Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đánh giá kết quả trưng cầu ý dân ở Australia

Australia là một trong số ít quốc gia tổ chức trưng cầu ý dân tương đối thường xuyên. Điều 128 của Hiến pháp Australia năm 1901 quy định: Dự thảo Luật sửa đổi Hiến pháp phải được thông qua bởi đa số tuyệt đối trong mỗi viện của Nghị viện và phải được đưa ra trưng cầu ý dân trong vòng từ hai đến sáu tháng sau khi Nghị viện thông qua.

Thực tiễn trưng cầu ý dân ở Australia

Australia là một trong số ít quốc gia tổ chức trưng cầu ý dân tương đối thường xuyên. Điều 128 của Hiến pháp Australia năm 1901 quy định: Dự thảo Luật sửa đổi Hiến pháp phải được thông qua bởi đa số tuyệt đối trong mỗi viện của Nghị viện và phải được đưa ra trưng cầu ý dân trong vòng từ hai đến sáu tháng sau khi Nghị viện thông qua. Như vậy, mọi trường hợp sửa đổi Hiến pháp của Australia đều phải được nhân dân quyết định thông qua trưng cầu ý dân. Nếu nhân dân không tán thành thì Nghị viện không được sửa đổi Hiến pháp, mặc dù trước đó đã biểu quyết thông qua ở cả hai viện.

Từ đó đến nay, trong hơn 100 năm, Australia đã diễn ra hơn 40 cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, trong đó có 14 lần cử tri được hỏi ý kiến về hai hoặc nhiều vấn đề. Ngoài ra, Australia còn tổ chức một số cuộc trưng cầu ý dân về những vấn đề không liên quan đến sửa đổi Hiến pháp.

Thực tiễn tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân ở Australia cũng như kết quả không mấy khả quan của chúng đã và đang là đề tài được nhiều nhà khoa học, đặc biệt là giới luật gia quan tâm. Xin được giới thiệu quan điểm cũng như cách đánh giá của một số nhà khoa học Australia về vấn đề này.

Bà Cheryl Saunders - giáo sư Luật Hiến pháp của Đại học Melbourne - trong cuốn “Hiến pháp Australia” xuất bản năm 1997 đã viết: “Trong vòng một trăm năm, tại Australia có 42 bản đề nghị sửa đổi Hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân nhưng chỉ có 8 đề nghị sửa đổi được thông qua”. Bà cho rằng tỷ lệ thất bại trong các cuộc trưng cầu ý dân cao như vậy có thể giải thích bằng nhiều cách:

- Do bản chất của đề nghị sửa đổi được đưa ra trưng cầu ý dân;

- Do đề nghị sửa đổi mang đậm nét lợi ích của đảng phái chính trị;

- Do sự thiếu hiểu biết về nội dung vấn đề cần sửa đổi của một bộ phận cử tri…[1]

Cách đánh giá của Cheryl Saunders có thể nói là khá nhẹ nhàng, xuất phát từ quan điểm cùng chia sẻ trách nhiệm, theo đó lỗi một phần thuộc về chính quyền, một phần thuộc về các đảng phái chính trị và một phần thuộc về dân chúng.

Một học giả khác là John Uhr trong bài giảng tại Nhà Quốc hội ngày 22/10/1999 với tiêu đề “ý nghĩa của trưng cầu ý dân” đã đưa ra nhận xét: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc trưng cầu ý dân có nguy cơ bị phá hỏng bởi xung đột giữa sự ngộ nhận của cử tri và lợi ích chính trị của các đảng phái”. Ông cho rằng, một số nhà phê bình đã nhầm khi quy kết rằng, cử tri và hệ thống bầu cử - trưng cầu ý dân của Australia thiên về xu hướng chống lại sự thay đổi. Theo ông, nguyên nhân chính của việc cử tri không ủng hộ sự thay đổi không phải là do người dân lãnh đạm hoặc không biết gì mà chính là phản ứng của người dân đối với việc chính quyền cho rằng họ lãnh đạm và dốt nát. Thất bại trong tổ chức trưng cầu ý dân phản ánh sự thiếu định hướng của các cuộc trưng cầu ý dân từ phía chính quyền rõ hơn là sự hạn chế của cử tri. Ông cho rằng, trên thực tế, người dân Australia là những nhà sáng chế vĩ đại, họ là những người đi tiên phong trong việc áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ và sáng kiến cải tiến trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp, kinh doanh, thương mại… Vì vậy, không thể quy kết một cách đơn giản rằng, nguyên nhân chính khiến phần lớn cử tri biểu quyết không tán thành những đề nghị được đưa ra trong các cuộc trưng cầu ý dân chỉ là do họ sợ sự thay đổi hay thiếu quan tâm đến sự thay đổi,mà là người dân ngờ rằng chính quyền nghĩ họ chống lại sự thay đổi và không có khả năng đánh giá đúng mức giá trị của những đề nghị thay đổi mà chính quyền đưa ra. Họ mong muốn chính quyền thông tin cho họ đầy đủ hơn về các đề nghị sửa đổi. Như vậy, theo ông, lỗi chủ yếu là ở chính quyền.

