Thị trường buôn bán nội tạng người tại nhiều nước trên thế giới đang hoạt động khá rầm rộ. Sau vụ bắt giữ một thương nhân tại Brooklyn do buôn bán nội tạng người của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng 7-2009, rất nhiều đường dây buôn bán nội tạng đã lần lượt bị phát giác.
Ukraine, nguồn cung dồi dào
Các bộ phận cơ thể được Tutogen niêm yết giá rõ ràng bằng đồng EUR |
Vụ việc bị phát hiện gần đây nhất gây kinh hoàng cho mọi người đó là Tutogen Medical GmbH, một công ty của Đức chuyên buôn bán các bộ phận cơ thể người. Theo điều tra của Tạp chí Đức Spiegel, “nguyên liệu” Tutogen thường mua là xương, sụn, gân, da, giác mạc, van tim, màng tim… mà theo ngôn từ chuyên môn là họ đang kinh doanh mô. Những nguyên liệu này sau đó sẽ được công ty bào chế thành các sản phẩm y khoa, sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình, thẩm mỹ.
Nguồn nguyên liệu dồi dào để cung cấp cho Tutogen đến từ Ukraine thông qua một người môi giới. Tutogen định giá rất rõ cho từng bộ phận để phía đối tác Ukraine dễ dàng cung cấp. Theo “bảng giá” vào tháng 1-2002, Tutogen trả 42,90 EUR/xương đùi nguyên chiếc; 42,90 EUR/xương cẳng tay; 13,30-16,40 EUR/màng tim (tùy theo kích thước)… “Hàng” sau đó được phía Ukraine đóng gói, vận chuyển bằng máy bay đến Frankfurt hoặc Nuremberg. Từ đây, những món mô đã được Tutogen mua sẽ chuyển thẳng đến trụ sở của công ty này tại Neunkirchen am Brand, thị trấn có 8.000 người sinh sống ở phía Bắc Bavaria. Tại Neunkirchen, Tutogen có một loạt nhà kho rất kín đáo với khoảng 140 nhân viên làm việc. Đây chính là nơi để khách có nhu cầu đến xem hàng và thỏa thuận mua bán.
Nguồn “hàng” dồi dào của Tutogen cậy nhờ vào cả một tay môi giới trung gian ở Ukraine, tiến sĩ Igor Aleshenko. Aleshenko là Giám đốc Công ty Bioimplant chuyên kinh doanh mô; bạn hàng lớn của Tutogen trên dưới 10 năm qua. Vị tiến sĩ này có mối quan hệ rất mật thiết với cơ quan pháp y, giám định tử thi. Đó là lý do tại sao công ty của ông có nguồn hàng khá lớn. Mức lương của một nhân viên khám nghiệm tử thi khá bèo bọt, chỉ vào khoảng 287 USD/tháng. Trước những món lợi khổng lồ đến từ các bộ phận của tử thi, những người này sẵn sàng bắt tay với Aleshenko để bán các bộ phận của tử thi. Sau khi mổ xẻ, tách rời ra từng bộ phận trên tử thi để đem bán, số tiền các nhân viên khám nghiệm tử thi thu được ước tính vào khoảng 250.000 USD/tử thi.
Trên website của Bioimplant, hoạt động kinh doanh của công ty này chỉ là “cung cấp các sản phẩm cấy ghép mô” cho bệnh nhân trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán của công ty lại khác hẳn. Họ buôn bán xuyên quốc gia, đáp ứng mọi yêu cầu của Tutogen và sẵn sàng chuyển hàng bất cứ thời gian nào mà Tutogen cần. Việc Bioimplant có thể dễ dàng vận chuyển các sản phẩm từ cơ thể người qua biên giới là nhờ mối quan hệ khá gần gũi của Igor Aleshenko với Bộ Y tế Ukraine.
