Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phụ lục: Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan

PHỤ LỤC:  QUẢN LÝ TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN

Trước khi định nghĩa khái niệm quản lý tập thể và giới thiệu các đặc điểm chính của nó, chúng ta hãy lướt xem rốt cục quyền tác giả và các quyền liên quan là gì

Quyền tác giả là gì?

Khi một người tạo ra một tác phẩm văn học, âm nhạc, khoa học hay nghệ thuật, thì anh ta hoặc cô ta là chủ sở hữu của tác phẩm đó và tự do quyết định việc sử dụng nó. Người đó (được gọi là "nhà sáng tạo", " tác giả " hay "chủ sở hữu quyền") có thể kiểm soát số phận của tác phẩm. Theo luật, vì một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả kể từ thời điểm tác phẩm được ra đời nên không cần tiến hành thủ tục gì, như đăng ký hoặc nộp lưu chiểu, để tác phẩm đó có điều kiện được bảo hộ. Bản thân các ý tưởng thì không được bảo hộ mà chỉ bảo hộ cách thức mà chúng được thể hiện.

Quyền tác giả là sự bảo hộ pháp lý dành cho chủ sở hữu các quyền đối với một tác phẩm nguyên gốc mà người đó tạo ra. Nó bao gồm hai nhóm quyền chính: các quyền kinh tế và các quyền tinh thần.

Các quyền về kinh tế là các quyền tái bản, phát sóng, biểu diễn trước công chúng, quyền phóng tác, quyền dịch thuật, độc tấu, trình bày trước công chúng, phân phối, v.v. Các quyền về tinh thần gồm quyền của tác giả phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hoặc cải biên khác đối với tác phẩm mà có thể  gây tổn hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Cả hai nhóm quyền này thuộc về người sáng tạo ra tác phẩm – người có thể thực hiện các quyền đó. Thực hiện các quyền có nghĩa là anh ta có thể tự mình sử dụng tác phẩm hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm hoặc cấm người khác sử dụng tác phẩm của mình. Nguyên tắc chung là các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả không thể được sử dụng khi không được phép của chủ sở hữu quyền. Tuy nhiên, có một số ít ngoại lệ được thể hiện trong luật bản quyền của các quốc gia. Theo nguyên tắc, thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và tổi thiểu 50 năm sau khi tác giả qua đời.

Các khía cạnh pháp lý này được cụ thể hóa trong các công ước quốc tế mà hiện nay hầu hết các quốc gia đều là thành viên. Khi gia nhập, các quốc gia thành viên phải có hệ thống pháp luật quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ở cấp độ quốc tế, các quyền kinh tế và tinh thần được thừa nhận trong Công ước Berne về Bảo hộ các Tác phẩm Văn học và Nghệ thuật, thường được biết đến là "Công ước Berne". Được thông qua năm 1886, Công ước này đã được sửa đổi nhiều lần có tính đến tác động của công nghệ mới đối với mức độ bảo hộ mà nó quy định. Công ước này do Tổ chức Sở hữu Thế giới (WIPO), một trong những cơ quan quốc tế chuyên ngành của hệ thống Liên hợp quốc, quản lý.

Bảo hộ các quyền liên quan là gì?


Trong khi các quyền được quy định bởi bản quyền áp dụng cho tác giả, thì "các quyền liên quan", còn được biết đến là "các quyền kề cận" liên quan đến chủ sở hữu quyền khác các loại, như người biểu diễn, người sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát sóng.

Các quyền liên quan là các quyền thuộc về người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm và các tổ chức phát sóng trong mối liên hệ với các buổi biểu diễn, buổi ghi âm và phát sóng.

Các quyền liên quan khác bản quyền ở chỗ chúng thuộc về chủ sở hữu được coi là người trung gian trong việc sản xuất, ghi âm hoặc truyền bá các tác phẩm. Mối liên hệ với bản quyền là do ba loại chủ sở hữu quyền liên quan này là những người có đóng góp trong quá trình sáng tạo trí tuệ vì họ hỗ trợ cho tác giả trong việc truyền đạt tác phẩm đến với công chúng. Nhạc công trình diễn tác phẩm âm nhạc do nhà soạn nhạc viết, diễn viên đóng một vai trong một vở kịch do nhà soạn kịch viết, nhà sản xuất bản ghi âm -- hay thông dụng hơn là "ngành công nghiệp thu âm"-- ghi âm và sản xuất các bản nhạc và bài hát được viết bởi nhà soạn nhạc và tác giả, được trình diễn bởi các nhạc công hay được hát bởi người biểu diễn; các tổ chức phát sóng phát các tác phẩm và các bản ghi âm ở đài của mình.