Với cách nhìn tương tự, Jame Crawford, trong ấn phẩm “Sửa đổi Hiến pháp”[1] đã đưa ra nhận định rằng, thất bại của cải cách Hiến pháp ở Australia không phải là sản phẩm của yêu cầu không thể thực hiện tại điều 128 Hiến pháp (yêu cầu tại điều 128 mà Jame Crawford muốn nói đến là đòi hỏi đa số đúp, tức là phải có đa số cử tri trong toàn liên bang và đa số cử tri trong đa số các bang tán thành thì đề nghị sửa đổi Hiến pháp mới được thông qua - TG), mà thể hiện sự yếu kém của chính quyền trong khả năng thuyết phục chính trị, trong việc giáo dục người Australia về Hiến pháp của họ và sự thiếu triệt để của các đảng phái trong việc xử lý các cá nhân, do định hướng sai khiến cho các cuộc vận động chống lại trưng cầu ý dân được tiến hành không căn cứ vào giá trị thực sự của những đề nghị cụ thể, mà xuất phát từ lợi ích chính trị của các đảng phái. Ông cho rằng người dân Australia chưa được hưởng sự giáo dục đầy đủ về Hiến pháp, đặc biệt là lớp trẻ.

Trong khi một số học giả cho rằng, trưng cầu ý dân là vũ khí của chính quyền và chính quyền chỉ sử dụng vũ khí đó khi nào có lợi, thì R. Miles lại cho rằng trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp là lá chắn của chính quyền chứ không phải là thanh kiếm[1].

Cũng với quan điểm như vậy, Arend Lijphart chỉ ra rằng, khi chính quyền kiểm soátviệc trưng cầu ý dân thì chính quyền có khuynh hướng sử dụng trưng cầu ý dân chỉ khi nào thấy rõ khả năng thắng. Vậy mà nhiều cuộc trưng cầu ý dân vẫn thất bại thì hiển nhiên không thể đổ lỗi cho dân chúng được.

John Uhr thì cho rằng, mục đích của việc đẩy mạnh dân chủ hoá đời sống chính trị của đất nước thông qua thảo luận dân chủ không chỉ nhằm đạt được sự đồng thuận thực sự, mà còn là khuyến khích đối thoại công khai, trong đó bao gồm cả việc phổ biến và đánh giá những thông tin về sự không hài lòng của dân chúng, coi đó như là một điều kiện quan trọng để chính quyền có thể ban hành những quyết định đúng đắn[1]. Theo ông, trưng cầu ý dân ở Australia có những hạn chế chủ yếu sau đây:

- Trưng cầu ý dân làm giảm trách nhiệm của Chính phủ;

- Trưng cầu ý dân hạ thấp vai trò của Nghị viện;

- Đòi hỏi đa số đúp là sự bế tắc của tiến trình dân chủ[1].

Sở dĩ ông cho rằng, trưng cầu ý dân làm giảm trách nhiệm của Chính phủ là vì, trong những tình huống phức tạp, Chính phủ có thể trốn tránh trách nhiệm bằng cách đề nghị Nghị viện đưa vấn đề cần phải quyết định ra trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân làm giảm vai trò của Nghị viện bởi quyết định được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân có giá trị cao hơn luật, đặc biệt, trong một số trường hợp quyết định đó có thể bãi bỏ luật. Đòi hỏi đa số đúp là rất khó đạt được và thực tiễn tiến hành trưng cầu ý dân hơn một thế kỷ qua đã chứng minh điều đó.

Một học giả khác là Brian Galligan cho rằng, có ba điểm cần được chú ý đặc biệt khi nghiên cứu về trưng cầu ý dân ở Australia. Đó là:

Thứ nhất, trong khi các quy định về việc phê chuẩn đề nghị sửa đổi Hiến pháp khá dân chủ thì các quy định về sáng kiến trưng cầu ý dân lại không được như vậy;

Thứ hai, trưng cầu ý dân được sử dụng tương đối thường xuyên ở Australia;

Thứ ba, trưng cầu ý dân thường kết thúc thất bại[1].

