Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

7 năm, 4 tháng và… chờ!

Sau hơn 7 năm theo đuổi dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám (TPHCM), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) vừa phải dụng chiêu “nhờ đến công luận”, ngõ hầu chấm dứt được cái sự… chờ.

Mô hình dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám

Với IUS, những tưởng nhận được giấy Giấy chứng nhận đầu tư hồi tháng 8/2009, rồi được UBND TPHCM ký hợp đồng BOT và ra quyết định chấp thuận cho giao, thuê đất, thì việc thực hiện dự án là chuyện không phải bàn cãi nữa.

Tuy nhiên, đã 8 tháng trôi qua kể từ khi IUS được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, và đã 3 tháng kể từ ngày được ký quyết định giao, thuê đất, các thủ tục hành chính về giao thuê đất vẫn chưa có bước tiến triển nào. Mọi chuyện vẫn giẫm chân tại chỗ mặc dù phía chủ đầu tư muốn triển khai càng sớm càng tốt. Tất cả chỉ vì các sở chức năng của TPHCM đều… không muốn (hay không thể?) thực hiện chức năng của mình.

Tắc vì khái niệm mới

Theo nội dung hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TPHCM và IUS, thì thành phố đồng ý hỗ trợ đầu tư cho IUS bằng cách miễn tiền sử dụng đất, thuê đất và miễn thuế sử dụng đất. Sự ách tắc chỉ phát sinh trong quá trình thực hiện các bước thủ tục giao thuê đất, khi Sở Tài chính đã có ý kiến đề nghị Sở TNMT và Cục Thuế TP xem xét phần diện tích 5.233,1m2 trên bề mặt công viên (được Sở Tài chính gọi là “phần đất đầu tư xây dựng công trình nổi trên mặt đất”) có được miễn tiền sử dụng đất hay không? Sau đó, Sở TNMT lại có thông báo chuyển hồ sơ giao, thuê đất qua Cục Thuế TP xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Cuối cùng, ngay cả khi đã được UBND TP giao “Xem xét, xác định đơn giá thuê đất và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo quy định”  thì đến ngày 15/3/2010, Cục Thuế TP lại có văn bản cho rằng, việc xác định đơn giá thuê đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính (!?)… Và sau khi được ban đi chuyền lại giữa các cơ quan chức năng, “quả bóng” 5.233,1m2 mang tên “công trình nổi trên mặt đất” lại lở lửng đâu đó trong sự chờ đợi của chủ đầu tư.

Theo ông Lê Tuấn - Chủ HĐQT, kiêm TGĐ IUS có lẽ do khái niệm mới “công trình nổi trên mặt đất” mà Sở TNMT đưa ra trong công văn 404/TNMT/QHSDĐ… quá mới đã gây ra sự lúng túng đối với các sở chức năng. Chính vì thế, kế hoạch khởi công dự án của IUS (mặc dù đã được dời từ cuối năm 2009 sang tháng 3/2010) lại được tiếp tục dời sang một thời điểm… không định trước.  

