Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Madoff, từ A tới Z

 
Bản án cuối cùng dành cho trùm lừa siêu đẳng 71 tuổi này sẽ được công bố vào ngày 29/6 tại Mỹ - Ảnh: BBC/Getty.
 

 Từ một khởi đầu khiêm tốn, Madoff vươn mình thành một nhà tài chính giàu có, để rồi rốt cục đối mặt mức án 150 năm trong nhà đá. Bản án cuối cùng dành cho trùm lừa siêu đẳng 71 tuổi này sẽ được công bố vào ngày 29/6 tại Mỹ.

Tới giờ phút này, nhiều người vẫn còn cảm thấy sốc trước cú lừa trị giá 65 tỷ USD mà Madoff là tác giả. Mức độ gây sốc của vụ lừa đảo bị phát giác vào cuối năm 2008 này không chỉ phản ánh quy mô quá lớn của pha gian lận tài chính được xem là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, mà còn cho thấy Madoff đã từng được giới đầu tư ở New York và nhiều nơi khác trên thế giới kính nể tới mức nào.

5.000 USD khởi nghiệp

Kẻ lừa đảo Madoff bắt đầu sự nghiệp tài chính vào năm 22 tuổi với số tiền vỏn vẹn 5.000 USD kiếm được từ những công việc làm thêm trong mùa hè, trong đó có công việc làm vườn, sửa đường ống nước, ở thành phố quê hương New York. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân về khoa học chính trị, Madoff thành lập công ty đầu tư chứng khoán mang tên Bernard L Madoff Investment Securities.

Dần dần, Madoff trở nên nổi tiếng khắp Phố Wall khi công ty của ông ta trở thành một trong những nhà tạo lập thị trường lớn nhất ở đây. Sau đó, Madoff được trao ghế Chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.

Phần lớn thời gian trong đời, Madoff sống trong một căn hộ trị giá 7 triệu USD ở khu Manhattan, New York, nhưng đồng thời sở hữu một dinh thự xa hoa ở bang Florida. Tuy những khách hàng chính giao tiền cho Madoff quản lý là các định chế tài chính và các ngân hàng, không ít khách hàng của ông ta là những người giàu có mà trùm lừa này làm quen trong những câu lạc bộ sang trọng ở khu vực Bờ Đông của nước Mỹ. Vài người trong số những khách hàng lớn nhất của Madoff là những “con cá béo” mà ông ta “câu” được ở câu lạc bộ mang tên Palm Beach Country Club ở Florida.

Vẻ hấp dẫn của Madoff đối với những vị khách hàng giàu có này nằm ngay ở chính vẻ tự tin thoải mái toát ra từ con người ông ta. Bầu không khí ở những nơi Madoff xuất hiện cứ như thể sáng bừng lên bởi trí óc tài chính thông suốt của con người này. Trong những buổi chơi golf ở câu lạc bộ, những lời thì thầm của Madoff đã khiến bao người có tiền xiêu lòng.

Những người “được” nộp tiền cho quỹ của Madoff được xem là được hưởng đặc quyền. Madoff tỏ ra kén cá chọn canh khi không phải ai muốn giao tiền ông ta cũng nhận.

Madoff còn ranh ma hơn khi đội thêm cho mình chiếc lốt của một nhà từ thiện. Với vai trò này, Madoff duy trì địa vị của ông ta trong thế giới thượng lưu, và không chỉ có thế, các quỹ từ thiện ở nhiều nơi cũng tin cẩn “dâng” tiền cho Madoff. Một giám đốc được tờ New York Times phỏng vấn thậm chí còn cho rằng, đối với cộng đồng người Do Thái, chứng chỉ quỹ của Madoff là một dạng “trái phiếu kho bạc Mỹ với độ rủi ro bằng 0”.

