô la, tăng 7,4% về số dự án và tăng 58,5% số vốn so với cùng kỳ năm 2011. Với việc bổ sung ưu đại trở lại phần đầu tư mở rộng nói trên, theo các cơ quản lý thì vốn tăng thêm của doanh nghiệp trong năm nay và sắp tới sẽ tăng thêm rất nhiều. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com