Chính quyền chậm, doanh nghiệp mất cơ hội

Người thấm thía nhất với việc chờ đợi các cơ quan hành chính dẫn tới cơ hội trôi qua có lẽ là ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Công ty Hoàng Lê với dự án Trung tâm Hoa Anh Đào, người 4 năm trước đã được các phương tiện truyền thông nhắc tới như một nạn nhân điển hình trong trò “đá bóng trách nhiệm” của các cơ quan chức năng tại Hà Nội. Chỉ với một dự án “Đầu tư và xây dựng trung tâm hướng nghiệp Sakura”, ông Tiến đã phải chờ đợi tổng cộng 432 ngày, xin tới gần 30 con dấu các loại để được nhận đất, triển khai dự án. Mà kết quả này cũng chỉ có được sau khi chính UBND TP Hà Nội vào cuộc và có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với các cơ quan chức năng. Tại lễ khởi công dự án, ông Tiến đã tâm sự rất thật với phóng viên: “Cũng may là cuối cùng chúng tôi đã đến đích. Tuy nhiên, vì mất quá nhiều thời gian chờ đợi nên có thể nói cơ hội tốt nhất để triển khai dự án đã qua”.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, nếu TPHCM không có những quyết định kịp thời, rất có thể IUS sẽ lại trở thành một Hoàng Lê thứ hai, một điển hình nữa cho việc doanh nghiệp chịu thiệt từ những hành xử của cơ quan hành chính. Bình luận về vụ việc này, Luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, UBND TPHCM cần phải học tập cách làm của tỉnh Ninh Thuận, lập riêng một Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO). Theo đó, các thủ tục đầu tư sẽ được EDO tiếp nhận và xử lý trả kết quả cho nhà đầu tư tại EDO theo quy trình “một cửa liên thông”. Như vậy, các quy trình thủ tục sẽ được kết hợp thực hiện đồng thời, theo hướng đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. “Một văn phòng như vậy sẽ đại diện cho UBND địa phương giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Đây là nơi tập trung tất cả các đầu mối hành chính của địa phương. Và nhờ sự tập trung này nên doanh nghiệp sẽ không phải mất công chạy các cửa”, ông Huỳnh nhận xét.

Ở khía cạnh pháp lý, giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định, theo các văn bản pháp luật liên quan, yêu cầu về việc làm rõ phần diện tích 5.233,1m2 trên bề mặt công viên có được miễn tiền sử dụng đất hay không do Sở Tài chính TPHCM đưa là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cái khó là trong Hợp đồng BOT giữa UBND TPHCM và IUS lại không phân biệt rõ ràng khái niệm đất nổi và đất chìm. Ngoài ra, Nghị định 69/2009/NĐ-CP, tại Điều 37 về việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm có nêu rõ: Đơn giá thuê đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Chính vì thế, trong trường hợp này, tốt nhất là UBND TPHCM phải có chỉ đạo cụ thể để sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Như vậy, nói cách gì đi nữa, lúc này vai trò của UBND TPHCM là tiên quyết. Doanh nghiệp đã phải trả giá đắt khi bị lỡ cơ hội và điều đó thật khó chấp nhận với một thành phố năng động như TPHCM.

* Dự án bãi đỗ xe ngầm công viên Lê Văn Tám có 5 tầng ngầm dùng đậu xe, tổng diện tích 72.000m2, 3 tầng ngầm dùng làm nơi kinh doanh buôn bán. Trong đó hơn 5.200 m2 được xây dựng trên mặt đất gồm các lối đi lại và giếng trời, 2 cầu thang cuốn để đưa khách đi bộ xuống tầng hầm một, tầng mái của trung tâm điều hành, kiểm soát và giếng trời trung tâm. Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.750 tỷ đồng.

* Ngay từ năm 2005, UBND TP đã công bố quy hoạch 8 vị trí có thể xây dựng bãi đậu xe ngầm. Đó là công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Tao Đàn, công viên Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, công trường Lam Sơn, công viên Bách Tùng Diệp, khu vực số 116 Nguyễn Du (quận 1) và bờ sông Sài Gòn dọc theo bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, sau đó 4 vị trí được rút lại, ngưng nghiên cứu xây dựng bãi đậu xe ngầm là công trường Lam Sơn, khu vực 116 Nguyễn Du, đường Nguyễn Huệ và công viên Bách Tùng Diệp. Cho tới nay, chỉ có duy nhất dự án bãi đậu xe ngầm công viên Chi Lăng tại Q1 là đang trong quá trình thi công. Tuy nhiên, đây chỉ là bãi đậu xe giải quyết cho nhu cầu nội bộ trong khu trung tâm thương mại do Công ty cổ phần Vincom làm chủ đầu tư.

(Theo Vy Thảo // Báo Doanh nhân)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%