Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi công lý có mùi kim tiền

Một “cậu ấm” lái xe đua sang trọng đâm chết người trên đường phố Hàng Châu chỉ lãnh bản án nhẹ nhàng. Sức mạnh của đồng tiền khiến công dân mạng Trung Quốc nổi giận.

Khoảng 20 giờ tối 7-5 vừa qua, nhiều công tử con nhà giàu ầm ầm đua xe trên đường Ôn Nhi Tây ở Hàng Châu. Bất ngờ, một chiếc Mitsubishi đỏ đang lao nhanh đã tông thẳng vào một thanh niên khi anh đang rảo bước trên lối qua phố dành cho người đi bộ. Nạn nhân bị bắn tung lên cao tới 6m, văng ra xa tới gần 20m, thi thể giập nát và chết ngay tại chỗ.

Thủ phạm vụ tai nạn là Hồ Bân, 20 tuổi, con trai một “đại gia” buôn bán quần áo rất giàu có ở Hàng Châu. Còn nạn nhân là Đàm Châu, 25 tuổi, một kỹ sư viễn thông xuất thân từ một gia đình nông thôn nghèo và là cựu sinh viên ĐH Chiết Giang tại Hàng Châu.

Cuộc điều tra mờ ám

Điều kỳ lạ là cảnh sát không hề bắt giữ Hồ Bân, và ngay ngày hôm sau mở cuộc họp báo tuyên bố tốc độ chiếc Mitsubishi Evo mà Hồ Bân lái khi gây tai nạn chỉ vào khoảng 70 km/giờ, cho dù rất nhiều nhân chứng tận mắt chứng kiến vụ tai nạn đã khẳng định Hồ Bân phóng xe với tốc độ cực nhanh.


“Cậu ấm” Hồ Bân ra hầu tòa... - Ảnh: Chinasmack.com

Trên thực tế, cảnh sát chỉ lấy lời khai của vỏn vẹn hai “nhân chứng” là hai cậu bạn cùng đua xe với Hồ Bân. Giới hạn tốc độ trên đường Ôn Nhi Tây là 50 km/giờ. Cảnh sát cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng chiếc xe của Hồ Bân đã được “độ” lại để tăng tốc độ.

Dư luận ở Hàng Châu và Trung Quốc nói chung đều nổi giận với kết luận của cảnh sát mà họ cho là rất đáng ngờ. Trên các trang mạng Chinasmack.com, NetEase, Sina.com... có hàng trăm ngàn bình luận biểu thị sự phẫn nộ.

Một blogger tên Yan viết: “Hãy xem cách các bậc cha mẹ giàu có giải quyết vụ việc cho con họ một cách êm thấm như thế nào”. Một người khác viết: “Hãy xem quyền lực đồng tiền có thể dập tắt được sự giận dữ của người dân không”.

Các công dân mạng phân tích lực tác động của xe vào người Đàm Châu, cách anh bị hất tung lên trời và xác định tốc độ chiếc xe gây tai nạn phải lên đến 140 km/giờ.

Các công dân mạng cho rằng gia đình Hồ Bân đã dùng tiền bạc và các mối quan hệ để giúp con mình chạy tội. Một số người còn đưa lên trang Chinasmack ảnh gia đình Hồ Bân chụp cạnh những chiếc xe rất sang trọng.

Hàng trăm sinh viên ĐH Chiết Giang viết thư ngỏ gửi thị trưởng Hàng Châu, yêu cầu chính quyền mở cuộc điều tra mới. Các sinh viên và người dân thành phố cũng tập trung ở hiện trường vụ tai nạn, đốt nến tưởng niệm nạn nhân. Ngày 11-5, hơn 1.000 người đã dự đám tang của Đàm Châu. Trước áp lực quá lớn từ phía dư luận, cảnh sát Hàng Châu đã buộc phải bắt giữ Hồ Bân.

Một tuần sau vụ tai nạn, cảnh sát họp báo thứ hai và thừa nhận những kết luận ban đầu là hoàn toàn sai. Tốc độ xe khi gây tai nạn, theo báo cáo pháp y, khoảng hơn 100 km/giờ, và chiếc xe đã được “độ” đúng như nhiều người nghi ngờ.

Các công dân mạng cho rằng lời thừa nhận của cảnh sát là bằng chứng rõ ràng cho thấy cha mẹ Hồ Bân đã dùng tiền để cứu con. Sau đó, gia đình Hồ Bân đã chấp nhận đền bù cho gia đình Đàm Châu 165.000 USD. 


Đám bạn của Hồ Bân cười đùa tại hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Chinasmack.com

Giàu làm gì cũng được?