Ở cấp độ quốc tế, các quyền liên quan được … bở Công ước quốc tế về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm và các tổ chức phát sóng, hay được biết đến là "Công ước Rome". Công ước này được thông qua năm 1961 và kể từ đó chưa phải sửa đổi. Công ước này được quản lý bởi Tổ chức Liên hợp quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và WIPO.

Được quản lý bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (hay Hiệp định TRIPS) kết hợp và đề cập đến vấn đề bảo hộ quốc tế này.

Vẫn còn có các điều ước quốc tế khác liên quan đến bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; thông tin thêm về các điều ước này có thể được tìm thấy bằng cách gửi yêu cầu đến WIPO (xem địa chỉ bên dưới).

Quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan là gì?

Như đã đề cập, người tạo ra một tác phẩm có quyền cho phép hoặc ngăn cấm việc sử dụng tác phẩm của mình; nhà soạn kịch có thể đồng ý cho phép tác phẩm của mình được biểu diễn trên sân khấu theo một số điều kiện đã được thỏa thuận; nhà văn có thể thỏa thuận hợp đồng với nhà xuất bản để xuất bản và phân phối một cuốn sách; và nhà soạn nhạc hoặc nhạc công có thể đồng ý cho ghi âm ra đĩa compact bản nhạc hay buổi trình diễn của mình. Những ví dụ này minh họa việc các chủ sở hữu quyền có thể đích thân thực hiện quyền của mình như thế nào.
 
Các trường hợp khác cho thấy việc quản lý các quyền một cách đơn lẻ gần như là bất khả thi đối với một số kiểu sử dụng nhất định vì những lý do thực tế. Một tác giả không thể có khả năng vật chất kiểm soát tất cả việc sử dụng tác phẩm của mình; ví dụ, người đó không thể liên hệ với từng đài truyền hình hoặc đài phát thanh để thỏa thuận về các li-xăng và tiền thù lao cho việc sử dụng tác phẩm của mình. Ngược lại, cũng không khả thi khi một tổ chức phát sóng phải xin phép từng tác giả để được sử dụng mỗi tác phẩm có bản quyền. Trung bình mỗi năm có 60000 tác phẩm âm nhạc được phát sóng trên truyền hình, vì vậy cần phải đặt vấn đề và xin phép hàng nghìn chủ sở hữu quyền. Chính sự bất khả thi trong việc quản lý các hoạt động này một cách riêng lẻ, đối với cả chủ sở hữu quyền và người sử dụng, đã tạo ra nhu cầu đối với các tổ chức quản lý tập thể mà vai trò của chúng này là nối liền khoảng cách giữa chủ sở hữu quyền và người sử dụng trong các lĩnh vực then chốt này với nhau.


Quản lý tập thể là việc thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan bởi các tổ chức hoạt động vì lợi ích và thay mặt chủ sở hữu quyền

Tại sao cần quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan?

Các nhà soạn nhạc, nhà văn, nhạc công, ca sỹ, người biểu diễn và các cá nhân tài năng là những tài sản có giá trị nhất của xã hội. Bộ mặt đời sống văn hóa của chúng ta phong phú hơn nhờ thiên tài sáng tạo của họ. Để phát triển tài năng và khuyến khích họ sáng tạo, chúng ta phải tạo ra những động cơ khuyến khích, như trả tiền thù lao khi được phép sử dụng các tác phẩm của họ.

Các tổ chức quản lý tập thể là một mối liên kết quan trọng giữa người sáng tạo và người sử dụng tác phẩm có bản quyền (ví dụ: các đài phát thanh) vì chúng đảm bảo rằng, với tư cách là chủ sở hữu quyền, những người sáng tạo nhận được thù lao cho việc sử dụng tác phẩm của họ.
 
Ai là thành viên?

