Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, thực tế quản lý khai thác khoáng sản gây thất thoát nguồn tài nguyên không tái tạo rất lớn. Đặc biệt là tình trạng khai thác và xuất khẩu than lậu, một thời gian ngắn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia nếu không quản lý chặt hơn.
Thừa nhận những yếu kém trong khâu quản lý cấp phép, khai thác, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyêncho biết, luật khoáng sản hiện có nhiều bất cập khiến việc quy hoạch thì tùy tiện, thậm chí nhiều địa phương còn bị doanh nghiệp “điều chỉnh”. Phân cấp quản lý về cấp phép nặng về xin cho nên cơ quan nào cũng muốn được tham gia cấp phép, địa phương cũng muốn. “3 năm qua, các địa phương đã cấp tới hơn 3800 giấy phép khai thác, trong khi chỉ có hơn 100 mỏ được Bộ cấp phép”, Bộ trưởng Nguyên dẫn chứng. Ngoài bất cập trong việc phân cấp quản lý, cấp phép, theo ông Nguyên, một phần còn do địa phương sốt ruột trong việc phát triển kinh tế nên cấp phép tràn lan. Bên cạnh đó, tình trạng khoáng tặc nở rộ ở nhiều địa phương nên khoáng sản bị thất thoát lớn mà nhà nước thì thất thu. Do vậy, địa phương muốn cấp phép để giao cho doanh nghiệp khai thác, họ sẽ tự bảo vệ nguồn lợi còn nhà nước cũng có nguồn thu.
“Luật cũ cũng có một câu cực kỳ sơ hở, đó là cho phép địa phương được cấp phép ở những mỏ không nằm trong quy hoạch của Chính phủ. Vì vậy, nhiều địa phương đã tách mỏ lớn thành nhiều mỏ nhỏ, đưa ra ngoài quy hoạch để lách luật. Trong khi việc thanh tra, kiểm tra, thu hồi giấy phép khai thác, xử phạt với những doanh nghiệp vi phạm cũng không hiệu quả’, ông Nguyên nói thêm.
“Tại sao luật sửa đổi lại quy định phải áp dụng đấu giá đối với hoạt động thăm dò khoáng sản trong khi hoạt động này chưa phát sinh lợi nhuận”, đại biểu Nguyệt Hường hỏi thêm. Theo bà Hường, quy định đấu giá chỉ nên áp dụng đối với hoạt động khai thác, sau khi đã thăm dò và định giá mỏ.
Lý giải khá kỹ càng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, cho biết, ngành Tài nguyên môi trường đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là kinh tế hóa ngành để 10 năm tới, nguồn thu từ khoáng sản tối thiểu phải đạt 30% GDP. Cơ chế xin cho gây thất thu rất lớn cho ngân sách. “Hạn chế được tình trạng xin cho trong việc cấp đất bằng đấu giá đã tăng nguồn thu ngân sách từ khoảng 8.000 tỷ đồng vài năm trước lên tới 40.000 tỷ hiện nay”, ông Nguyên ví dụ. Kinh tế hóa thì phải đấu thầu, đấu giá, vừa thu được nhiều ngân sách vừa hạn chế xin cho.
Ngoài ra, theo ông Nguyên, luật sửa đổi quy định là đấu thầu thăm dò, khai thác theo kiểu phân chia sản phẩm giữa nhà nước và doanh nghiệp. Khác với các ngành khác, khoáng sản nằm dưới lòng đất nên không thể biết chính xác trữ lượng các mỏ có bao nhiêu. Do vậy, doanh nghiệp đấu giá cả thăm dò và khai thác nghĩa là nhiều ăn, ít chịu.
Cũng với lý do khoáng sản nằm dưới lòng đất, Việt Nam lại mới chỉ thăm dò khoáng sản được 40% diện tích ở độ sâu 50m, nên theo ông Nguyên mới có chuyện tại sao quy hoạch khai thác khoáng sản chưa cụ thể. “Nó trả lời cho thắc mắc của nhiều đại biểu là tại sao xuất thô khoáng sản này nhiều, khoáng sản kia khai thác ngay mà không để lại cho con cháu”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ra nghị quyết, trong 6 tháng sau khi luật sửa đổi chính thức được áp dụng, Bộ sẽ công bố toàn bộ quy hoạch khai thác cụ thể những mỏ khoáng sản trong tất cả phạm vi đã được thăm dò; sẽ nói rõ mỏ nào được phép khai thác, mỏ nào bị cấm, khoáng sản nào được xuất thô, khoáng sản nào phải chế biến sâu. “Các chuyên gia khai khoáng nhận định, khi Luật được áp dụng, chỉ riêng với những mỏ đã được cấp phép hiện nay, trong vòng 4-5 năm tới, nếu khai thác sâu đã có thể đem lại nguồn thu bằng với ngành dầu khí hiện nay, tức là đóng góp tới 28% GDP”, ông Nguyên cho biết.
(Theo Phan Long // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com