Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Nó xảy ra ở tất cả các quốc gia, kể cả nước nghèo và nước giàu, nước phát triển và đang phát triển hoặc kém phát triển. Tuy nhiên, chống tham nhũng như thế nào để đạt hiệu quả vẫn còn là vấn đề đang được một số nước chứng minh.
Thái Lan – Xây dựng hệ thống phát hiện
Ở Thái Lan, vấn đề tham nhũng tồn tại trong mọi lĩnh vực, từ việc mua phiếu để vào nghị viện, mua bán chức quyền sinh lợi trong bộ máy nhà nước đến việc hối lộ để được phê chuẩn một dự án lớn… Hiến pháp Vương quốc Thái Lan từ năm 1997 đã đưa ra những phương kế trấn áp và ngăn ngừa, theo đó nhiều tổ chức chống tham nhũng ở đây đã và đang phát huy tác dụng.
Ủy ban Quốc gia chống tham nhũng (NCCC) là tổ chức độc lập được thành lập theo Hiến pháp Thái, gồm 9 thành viên hội đồng là những người liêm chính, trong sạch được bổ nhiệm bởi Nhà vua cùng với ý kiến của Thượng nghị viện. NCCC là tổ chức duy nhất được tin tưởng để điều tra các hành vi tham nhũng, sự giàu có bất thường và hoạt động phi pháp của viên chức lãnh đạo hay viên chức nào khác khi họ phát hiện.
Biểu tình chống tham nhũng ở Iceland cuối năm 2008 |
Văn phòng chống rửa tiền (AMLO) được thiết lập với nhiệm vụ chính là hỗ trợ và cộng tác với NCCC trong công tác ngăn ngừa và trấn áp tham nhũng ở Thái Lan. Dưới AMLO, một tổ chức gọi là “Kiểm tra các hoạt động giao dịch” (TC) được thành lập, với nhiệm vụ kiểm tra mọi hoạt động giao dịch và tài sản liên quan đến những hoạt động phi pháp, trái pháp luật giữa Thái Lan và các nước. Nếu TC tìm thấy bất kỳ sự chuyển nhượng tài chính liên quan đến các hoạt động phi pháp, giấu giếm, che đậy sự phạm tội thì TC có quyền ngừng giao dịch. Những người trong các tổ chức này được công chúng tôn trọng và thừa nhận sự liêm khiết của họ và tin tưởng sự hiểu biết, dám nghĩ, dám làm, hoạt động vì công chúng.
Singapore - Chú trọng hình phạt
Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả. Hệ thống tư pháp Singapore đã áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội tham nhũng để bảo đảm và duy trì sự công bằng, niềm tin của xã hội cũng như sự trong sạch và hiệu quả của bộ máy hành chính.
Ở Singapore, người có hành vi tham nhũng có thể bị phạt tiền đến 100.000 đô la Singapore, hoặc bị phạt tù đến 5 năm, hoặc áp dụng cả hai hình phạt.
Nếu phạm tội tham nhũng liên quan đến một hợp đồng của chính phủ, hay liên quan đến một đại biểu quốc hội, hay thành viên của một tổ chức nhà nước, thời hạn hình phạt có thể tăng lên đến 7 năm, đồng thời tòa án còn có quyền buộc kẻ phạm tội phải trả một số tiền tương đương với số tiền hối lộ đã nhận và tịch thu tài sản cùng những nguồn tiền mà người bị kết tội không lý giải được nguồn gốc.
Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore (CPIB) có quyền tự do hành động để xử lý kẻ tham nhũng bất kể đó là ai và ở vị trí nào trong xã hội. Theo lời của một nhà quan sát quốc tế: “Trong bộ máy hành chính của Singapore, CPIB được kính sợ như con mắt có thể nhìn mọi thứ của giới lãnh đạo, và được kính trọng vì sự hiệu quả, chính xác như bộ máy đồng hồ và những phương pháp nghiệp vụ tinh vi”.
Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng ở Singapore chưa phải là hoàn hảo, nhưng trên thực tế tham nhũng đã nằm trong sự kiểm soát của chính phủ nước này. Đó là một trong những yếu tố tạo dựng niềm tin của xã hội và với sự tin tưởng ấy, các thành phần doanh nghiệp ở nước này đã yên tâm góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Singapore.
Nga – Minh bạch hóa
Hồi tháng 5-1997, Tổng thống Liên bang Nga từng ký sắc lệnh về việc buộc kê khai thu nhập và tài sản của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, nhưng việc thực hiện mới dừng ở mức độ hình thức, chưa cụ thể.
Ngày 23-9, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố bảng xếp hạng năm 2008 về “cảm nhận tham nhũng”. bao gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mức độ cảm nhận về tham nhũng được chấm từ điểm 0 (tham nhũng cao nhất) đến điểm 10 (là “sạch” nhất). Đứng đầu bảng xếp hạng có ba nước đồng hạng nhất với 9,3 điểm, đó là Đan Mạch, Thụy Điển và New Zealand. Đứng thứ tư là Singapore với 9,2 điểm. Ở dưới đáy của bảng xếp hạng là Somalia (1 điểm), Iraq và Myanmar (đồng 1,3 điểm) và Haiti với 1,4 điểm. Theo giáo sư Johann Graf Lambsdorff, một trong những người thực hiện bản báo cáo của TI, “những bằng chứng cho thấy, việc cải thiện được 1 điểm trong chỉ số tham nhũng sẽ làm tăng thêm thu nhập bình quân đến 4% so với GDP”. |
Theo số liệu của các chuyên gia, hàng năm các doanh nghiệp ở Nga chi 33 tỷ USD để hối lộ các quan chức và 3 tỷ USD để hối lộ chính quyền địa phương. Còn bây giờ nhiều người Nga đang kỳ vọng vào sự nghiêm túc và minh bạch của việc này sau khi có tuyên bố của Tổng thống Medvedev trên các phương tiện truyền thông.
Theo đó, từ ngày 1-4-2009, các số liệu liên quan đến tài sản, bất động sản, phương tiện đi lại và cả các nguồn thu từ hoạt động văn hóa nghệ thuật, cổ phiếu... đều được thông báo trên trang web của điện Kremlin và của tổng thống.
Các quan chức cũng phải kê khai cả tài sản của gia đình, tài sản liên quan đến vợ và các con trong độ tuổi vị thành niên. Trên trang web này ông Medvedev đã “làm gương” với khối tài sản được kê khai tài sản trong năm 2008, là 8 tài khoản ngân hàng tổng trị giá 2.740.006 rúp (tỷ giá lúc bấy giờ là 24 rúp/USD), một căn hộ ở Mátxcơva rộng 367m²…
Tuy nhiên, theo bà Elena Panphilova, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đề xuất chống tham nhũng - minh bạch quốc tế ở Nga: “Một biện pháp tốt không hẳn phải cho hiệu quả ngay lập tức. Quan trọng là phải kiểm tra được sự trung thực của bản kê khai, không phải chỉ là trên số liệu thực tế mà bằng cách so sánh số liệu với những bản kê khai từng có. Quan trọng hơn nữa là ai sẽ tiến hành thanh tra!”.
(Theo HẠNH CHI /Tổng hợp từ Reuters, Forbes/SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com