Thành viên của các tổ chức quản lý tập thể không hạn chế đối với tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, dù đó là tác giả, nhà soạn nhạc, nhà xuất bản, nhà văn, nhà nhiếp ảnh, nhạc công hay người biểu diễn. Danh sách này không bao gồm các tổ chức phát sóng vì họ được coi là người sử dụng mặc dù họ có một số quyền nhất định đối với bản phát sóng của mình. Khi tham gia vào tổ chức quản lý tập thể, các thành viên cung cấp một số đặc điểm cá nhân và khai thác các tác phẩm mà họ tạo ra. Những thông tin đưa ra tạo nên một phần tư liệu của tổ chức quản lý tập thể cho phép sự kết nối giữa việc sử dụng tác phẩm và thù lao cho sử dụng tác phẩm được được thực hiện đúng đối với chủ sở hữu quyền. Các tác phẩm được khai thác bởi các thành viên của tổ chức sẽ tạo nên cái gọi là kho tài liệu “quốc gia” hay kho tài liệu “nội địa” (trái với kho tài liệu quốc tế được tạo nên bởi các tác phẩm nước ngoài do các tổ chức quản lý tập thể trên thế giới quản lý)

Các loại quyền thông thường nhất trong quản lý tập thể là gì?

Các tổ chức quản lý tập thể thường thực hiện các quyền sau:

Quyền biểu diễn trước công chúng (chơi nhạc hoặc trình diễn âm nhạc ở các vũ trường, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác);

Quyền phát sóng (các trình biểu diễn trực tiếp hoặc thu âm, ghi hình trên đài phát thanh và truyền hình)

Quyền nhân bản cơ học các tác phẩm âm nhạc (nhân bản tác phẩm trong đĩa CD, băng, đĩa hát, cát-xét, đĩa mini hoặc các loại thu âm khác);

Quyền trình diễn các tác phẩm kịch (trình diễn ở nhà hát);

Quyền nhân bản in các tác phẩm văn học và âm nhạc (sao chụp);

Các quyền liên quan (quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất các bản ghi âm được nhận tiền thù cho việc phát sóng hoặc truyền đạt các bản ghi âm đến với công chúng)
 
Quản lý tập thể hoạt động như thế nào?

Có rất nhiều loại tổ chức quản lý tập thể hay các nhóm tổ chức tùy thuộc vào thể loại tác phẩm có liên quan (âm nhạc, kịch, các sản phẩm đa phương tiện, v.v.) mà quản lý tập thể các loại quyền khác nhau.

Các tổ chức quản lý tập thể “truyền thống”, hoạt động nhân danh các thành viên của mình, thỏa thuận với người sử dụng mức phí và các điều kiện sử dụng, cấp phép sử dụng, thu và phân phối tiền bản quyền. Cá nhân chủ sở hữu quyền không tham gia trực tiếp vào các khâu này.

Các trung tâm khai thác quyền cấp li-xăng cho người sử dụng trong đó nêu rõ các điều kiện sử dụng tác phẩm và các điều khoản về thù lao được xác định bởi từng cá nhân chủ sở hữu quyền, là thành viên của trung tâm (ví dụ, trong nhân bản in, đó là tác giả của các tác phẩm viết như sách, tạp chí xuất bản phẩm định kỳ). Ở đây, trung tâm hoạt động như một đại diện của chủ sở hữu, người vẫn được trực tiếp vào việc xác định xác định các điều kiện sử dụng tác phẩm của mình.

“Cửa hàng một trạm” là một loại hình liên minh các tổ chức quản lý tập thể riêng lẻ mang đến cho người sử dụng các tư liệu tập trung nơi có thể nhận định sự cấp phép một các dễ dàng và nhanh chóng. Một khuynh hướng đang phát triển đối với việc thành lập các tổ chức như thế này là do sự phổ biến ngày càng tăng của các sản phẩm “đa phương tiện” (các sản phẩm được sáng tác hoặc tạo ra từ nhiều loại hình tác phẩm, bao gồm cả phầm mềm máy tính) đòi hỏi nhiều loại cấp phép.

TRONG LĨNH VỰC CÁC TÁC PHẨM ÂM NHẠC (bao gồm tất cả các thể loại âm nhạc: hiện đại, jazz, cổ điển, giao hưởng, blu, pop, không lời và có lời), tư liệu, chuyển giao quyền và phân phối là ba cột làm cơ sở cho việc quản lý tập thể quyền biểu diễn và phát sóng công cộng.