Những khách hàng “máu mặt”

Cộng đồng người Do Thái có kết nối chặt chẽ ở New York và Florida cảm thấy bị phản bội đặc biệt nặng nề bởi Madoff - người đã từng có chân trong hội đồng lãnh đạo của Đại học Yeshiva của người Do Thái, đồng thời là cựu thủ quỹ của Hội Do Thái tại Mỹ. Riêng Liên đoàn Do Thái bang Washington đã rót cho Madoff 10 triệu USD.

Madoff hứa hẹn, và cũng đã thực hiện, mức lãi trên 10%/năm cho các nhà đầu tư. Bản cáo trạng mà tòa án dành cho Madoff cho hay, một số khách hàng còn được Madoff trả cho mức lãi lên tới 46%. Tuy nhiên, Madoff chưa bao giờ cho khách hàng biết là làm thế nào ông ta có thể đem tới cho họ những mức lợi nhuận phi thường như vậy. Không chỉ ở Phố Wall mà ở hầu khắp các thị trường tài chính khác trên thế giới, những mức lợi nhuận mà Madoff hứa hẹn có thể được xếp vào hàng hiếm gặp.

Một trong những nạn nhân “cao cấp” nhất của Madoff là Elie Wiesel. Người đoạt giải Nobel Hòa bình này đã mất trắng toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời vào tay Madoff. Chưa hết, quỹ từ thiện của ông cũng bị Madoff “thịt” mất 15,2 triệu USD. Quỹ từ thiện Wunderkinder Foundation của đạo diễn Hollywood lừng danh Steven Spielberg cũng đầu tư gần 70% số tiền mà quỹ này có cho Madoff và tất nhiên, mất sạch sành sanh.

Ngoài những vị khách hàng cá nhân giàu có trên, danh sách những nạn nhân của Madoff cứ dài ra theo năm tháng với sự tham gia của các ngân hàng và định chế tài chính. Đối tượng này rót tiền cho các quỹ đầu cơ của Madoff theo sự khuyến khích của các công ty tư vấn. 

Nhà băng hàng đầu của Tây Ban Nha Banco Santander cho hay, một trong những chi nhánh tại Thụy Sỹ của ngân hàng này đã mất 3 tỷ USD vì Madoff. Ngân hàng BNP Paribas của nước Pháp thì cho biết, 350 triệu Euro của mình đã không cánh mà bay cùng vua lừa. “Đại gia” HSBC của nước Anh cũng chịu chung số phận.

Ước tính chung, có trên 13.000 nạn nhân là các cá nhân và tổ chức đã “sập bẫy” của Madoff.

“Cái kim trong bọc…”

Một trong những vấn đề mấu chốt đặt ra lúc này là tại sao không ai phát hiện được dấu hiệu bất thường nào ở công ty của Madoff, cho dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã 8 lần tổ chức các cuộc điều tra nhằm vào công ty này trong vòng 16 năm qua. Ông Harry Markopoulos, một người làm việc trong một công ty đối thủ của Madoff, đã cố gắng tìm hiểu xem tại sao Madoff có thể đưa ra được những mức lãi phi thường để thu hút các nhà đầu tư, nhưng rốt cục là không thể. Vì thế, ông Markopoulos kết luận rằng, chắc chắn các quỹ đầu tư của Madoff có vấn đề. 

Sau đó, từ năm 2001 trở đi, nhà tài chính này đã nhiều lần phản ánh lên SEC sự nghi ngờ của mình. Sau khi thôi làm việc trong công ty, ông Markopoulos vẫn dành thời gian để tìm hiểu sự thật về mức lợi nhuận béo bở ở công ty của Madoff.

Vào năm 2005, ông Markopoulos gửi lên SEC tại New York một tài liệu dài 21 trang, trong đó kết luận rằng, công ty Madoff Investment Securities  “là một chương trình lừa đảo Ponzi lớn nhất thế giới”. Vậy SEC kết luận ra sao? 

“Chúng tôi không phát hiện bằng chứng nào về sự gian lận”, một bản ghi nhớ của cơ quan này khẳng định. Các nhà chức trách chỉ cho rằng, ngài Madoff đã vi phạm luật chứng khoán vì hoạt động với tư cách một nhà tư vấn không có đăng ký. 

