Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Biến rừng thành trang trại

Bất chấp các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất phi lâm nghiệp, Cty Lâm nghiệp (LN) Kông Chro (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) - đơn vị chủ rừng đã cùng người nhà một phó chủ tịch huyện thuê máy ủi để biến gần 50 ha rừng ở xã Sơ Ró thành trang trại trồng bạch đàn.

Gốc cây trơ lại sau khai hoang trên diện tích trang trại - Ảnh: T.H

Từ đơn thư phản ánh của người dân, chúng tôi đến xã Sơ Ró (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) qua trạm cửa rừng số 3 - Cty LN Kông Chro, đi sâu khoảng 2 km nữa đến một trang trại bạch đàn (nằm giữa rừng Sơ Ró, khu đầu nguồn sông Pơ Kơ), vừa được trồng mấy tháng nay.

Trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng của những cánh rừng được san ủi, tận thu gỗ vội vã. Dọc sông Pơ Kơ ngược lên tận mom núi phía tây, toàn bộ diện tích rừng đã bị ủi nhẵn.

Nhiều cây gỗ đường kính 40 - 50cm có lẽ không sử dụng được nên chủ trang trại đẩy ra bìa lô lấp lại. Không ít cây gỗ đường kính 70 - 80 cm đã được kéo đi, bỏ lại những đoạn sâu rỗng.

Một căn nhà gỗ dựng giữa khu đất đã được chặt phá san ủi ước chừng 40 - 50ha. Không ai trông coi nương rẫy, bởi bên ngoài có 3 - 5 nhân viên Trạm cửa rừng số 3 túc trực ngày đêm.

Do trang trại nằm sâu trong rừng, nơi dân làng gần như không được phép vào, ngoại trừ số người lấy măng rừng nên nhiều người không biết sự tồn tại của nó.

Sự bí mật của trang trại gần như tuyệt đối, bởi từ khai hoang, vận chuyển cây giống đều làm bằng xe cơ giới; nhân công dọn đất, trồng cây nghe đâu từ huyện Mang Yang, Đăk Pơ, hoặc tận Kon Tum chứ không hề thuê một người nào ở địa phương.

Ông Đinh A, Chủ tịch UBND xã Sơ Ró cho biết trang trại lạ trên là của ông Phan Văn Trung - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kông Chro.

Những người trong cuộc nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Cty LN Kông Chro cho rằng việc này “có nhiều chuyện phức tạp và tế nhị lắm”, rồi lấy lý do bận việc, ủy quyền cho phó giám đốc là ông Trần Cao Vân tiếp phóng viên.

Ông Vân chìa ra “Hợp đồng kinh tế hợp tác liên kết trồng cây nguyên liệu” giữa bên A là Cty LN Kông Chro với bên B (bên tham gia đầu tư) là ông Từ Tấn Lộc - Phụ trách phòng Kỹ thuật Cty LN Kông Chro.

Không rõ hợp đồng chuyển giao tài nguyên nhà nước ra cho tư nhân này xuất phát từ ý chí của ai, bởi không có hồ sơ dự án, phương án sản xuất kinh doanh, đơn xin đầu tư... mà chỉ là việc chuyển 29,32 ha tại lô 2 khoảng 3 tiểu khu 791 để ông Lộc trồng bạch đàn, sau này khai thác chia lại cho Cty với tỷ lệ cứ một héc ta họ chia lại bảy mét khối gỗ. 100 phần trăm vốn do bên B bỏ ra đầu tư, thời hạn hợp đồng đến năm 2029.

Đây có phải là cái cớ để bên B vào rừng khai hoang? Bởi ngay điều 1 của hợp đồng có điều khoản: “Hai bên sẽ kiểm tra lại diện tích thực tế, sau khi hoàn thành khai hoang và trồng cây. Nếu diện tích thực tế có thay đổi so với ban đầu thì sẽ có phụ lục điều chỉnh diện tích theo thực tế”.

Ông Vân còn cho rằng diện tích trang trại này trước là rừng tre nứa chứ không có gỗ?!

Ông Từ Tấn Lộc cho biết, không bỏ ra đồng nào để trồng bạch đàn mà giao lại toàn bộ số diện tích trên cho ông Hải - con rể ông Phan Văn Trung - Phó Chủ tịch thường trực huyện Kông Chro. Toàn bộ việc khai hoang, trồng bạch đàn, làm nhà rẫy này, ông Lộc đều không làm.

Theo lời ông Lộc, hiện tại giữa ông Lộc và ông Hải chưa hề ký kết văn bản nào về thỏa thuận đầu tư. Vậy mà ông Hải đã có đủ tự tin để bỏ ra 200 - 300 triệu đồng đầu tư vào đây.

Phó Chủ tịch thường trực huyện Phan Văn Trung thừa nhận: Trang trại ở tiểu khu 791 là của con rể. Ông có nhiều lần vào ra kiểm tra nên khiến cho dân Sơ Ró ngỡ là của ông.

Chúng tôi nêu vấn đề: Với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện ông có kiểm tra quy trình đầu tư của con mình khi phá rừng làm trang trại hay không, ông Trung cho rằng đây là rừng Cty LN Kông Chro quản lý, trách nhiệm thuộc về Cty này.

Nhiều người dân xã Sơ Ró bình luận: Dân địa phương nghèo chỉ cần vào rừng phát vài chòm rẫy mấy trăm mét trồng bắp, lúa ăn thì bị bắt, bị phạt trong khi có người ủi trắng hàng vạn mét vuông rừng lại vô can?

 

(Theo Huỳnh Kiên/TPO)

  • Mấy vấn đề cần minh định từ đầu
  • Tội phạm thẻ ngày càng tinh vi
  • Những nẻo đường trốn thuế VAT: Đã kiểm tra, vẫn vi phạm- Nhà nước bó tay?
  • Loại bỏ những giấy phép con vô lý
  • Các “đại gia” đều bán hàng lậu!
  • Ai là chủ sở hữu nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu?
  • Cháy lớn tại công ty sản xuất thiết bị điện
  • Chuyên gia nước ngoài được miễn thuế thu nhập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%