Tổ chức quản lý tập thể thỏa thuận với những người sử dụng (ví dụ như đài phát thanh, trạm phát sóng, vũ trường, rạp chiếu phim, nhà hàng và những nơi tương tự), hoặc các nhóm người sử dụng và cho phép họ sử dụng các tác phẩm có bản quyền trong kho tài liệu và trả phí theo một số điều kiện nhất định. Trên cơ sở tư liệu của mình (thông tin về các thành viên và tác phẩm của họ) và các chương trình do người sử dụng nộp (ví dụ, các khúc nhạc phát trên đài phát thanh), tổ chức quản lý tập thể phân phối tiền bản quyền của bản quyền cho các thành viên dựa trên các nguyên tắc phân phối đã được thiết lập. Một khoản phí để trả các chi phí hành chính, và ở một số nước nhất định là các hoạt động phát triển văn hóa-xã hội, thường được khấu trừ từ tiền bản quyền. Các khoản phí thực tế trả cho chủ sở hữu quyền tương ứng với việc sử dụng các tác phẩm và được kèm theo bản kê việc sử dụng đó. Các hoạt động và nghiệp vụ này được thực hiện với sự trợ giúp của các hệ thống máy tính được thiết kế đặc biệt cho mục đích này.

TRONG LĨNH VỰC TÁC PHẨM KỊCH (gồm kịch bản, kịch bản phim, kịch câm, ba-lê, kịch nói, ô-pe-ra và nhạc kịch), việc thực hiện quản lý tập thể tương đối khác biệt ở chỗ tổ chức quản lý tập thể hoạt động như một đại diện thay mặt cho tác giả. Nó thương thảo một hợp đồng chung với các tổ chức đại diện cho nhà hát trong đó xác định các điều khoản tối thiểu trong việc khai thác các tác phẩm cụ thể.

Việc trình diễn một vở kịch khi đó đòi hỏi sự cho phép tiếp theo từ phía tác giả dưới dạng một hợp đồng cá nhân quy định các điều kiện cụ thể của tác giả. Sau đó tổ chức quản lý tập thể thông báo về sự cho phép cho tác giả liên quan và tiến hành thu tiền thù lao tương ứng.

TRONG LĨNH VỰC CÁC TÁC PHẨM IN ẤN
(sách, tạp chí, các ấn phẩm định kỳ, báo, báo cáo, lời bài hát), quản lý tập thể chủ yếu liên quan đến việc cấp quyền nhân bản, hay nói cách khác, cho phép tài liệu đã được bảo hộ được sao chụp bởi các tổ chức như thư viện, tổ chức công, trường đại học, trường học và hội người tiêu dùng. Khi được các công ước quốc tế cho phép, các thỏa thuận li-xăng không tự nguyện có thể được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia; trong các trường hợp này, quyền sử dụng có trả tiền thù lao được chấp thuận mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền. Các tổ chức quản lý tập thể quản lý tiền thù lao. Trong trường hợp đặc biệt nhân bản vì mục đích riêng tư và cá nhân, một số luật quốc gia quy định điều khoản cụ thể đối với khoản thù lao hợp lý có thể trả cho chủ sở hữu quyền và được chuyển thành khoản thuế đánh vào thiết bị, hoặc các bản sao chụp hoặc là cả hai.

TRONG LĨNH VỰC CÁC QUYỀN LIÊN QUAN,
pháp luật quốc gia của một số nước quy định quyền về thù lao trả cho người biểu diễn hoặc nhà sản xuất các bản ghi âm hoặc cả hai khi các bản thu âm thương mại được truyền tới công chúng hoặc được sử dụng để phát sóng. Phí sử dụng được thu và phân phối bởi các tổ chức đầu mối do người biểu diễn và nhà sản xuất các bản ghi âm thành lập hoặc các cá nhân riêng biệt, phụ thuộc vào mối quan hệ của những người có liên quan và thực trạng pháp luật của quốc gia đó.

Các tổ chức quản lý tập thể hoạt động ở đâu?

Việc áp dụng pháp luật quốc gia theo đó xác lập các quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và các quyền liên quan chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong Công ước Berne và Công ước Rome, các chủ sở hữu quyền nước ngoài được đối xử tương tự như công dân của nước đó ở hầu hết các khía cạnh. Nguyên tắc này được chấp nhận bởi các tổ chức quản lý tập thể mà, theo các thỏa thuận đại diện tương hỗ, sẽ quản lý kho tài liệu nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia, trao đổi thông tin và trả tiền bản quyền cho các chủ sở hữu quyền nước ngoài.

