Đối với Nhà nước, quản lý từng ngôi nhà riêng lẻ đã khó, với chung cư, có hàng trăm hộ sinh sống, quyền lợi chung riêng chồng lấn lên nhau càng khó bội phần. Vấn đề quản lý các khu chung cư không còn là mới, nhưng cho đến nay, dường như nó chưa được giải quyết rốt ráo đúng với tầm quan trọng của vấn đề. Đến thời điểm này, chưa có một văn bản pháp lý nào quy định về việc quản lý các khu chung cư và các hoạt động tự quản nhưng thực tế, hoạt động tự quản đã xuất hiện từ lâu và đang nảy sinh các bất cập do chưa được định hướng, quản lý một cách đúng mức.
Chung cư 17T10 khu Trung Hòa - Nhân Chính ở Hà Nội là một trong những nơi đã từng xảy ra tranh chấp, tranh luận quyết liệt về vấn đề sở hữu chung, sở hữu riêng các diện tích “sàn dịch vụ” (nghĩa là diện tích ngoài các căn hộ) giữa chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà và các hộ dân khiến cho Bộ Xây dựng cũng phải lên tiếng. Kết quả là từ 3 năm nay, các hộ dân trong chung cư này đã tự lập ra một Ban quản trị lâm thời riêng để tự quản vì cho rằng hoạt động quản lý tòa nhà của Cơ quan có thẩm quyền là quá kém.Thậm chí đã có cả một Hợp tác xã Quản lý nhà ra đời để việc quản lý tòa nhà được “chính danh”.
Phạm Lâm Thái,Tổ phó tổ dân phố, Phó Ban quản trị lâm thời Tòa nhà 17 T10 cho biết: "Ba năm nay chúng tôi bị bỏ rơi, phải lo lấy. Gần 50m tầng 1 cho thuê 6-70 triệu một tháng mang đi đâu hết chúng tôi không được hưởng gì cả. Đến ngay cả quét vôi… cũng phải làm. Chúng tôi phải tự cứu mình trước".
“Tự cứu mình trước” là một chủ trương đúng nếu các hộ dân đều đồng lòng mà lập ra ban tự quản để tự lo cho các dịch vụ trong tòa nhà. Tuy nhiên, ông Thái đã không lý giải được về những điều bất cập đang gây ra bất bình đối với cả chính những hộ dân sinh sống trong tòa nhà. Khu vực “Nhà sinh hoạt cộng đồng” đã được cho thuê để lấy nguồn thu cho quỹ duy trì hoạt động của tòa nhà, nhưng việc thu – chi thế nào thì chưa được công khai. Phía trước vỉa hè và không gian tầng 1 quanh chung cư được tận dụng làm bãi trông giữ ô tô và rửa xe ô tô, thậm chí cả cửa ra của cầu thang thoát hiểm. Đáng nói hơn là một chiếc giếng khoan đã xuất hiện ở một đầu tòa nhà, khoan sâu xuống khu vực nền móng công trình mà theo người dân ở đây là để lấy nước làm dịch vụ rửa xe ô tô.
Nhưng Ban Quản trị lâm thời lại có cách giải thích khác: "Đây là do nhu cầu của tòa nhà, khi mất nước chúng tôi phải dùng để tưới cây và lau nhà chứ không phải dùng thường xuyên. Cái nhà này móng nó sâu cả 100 mét, bên đầu bên kia nhà nước cũng khoan tới mấy cái giếng thì việc khoan giếng này ta có thể hiểu với nhau là việc đó nó không ảnh hưởng gì cả… Cửa hàng dịch vụ cho chunng cư là có từ năm ngoái vì là 4 năm nay không ai phục vụ chúng tôi cả, chúng tôi phải phục lấy. Còn võ đường thì vào hè chúng tôi muốn có không gian sinh hoạt cho dân cư. Tạp hóa là người của chung cư, do chúng tôi giao cho phụ nữ quản lý, chung cư cử một người ra thực hiện. Thu nhập của tòa nhà này chúng tôi xếp hàng thứ yếu. Vì đây là khu tái định cư, khó khăn về việc làm, khó khăn về thu nhập … nên chúng tôi lấy đó để giải quyết việc làm".Ông Phạm Lâm Thái, Tổ phó tổ dân phố, Phó Ban quản trị lâm thời Tòa nhà 17 T10 lý giải.
Điều đáng nói, ngay chính cư dân trong tòa nhà cũng không đồng tình với quyết định của Ban quản trị lâm thời . Ông Nguyễn Văn Sáng, Cư dân nhà 17T10, khu Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, HN nói: "Cũng có ý kiến về việc khoan giếng ở đầu cầu thang, không phải trong hội nghị. Ban quản trị lâm thời nhưng lâm thời lâu quá rồi. Chúng tôi cũng đề nghị bầu lại nhưng họ cứ kéo dài ra. Chứ trong luật thì Ban quản trị lâm thời chỉ được 2 năm thôi chứ đây 4 năm rồi.Chúng tôi cũng đề nghị thành phố họp để thành lập Ban quản trị hoạt động chính quy nhưng vẫn chưa được".
Chuyện nhà 17T10 cho thấy, mấu chốt vấn đề ở đây là cần sớm có một quy định cụ thể về việc quản lý hoạt động các khu chung cư, trong đó có nội dung về hoạt động Tự quản. Để hoạt động quản lý các khu chung cư đi vào chuyên nghiệp, để không còn tình trạng cơ quan quản lý nhà bỏ rơi người dân do kỹ năng quản lý yếu kém; hoặc tình trạng ban Tự quản được lập nên rồi bị một số ít người lợi dụng.
Đó là chưa kể, kiến trúc chung cư là một tổ hợp kiến trúc kỹ thuật phức tạp, khi có vấn đề về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa... chủ sở hữu chắc chắn là người phải có trách nhiệm thực hiện. Nếu chủ sở hữu trường hợp này là ban tự quản, một tổ chức không có tư cách pháp nhân, khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
(Theo Diệu Trang // VTV Đài truyền hình Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com