Thú tội

Rốt cục, vụ việc cho tới tận tháng 12/2008 mới bị phơi bày.

Khi đó, các nhà đầu tư bị kẹt vốn vì khủng hoảng tài chính đã đòi rút 7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư của Madoff, khiến nhà tài chính này không biết kiếm đâu ra tiền để trả cho họ. Vào ngày 9/12 năm ngoái, Madoff đã đề nghị trả thưởng sớm cho nhân viên, rồi sau đó một ngày, ông ta mời hai nhân viên cấp cao của công ty tới căn hộ ở Manhattan. Tại đây, Madoff thú nhận với hai người này rằng, công ty chứng khoán của mình chỉ là “một sự dối trá lớn… về cơ bản là một chương trình Ponzi khổng lồ”.

Nếu khủng hoảng tài chính không nổ ra, chẳng ai dám chắc âm mưu lừa đảo của Madoff còn kéo dài tới khi nào. Khi thú nhận với hai nhân viên của mình, Madoff cho biết chỉ còn lại có 300 triệu USD và muốn dùng số tiền này để trả cho những người làm việc cho ông ta và dành cho gia đình. Tuy nhiên, Madoff đã không thực hiện được ý tưởng này.

Ngày 11/12/2008, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã ghé thăm Madoff và yêu cầu ông ta giải thích về sự thất thoát số tiền khổng lồ có thể lên tới 65 tỷ USD. “Chẳng có sự giải thích vô tội nào cả”, Madoff nói với các nhà chức trách. Ông ta cũng nói luôn là mình đã phá sản và sẵn sàng ngồi tù. Có lẽ đây là những lời thành thật nhất mà Madoff đã từng nói trong sự nghiệp tài chính của ông ta.

Cho tới lúc này, việc số tiền 65 tỷ USD của các nhà đầu tư đã bị Madoff tiêu tán đi đâu vẫn còn là một tấm màn bí mật. Có nhiều giả thiết về sự “bốc hơi” của số tiền này, như Madoff mắc sai lầm trong đầu tư và lỗ đậm, Madoff mất tiền vì cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Madoff vung tay quá trán cho lối sống vương giả, hay Madoff đã trả lãi quá nhiều cho các nhà đầu tư… Nhưng tất cả cũng chỉ là giả thiết.

Trong phiên tòa xét xử hồi tháng 3 vừa qua, Madoff đã thú nhận toàn bộ 11 tội danh gồm có các tội gian lận, khai man, trộm cắp, rửa tiền…Hiện Madoff đã bị các nhà chức trách tịch thu toàn bộ số tài sản trị giá 170 triệu USD. Vợ ông ta, bà Ruth Madoff cũng bị tịch thu số tài sản trị giá 80 triệu USD, nhưng vẫn được giữ lại 2,5 triệu USD tiền mặt.

Phiên toà tuyên án Madoff sẽ diễn ra vào ngày 29/6 này tại Mỹ. Dự tính, trùm lừa này có thể lĩnh mức án tù 150 năm, bất chấp luật sư bào chữa cho ông ta đang xin tòa cho thân chủ hưởng mức án 12 năm.

* Ponzi là một kiểu đầu tư lừa đảo, trong đó kẻ chủ mưu dùng tiền của nhà đầu tư này để trả cho nhà đầu tư khác, thay vì lợi nhuận có thực. Kiểu lừa đảo này được đặt tên theo tên của Charles Ponzi - người được xem là khởi xướng cho “kỹ xảo” này ở Mỹ vào những năm 1920.

 

(Theo KIỀU OANH // VnEconomy // BBC, Fortune)

  • Nhà giàu Trung Quốc tuồn tiền mặt ra nước ngoài
  • Kinh hãi công nghệ nhuộm màu cho... tôm khô
  • Những “ông trùm” séc và tiền giả
  • “Trùm” túi xách giả Trung Quốc lĩnh án nặng bất thường
  • Vì sao thực phẩm Trung Quốc liên tục bị phát hiện nhiễm độc?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%