Liên kết với các tổ chức phi chính phủ

Hiện nay có một mạng lưới toàn cầu các tổ chức quản lý tập thể đã được thiết lập vững chắc và chúng được đại diện bởi các tổ chức phi chính phủ như Liên minh quốc tế các hiệp hội tác giả và nhạc sỹ (CISAC), Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý quyền sao chép (IFRRO), và ở cấp châu Âu là Hiệp hội các tổ chức biểu diễn châu Âu (AEPO).

Là một phần của các hoạt động hợp tác phát triển quốc tế, WIPO phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nói trên cũng như với các tổ chức khác, như Liên đoàn quốc tế các diễn viên (FIA), Liên đoàn quốc tế các nhạc sỹ (FIM), Liên đoàn quốc tế về công nghiệp ghi âm (IFPI). Mục đích của hoạt động này là hỗ trợ các nước đang phát triển, theo yêu cầu của họ, trong việc thành lập các tổ chức quản lý tập thể và tăng cường năng lực cho các tổ chức hiện nay đảm bảo họ có thể hoạt động hiệu quả và đối mặt được với những thách thức trong môi trường kỹ thuật số. Các hoạt động như vậy được triển khai theo Chương trình phát triển hợp tác của WIPO.

Khía cạnh kinh tế - xã hội và văn hóa

Quản lý tập thể là một dịch vụ có giá trị đối với thế giới âm nhạc và các môn nghệ thuật sáng tạo khác. Bằng cách quản lý các quyền của người sáng tạo, hệ thống này thưởng công cho những người tạo ra các tác phẩm, đổi lại các nhà sáng tạo sẵn sàng phát triển và áp dụng tài năng của mình trong một môi trường có sự bảo hộ thỏa đáng về quyền tác giả và quyền liên quan cũng như trong một hệ thống quản lý quyền hiệu quả. Bối cảnh đó khuyến khích các nhà sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của ngành văn hóa, thu hút đầu tư nước ngoài và giúp cho công chúng có thể sử dụng số lượng lớn các tác phẩm. Bên cạnh đó, các nhân tố này cũng có tác động thuận lợi không thể phủ nhận đối với các nền kinh tế quốc gia; ở một số nước, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp tới 6% tổng sản phẩm quốc gia, thu nhập từ quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan chiếm một phần đáng kể trong tỉ lệ đó.

Một số tổ chức quản lý tập thể đưa ra các hình thức bảo vệ phúc lợi xã hội khác nhau cho các thành viên của mình. Các lợi ích thường bao gồm trợ giúp về thanh toán bảo hiểm, chữa bệnh, tiền trợ cấp hàng năm khi nghỉ hưu hoặc một số thu nhập đảm bảo dựa trên thời gian trả tiền bản quyền của các thành viên.

Các tổ chức quản lý tập thể có thể tài trợ cho các hoạt động văn hóa để phát triển kho tàng tác phẩm quốc gia ở trong nước và nước ngoài. Họ xúc tiến tổ chức các lễ hội sân khấu, các cuộc thi âm nhạc, văn hóa dân gian trong nước, hợp tuyển âm nhạc và các hoạt động khác.

Bảo vệ phúc lợi và phát triển các hoạt động văn hóa không phải là điều bắt buộc. Tuy nhiên, khi các hoạt động này được tiến hành, chi phí tổ chức được khấu trừ từ tiền bản quyền do tổ chức quản lý tập thể thu được. Các tổ chức quản lý tập thể đều nhất trí với quan điểm khấu trừ, theo quy định của CISAC, không vượt quá 10% doanh thu thuần.

Quản lý tập thể và môi trường số

Các tác phẩm đã được bảo hộ bản quyền sẽ được phân tán ở dạng số với số lượng ngày càng tăng thông qua các mạng lưới toàn cầu như Internet. Kết quả là viêc quản lý tập thể về quyền tác giả và các quyền liên quan bởi các tổ chức công, bán công và khu vực thị trường sẽ được cơ cấu lại nhằm tận dụng lợi thế do công nghệ thông tin mang lại. Các cơ hội ngày càng tăng dành cho các chủ sở hữu quyền qua Internet và sự xuất hiện của các sản phẩm “đa phương tiện” đang ảnh hưởng đến các điều kiện bảo hộ, việc thực hiện và quản lý quyền tác giả và quyền liên quan, cũng như việc thực thi các quyền này.