Mỹ, thị trường béo bở
Theo tính toán của các chuyên gia y tế tại Đức, thị trường cấy ghép mô tại quốc gia Trung Âu này không lớn, chỉ vào khoảng 30.000 ca cấy ghép/năm. Những ca phẫu thuật ở Đức chủ yếu liên quan đến xương cột sống và hông. Tuy nhiên, theo những ghi chép của Tutogen mà Spiegel có được, số “hàng” được Tutogen nhập từ Ukraine khá lớn. Chỉ riêng trong năm tài khóa 2000-2001, 1.152 tử thi tại Ukraine đã được chuyển giao cho Tutogen. Nhưng chừng đó là chưa đủ. Một hồ sơ có tựa đề “Nhu cầu về các sản phẩm mô” đề ngày 17-6-2002, Tutogen yêu cầu phía đối tác cung cấp tiếp “nguyên liệu” cho năm tài khóa tiếp theo bao gồm: 2.920 xương đùi; 3.000 xương chậu; 1.190 dây chằng xương bánh chè; 3.750 xương bánh chè, 10.200 cơ đùi… Những con số thống kê lạnh lùng cùng với bảng giá cụ thể cho mỗi bộ phận khiến người xem rùng mình và không khỏi liên tưởng đến hoạt động mua bán các sản phẩm từ động vật hàng ngày. Vì lợi nhuận, những công ty như Tutogen có thể làm những việc không còn nhân tính.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là nhu cầu trong nước không lớn nhưng tại sao Tutogen lại nhập “hàng” với số lượng lớn như vậy? Và câu trả lời được Spiegel đưa ra là Tutogen cung cấp sản phẩm của mình cho công ty mẹ Tutogen Medical, Inc. và một số đối tác khác tại Mỹ với hơn 1 triệu ca cấy ghép nội tạng, mô/năm. đây quả là thị trường béo bở mà nhiều công ty chuyên kinh doanh bộ phận cơ thể người nhắm tới. Đơn cử như RTI Biologics-một trong những công ty hàng đầu tại Mỹ trong lĩnh vực trên. Doanh thu bán hàng trong năm 2008 của công ty này là 147 triệu USD. Trong khi đó, theo Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), hiện có khoảng 20 cơ sở tại Ukraine được phép cung cấp các bộ phận cơ thể người vào thị trường Mỹ. Sau khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ Levy-Izhak Rosenbaum, một thương nhân ở Brooklyn chuyên buôn bán nội tạng người hồi tháng 7 vừa qua thì một đường dây buôn bán nội tạng từ Israel vào Mỹ đã hé lộ. Nick Rosen, người ban đầu tự nhận là hiến thận sau đó đã thừa nhận rằng anh được trả 20.000 USD cho quả thận của mình. Công dân Israel này cho biết trong hoàn cảnh túng quẫn, tìm cách thoát khỏi cuộc sống khó khăn, anh đã lựa chọn giải pháp bán thận của mình.
Nhan nhản “chợ” nội tạng
Không chỉ Mỹ, rất nhiều “chợ” nội tạng, mô trên thế giới đã tồn tại từ nhiều năm nay. Một trong những trung tâm buôn bán nội tạng (chủ yếu là thận) nổi tiếng là Ấn Độ. Những kẻ môi giới mò đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ để thuyết phục những người dân “ít chữ” bán thận với giá rất “bèo”. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người môi giới còn thuyết phục cả một xóm, một làng bán thận “tập thể”. Nếu đồng ý, giá mua thận sẽ rẻ hơn nhiều. Sau khi BBC phát một phóng sự về tình trạng trên và gọi Ấn Độ là “chợ nội tạng”, số người ở các quốc gia vùng Tây Á đến đây tìm kiếm mua thận ngày một tăng. Ở châu Âu, phải mất 40.000-70.000 USD/quả thận thì tại Ấn Độ giá chỉ từ 15.000-20.000 USD/quả thận.
Đến năm1995, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua luật cấm buôn bán trực tiếp nội tạng, nhưng một số bang không áp dụng luật này. Vì vậy, việc mua bán thận ở Ấn Độ vẫn không gặp nhiều khó khăn. Ngoài Ấn Độ, Moldova, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil… cũng là những trung tâm chuyên cung cấp nội tạng người đứng đầu thế giới.
Theo một thống kê gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 10% số thận được cấy ghép trên thế giới có nguồn gốc từ thị trường buôn bán bất hợp pháp. Trước tình trạng đáng báo động trên, nhiều chuyên gia về cấy ghép nội tạng cho rằng chính phủ các nước phải đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát. Luật pháp của Đức quy định về việc lấy mô, nội tạng rất rõ ràng. Chỉ có những người đồng ý cho phép các cơ sở y tế lấy nội tạng, mô mới được coi là người hiến nội tạng. Nếu như một người nào đó chết mà chưa có ý định hiến nội tạng, chỉ khi nhận được sự đồng ý của người thân người đó, các cơ sở y tế mới có quyền lấy nội tạng. Điều 17 trong Luật Hiến nội tạng ở Đức nêu rõ: “Việc buôn bán mô, nội tạng dùng để chữa trị cho người khác là vi phạm luật pháp”. Cũng theo điều luật này, những người vi phạm có thể phải nhận hình phạt là 5 năm tù giam. Tại Mỹ, việc bán thận với giá 20.000 USD đã vi phạm luật pháp của Mỹ về cấm mọi hình thức mua, bán nội tạng sống được ban hành năm 1994.
Theo Klaus-Peter Gunther, Chủ tịch Hội nghiên cứu chỉnh hình và phẫu thuật chỉnh hình Đức, việc luật pháp nhiều nước nghiêm ngặt trong việc quản lý hiến nội tạng, trong khi cầu lại cao, lợi nhuận lớn khiến ngày càng nhiều người đổ xô vào thị trường mua bán bất hợp pháp bộ phận cơ thể.
(Theo ANH VĂN // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com