Ngọn lửa giận dữ của người dân Hàng Châu bùng lên trở lại vào giữa tháng 7, khi tòa án thành phố kết luận Hồ Bân chỉ “vi phạm luật lệ giao thông dẫn đến chết người” và chỉ bị xử tù ba năm. Tòa án cho biết do Hồ Bân không bỏ trốn sau khi gây tai nạn, cha mẹ lại đã bồi thường một số tiền lớn cho gia đình nạn nhân, nên Hồ Bân không bị khép tội “gây mất an toàn xã hội” vốn có mức án nặng hơn.

Dư luận cho rằng mức án này là quá nhẹ. Kỳ lạ là Hồ Bân còn xuất hiện tại tòa trong bộ dạng trẻ trung và béo tốt hơn rất nhiều so với những hình ảnh của cậu ta mà các phóng viên chụp. Trên Internet, mọi người đồn rằng cha mẹ Hồ Bân đã trả tiền để thuê một người khác đến hầu tòa và ngồi tù thay cho con. Chính quyền Hàng Châu phủ nhận tin đồn này.

Làn sóng phản đối trên mạng lại càng trở nên gay gắt hơn. Trên Chinasmack.com, một người bình luận mỉa mai: “Cảm ơn vì đã dạy cho tôi một bài học: hãy làm việc chăm chỉ để kiếm thật nhiều tiền, bởi khi có tiền bạn có thể giết người mà không cần phải trả giá đắt”.

Người khác phản ứng giận dữ: “Những người dân bình thường trong xã hội đã bị xúc phạm”. Nhiều người cho rằng có thể chỉ sau vài tháng ngồi tù tại một trại giam “xịn”, Hồ Bân sẽ lại được trả tự do sớm và “sẽ lại đua xe và giết người”. Cha của nạn nhân cũng cho rằng bản án này không công bằng.

Dư luận còn tỏ ra cực kỳ giận dữ với thái độ của Hồ Bân và đám bạn bè khi xảy ra tai nạn. Các bức ảnh trên mạng cho thấy sau khi gây tai nạn, Hồ Bân đã gọi bạn bè đến hiện trường. Trong khi người dân đổ xô ra tìm cách cứu Đàm Châu và đưa đến bệnh viện, thì Hồ Bân giấu mình trong xe, còn đám bạn lại đứng trên đường phì phèo thuốc lá và cười nói ầm ĩ.

“Thái độ của bọn trẻ đó thật tồi tệ, tông chết người rồi mà hành xử điềm nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra” - một blogger viết. Những người khác nhận xét “bọn con nhà giàu hư đốn” này quá coi thường tính mạng con người.

Những tiền lệ đáng buồn

Ở Trung Quốc từng có nhiều vụ án mà trong đó tòa án thường tính đến chuyện bị cáo đền bù bao nhiêu tiền cho nạn nhân trước khi tuyên án, khiến dư luận tin rằng người giàu có thể chạy tội bằng tiền.

Hồi tháng 8 ở Trùng Khánh, giám đốc một khách sạn lớn đã đánh chết một phụ nữ rồi đền bù cho gia đình nạn nhân gần 42.000 USD. Trên báo chí, ông ta lớn miệng tuyên bố: “Cùng lắm thì tôi sẽ lại bỏ thêm 2 triệu NDT (300.000 USD) để mua tính mạng của cô ta chứ gì”.

Chỉ vài tuần sau vụ Hồ Bân, một thanh niên con nhà giàu 28 tuổi lái chiếc Porsche đâm chết một cô hầu bàn. “Tại sao lũ con nhà giàu lại hành động như vậy? -  anh Đế Vương Triều, bạn trai của nạn nhân, bức xúc - Bởi chúng nghĩ rằng chúng sẽ không bị trừng phạt. Nếu tôi mà gây án mạng thì chắc sẽ ngồi tù rục xương”.


(Theo Tuổi Trẻ/ Nhân dân Nhật báo, Tân hoa xã, Chinasmack.com)

  • Nhà giàu Trung Quốc tuồn tiền mặt ra nước ngoài
  • Kinh hãi công nghệ nhuộm màu cho... tôm khô
  • Những “ông trùm” séc và tiền giả
  • “Trùm” túi xách giả Trung Quốc lĩnh án nặng bất thường
  • Vì sao thực phẩm Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiễm độc?
  • FBI điều tra bức thư bị đánh cắp của cựu phu nhân Jackie Kennedy
  • Trả tên cho ai?
  • Vụ mua bằng gây chấn động nước Đức
  • Kinh hoàng nghề buôn bán cơ thể người
  • Thủ tướng Ý kiện báo chí trong và ngoài nước
  • Mexico: Mạnh tay với các quan chức dính líu băng nhóm tội phạm
  • Trung Quốc đẩy mạnh bài trừ tham nhũng
  • Nô lệ tình dục đội lốt hôn nhân ở Ai Cập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%