Sáng kiến trưng cầu ý dân là độc quyền của Nghị viện liên bang, chính quyền các bang và cử tri Australia hoàn toàn không có quyền này (trong khi đó, tại nhiều quốc gia có tổ chức trưng cầu ý dân thì cử tri cũng được trao quyền sáng kiến trưng cầu ý dân). Việc phê chuẩn đề nghị sửa đổi Hiến pháp thông qua trưng cầu ý dân được đánh giá cao vì đó là sự thể hiện ý nguyện của nhân dân. Từ năm 1973, phần lớn các đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân đều nhằm mục đích mở rộng quyền lực của chính quyền trung ương, thường là đối với những vấn đề kinh tế then chốt trong các lĩnh vực như kinh doanh, xúc tiến thương mại, công nghiệp... Bàn về nguyên nhân thất bại của phần lớn các cuộc trưng cầu ý dân, ông cho rằng có thể kể ra những nguyên nhân chính sau đây:

- Do các đề nghị sửa đổi chủ yếu xuất phát từ lợi ích của các đảng phái chính trị;

- Do sự lãnh đạm và thiếu hiểu biết của dân chúng;

- Do lực lượng theo quan điểm bảo vệ phạm vi thẩm quyền hiện hành của chính quyền các bang quá mạnh (những người theo quan điểm này cho rằng việc mở rộng không giới hạn phạm vi thẩm quyền của liên bang sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các bang và lãnh thổ).

Một số nhận xét

Trên cơ sở nghiên cứu kết quả trưng cầu ý dân cũng như cách đánh giá của các nhà khoa học về trưng cầu ý dân ở Australia, chúng tôi rút ra một số nhận định chung như sau:

- Ở Australia, các cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành với mục đích chủ yếu là sửa đổi Hiến pháp, được tổ chức khá thường xuyên và phần lớn kết thúc thất bại. Trong vòng 100 năm, đã có hơn 40 bản đề nghị sửa đổi Hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân nhưng chỉ có tám đề nghị sửa đổi được dân chúng thông qua. Mặc dù vậy, điều đó không có ảnh hưởng gì lớn đến việc vận hành bộ máy quyền lực bởi Toà án tối cao Australia có quyền giải thích lại các quy định của Hiến pháp căn cứ vào những thay đổi trong đời sống chính trị - xã hội.

- Các nhà khoa học Australia có những nhận định và cách đánh giá khác nhau về nguyên nhân thất bại của phần lớn các cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, đa số nhất trí rằng, nguyên nhân chủ yếu đều xuất phát từ phía bộ máy nhà nước chứ không phải từ phía dân chúng. Hơn nữa, trong các quy định pháp luật về trưng cầu ý dân cũng như trong công tác tổ chức trưng cầu ý dân đều có những hạn chế nhất định. Hạn chế lớn nhất trong các quy định pháp luật thể hiện ở chỗ, quyền sáng kiến trưng cầu ý dân là độc quyền của Nghị viện liên bang. Còn hạn chế lớn nhất trong tổ chức trưng cầu ý dân là chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung Hiến pháp nói chung và về các đề nghị sửa đổi Hiến pháp nói riêng.

(Theo TS. Trần Minh Hương // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • Nhà giàu Trung Quốc tuồn tiền mặt ra nước ngoài
  • Kinh hãi công nghệ nhuộm màu cho... tôm khô
  • Những “ông trùm” séc và tiền giả
  • “Trùm” túi xách giả Trung Quốc lĩnh án nặng bất thường
  • Vì sao thực phẩm Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiễm độc?
  • Trung Quốc: Bắt thủ phạm bơm chất độc vào bánh bao
  • Nhật: Bắt 4 người Việt chuyển tiền trái phép về Việt Nam
  • Nga: Giải cứu 30 lao động Việt Nam
  • Triệt phá tội phạm
  • Trung Quốc: Bê bối dầu ăn bẩn lan rộng
  • Quận Cam kiện hãng Toyota tiếp tục bán và cho thuê xe bị lỗi
  • Trung Quốc cáo buộc HP vi phạm quyền lợi khách hàng
  • Mỹ: Nhà quyên góp nổi tiếng nhận tội lừa đảo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%