Trong thế giới trực tuyến của thiên niên kỷ mới, việc quản lý các quyền này đang được triển khai trên một phương diện mới. Các tác phẩm bảo hộ hiện nay được số hóa, nén, đăng, tải, sao chép và phát tán trên mạng Internet tới bất cứ nơi nào trên thế giới. Quyền năng ngày càng mở rộng của mạng lưới này cho phép lưu và phát tán số lượng lớn các tài liệu được bảo hộ. Khả năng tải nội dung của một quyển sách, hay nghe hoặc thu âm một bản nhạc từ không gian ảo giờ đã trở thành hiện thực. Trong khi điều này tạo ra những cơ hội vô hạn, nó cũng gây ra rất nhiều thử thách đối với chủ sở hữu quyền, người sử dụng và các tổ chức quản lý tập thể.

Rất nhiều tổ chức quản lý tập thể đã phát triển hệ thống truyền trực tuyến các thông tin liên quan đến chuyển quyền sử dụng các tác phẩm và nội dung, kiểm soát việc sử dụng, thu và phân phối thù lao đối các thể loại tác phẩm khác nhau trong môi trường số. Phụ thuộc vào việc phát triển và sử dụng hệ thống đánh số duy nhất, các mã số được ghi trong các thiết bị số lưu giữ như CD, phim, các hệ thống thông tin số này cho phép xác định chủ sở hữu quyền và các thiết bị số một cách thỏa đáng và cung cấp các thông tin liên quan khác. Cần có sự bảo hộ pháp lý thích hợp để ngăn chặn các hành vi có chủ định nhằm phá hoại các biện pháp bảo vệ kỹ thuật, cũng như đảm bảo chống dỡ bỏ hay thay đổi bất kỳ yếu tố nào trong các hệ thống thông tin số hoặc các hành động tương tự khác.

Hai hiệp ước đã được ký kết vào năm 1996, dưới sự bảo trợ của WIPO, nhằm đáp lại các thách thức trong việc bảo hộ và quản lý quyền tác giả và quyền liên quan trong kỷ nguyên số. Được biết đến như “Các Hiệp ước về Internet”, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả và Hiệp ước WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (l WCT và WPPT -- tham khảo thêm tài liệu của WIPO về các Hiệp ước này), quy định các nghĩa vụ liên quan đến biện pháp bảo hộ công nghệ và thông tin về quản lý quyền trong môi trường số. Các Hiệp ước này đảm các chủ sở hữu quyền sẽ được bảo hộ khi tác phẩm của họ được phát tán trên Internet, đồng thời có các điều khoản yêu cầu các nhà lập pháp quy định hình thức bảo hộ hiệu quả đối với các biện pháp kỹ thuật bằng cách nghiêm cấm hành vi nhập khẩu, sản xuất và phân phối các công cụ hay nguyên liệu cản trở trái phép, cũng như các hành vi bất hợp pháp gây thiệt hại cho hệ thống thông tin về quản lý quyền.

Các tài liệu cụ thể khác về quyền tác giả, quyền liên quan và các Hiệp ước WCT, WPPT có thể được WIPO cung cấp theo yêu cầu. Để biết thêm thông tin chi tiết về quản lý tập thể, độc giả có thể liên hệ tới Phòng Quản lý tập thể quyền tác giả của WIPO qua số +41-22 338 91 43 (Ban Thư ký) hoặc truy cập trang web của WIPO: www.wipo.int.

Để biết thêm thông tin về Bộ phận Doanh nghiệp nhỏ và vừa của WIPO, xin mời truy cập trang http://www.wipo.int/sme hoặc liên hệ:

Bộ phận Doanh nghiệp nhỏ và vừa, WIPO

34, chemin des Colombettes
PO Box 18, CH-1211 Geneva 20
Switzerland
Fax: +41-22 338 8760
E-mail: sme@wipo.int

 

 

( Tài liệu của: Bộ phận doanh nghiệp vừa nhỏ - Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO - http://www.wipo.int/sme)

Bài thuộc chuyên đề: Sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp khổ vì vi phạm sở hữu trí tuệ
  • Bảo vệ SHTT: Thờ ơ - hải quan “bó tay”
  • Sở hữu trí tuệ: Gậy nào đập lưng ông nào?
  • Bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc
  • Hài hòa hóa việc bảo hộ kiểu dáng sản phẩm (phần II )
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%