Theo LS Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, việc thu phí xây dựng Quỹ BTĐB là cần thiết do hạ tầng giao thông của VN còn kém nhưng số vốn để bảo trì còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, đề án mà Tổng cục ĐBVN đưa ra còn nhiều điểm bất hợp lý.
Tính chưa sát
LS Chung cho rằng, thứ nhất, theo số liệu của Tổng cục ĐBVN thì năm 2010, vốn dành cho BTĐB là 2.764 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, nhưng chỉ mới đáp ứng gần 60% nhu cầu. Như vậy, nếu đáp ứng 100% nhu cầu BTĐB thì cần 4.606 tỷ đồng. Đề án mà Tổng cục ĐBVN đưa ra thì dự kiến thu được 6.135 tỷ đồng, tức là dư khoảng 1.519 tỷ đồng/năm (6.135 tỷ đồng- 4.606 tỷ đồng= 1.519 tỷ đồng). Như vậy, số tiền dư chiếm hơn 33% so với nhu cầu cho thấy phải chăng đề án chưa tính toán khoa học xuất phát từ khảo sát thực tiễn ? Và sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như: Số tiền thu dư của năm trước thì có sử dụng để giảm phí cho năm sau không, sử dụng như thế nào ? Tính toán cách nào để giảm phí ?... Phải chăng lại phải trình phương án tính toán lại mức thu ?
Ông Lương Công Thành - GĐ Cty TNHH dịch vụ giao nhận vận tải thương mại Công Thành cũng đồng tình với việc phải tăng kinh phí sửa chữa và nâng cấp đường bộ. Tuy nhiên ông Thành cho rằng phương án thu trên đầu phương tiện chưa có cơ sở vững chắc. Theo đề án, xe càng lớn mức thu càng cao do cách nghĩ không đúng là xe lớn thì phá đường nhiều hơn xe nhỏ, giá trị vận chuyển lớn hơn xe nhỏ. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn như vậy. Ví dụ: Do xe đầu kéo container dài và lớn hơn xe chuyên dụng chở vật liệu xây dựng (VLXD- cát, đá, đất...), nên bị thu phí theo đề án khoảng 1,4 triệu đồng/năm, cao hơn xe chở VLXD, nhưng thực tế là mức độ phá đường của xe container là thấp do thường là nhẹ hơn, và dàn đều lực tác dụng lên mặt diện tích lớn. Trong khi đó tác dụng phá đường của xe chở VLXD là rất lớn do xe nặng, mặt diện tích tác dụng lên mặt đường nhỏ.
Phí chồng phí và áp lực tăng giá
Các DN vận tải cho biết họ đã “oằn lưng” với rất nhiều loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân... Các loại phí trước bạ, phí đăng kiểm hàng năm, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự và phí phải trả cho rất nhiều trạm thu phí đường bộ làm tăng cao giá thành hàng hóa. Đó là chưa nói họ là nguồn thu chủ yếu của loại phí BTĐB thu qua xăng dầu từ trước đến nay. Nếu thu thêm phí xây dựng Quỹ BTĐB thì DN sẽ “chịu không nổi”. Cụ thể, hiện Cty ông Thành có 85 xe đầu kéo và 22 xe tải các loại. Nếu đóng phí Quỹ BTĐB theo đề án trên thì Cty ông sẽ chi thêm khoảng 200 triệu đồng/năm, buộc DN phải tăng cước vận chuyển. Tuy nhiên, trong tình hình bão giá hiện nay, tăng giá cước là vấn đề khó, dễ mất mối làm ăn với khách hàng.
Phương án khả thi
Theo ông Thành, việc thu phí Quỹ BTĐB cần tính phương án khác hợp lý, hoặc tạm hoãn qua thời điểm “bão giá”. Ông Thành dẫn chứng ở Mỹ, việc thu phí hoặc thuế đều dựa trên giá trị quy ra tiền của phương tiện, mức độ ảnh hưởng của phương tiện đến môi trường. Nói dễ hiểu xe càng đắt tiền thì thu phí càng cao do xe này là của người giàu, giá trị sản xuất thực rất thấp. Ngoài ra, việc đánh thuế - phí cao này còn giúp tiết kiệm tiêu dùng cho xã hội. Ví dụ, tại VN hiện giá một chiếc xe đầu kéo container trung bình khoảng trên 1 tỷ đồng nhưng sản xuất ra giá trị rất lớn. trong khi đó có rất nhiều chiếc xe ôtô 4 chỗ giá trên 1 tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng thường chỉ dùng cho... đi chơi. Tương tự đối với xe hai bánh, cũng có xe thông thường thiết yếu, nhưng cũng có không ít xe xa xỉ giá một vài trăm triệu đồng.
Theo Đề án thu phí Quỹ BTĐB của Tổng cục đường bộ trình Bộ GTVT ngày 24/1, đối với ôtô sẽ tính mức thu với từng loại xe và thu theo tháng với chu kỳ 1, 3 hoặc 6 tháng tùy theo loại phương tiện. Môtô sẽ thu theo hằng năm thông qua tuyên truyền vận động và phối hợp với cơ quan bảo hiểm thu phí bảo trì đường bộ cùng với bán bảo hiểm môtô, xe máy. Tổng mức thu qua đầu phương tiện đạt khoảng 6.035 tỷ đồng/năm. Dù chưa đưa mức thu cụ thể nhưng với số lượng ôtô đã qua kiểm định an toàn tại thời điểm 30/11/2010 là 1.256.488 chiếc, ước tính số phí sử dụng đường bộ thu được sẽ đạt mức 4.535 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu (dự tính 1,5%, khoảng 68 tỷ đồng/năm), số tiền quỹ thu được từ đầu phương tiện ôtô khoảng 4.467 tỷ đồng. Với đầu phương tiện là môtô, xe máy, mức thu tính toán một xe/năm là 80.000 đồng đối với xe gắn máy, 100.000 đồng đối với môtô loại 1, 120.000 đồng đối với môtô loại 2, 150.000 đồng đối với môtô loại 3. Với số môtô, xe máy đang lưu hành đến thời điểm 30/11/2010 là 31.155.154 chiếc, số phí ước thu được đạt khoảng 3.243 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu (dự tính 5%, khoảng 80 tỷ đồng/năm), số tiền quỹ thu được từ đầu phương tiện môtô, xe máy khoảng 1.520 tỷ đồng... |
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com