Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bốn nội dung mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan

Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 2-7-2002 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008.

Ðể cụ thể hóa Pháp lệnh này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2007/NÐ-CP ngày 7-6-2007 quy định xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan và Nghị định số 18 ngày 18-2-2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97 nói trên để phù hợp những quy định mới của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định số 18 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-5-2009.

 

Mục đích của việc ban hành Nghị định số 18 nhằm thực hiện thống nhất theo quy định tại Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Ðiều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp lĩnh vực hải quan, góp phần ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan và đáp ứng được yêu cầu, nội dung cải cách thủ tục hành chính theo hướng thủ tục đơn giản, rõ ràng, minh bạch; giải quyết các vướng mắc phát sinh qua gần hai năm thực hiện Nghị định 97/2007/NÐ-CP để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vừa bảo đảm việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong ngành hải quan. Ðồng thời bảo đảm sự thống nhất đối với một số hành vi và chế tài xử phạt được quy định tại một số Nghị định quy định về xử phạt có liên quan hải quan (thí dụ: Nghị định số 06/2008/NÐ-CP ngày 16-1-2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại...).

 

Nghị định số 18 được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế; các luật, pháp lệnh về thuế; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tuân thủ theo cam kết.

 

Nghị định có bốn nhóm vấn đề mới như sau:

 

Nhóm vấn đề thứ nhất: Quy định chung (sửa đổi, bổ sung Ðiều 6, Ðiều 7 NÐ97/2007/NÐ-CP): ngoài việc sửa đổi định danh hành vi vi phạm nêu tại Ðiều 6, nội dung Nghị định điều chỉnh mức chênh lệch thuế, cách xác định trị giá để làm cơ sở xác định các trường hợp không xử phạt tại Ðiều 7 Nghị định.

 

Nhóm vấn đề thứ hai: Về các hành vi vi phạm. Nghị định 18/2009/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung chín điều (8, 9, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17) của Nghị định 97/2007/NÐ-CP theo hướng: cụ thể hóa các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hải quan; sửa đổi, bổ sung việc định danh, bố cục lại một số hành vi vi phạm để bảo đảm việc định danh cụ thể và phân loại đúng hành vi vi phạm, phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hải quan, thống nhất cách hiểu và áp dụng trong quá trình thực hiện; điều chỉnh mức tiền phạt theo hướng tăng đối với một số hành vi vi phạm để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa, phù hợp thực tế quản lý hải quan.

 

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung một số hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như: không nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được chậm nộp đúng thời hạn quy định (điểm c khoản 2 Ðiều 8); lưu giữ hàng hóa quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn được phép (điểm c khoản 3 Ðiều 8); tự ý tiêu thụ phương tiện vận tải đăng ký lưu hành tại nước ngoài tạm nhập cảnh vào Việt Nam (điểm b khoản 2 Ðiều 12); tự ý tiêu thụ hàng hóa được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định (điểm c khoản 2 Ðiều 12); bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng quy định (điểm m khoản 1 Ðiều 14); quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải không đúng nội dung giấy phép của cơ quan có thẩm quyền (điểm a khoản 2 Ðiều 16); buộc thực hiện việc chuyển khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; sửa đổi quy định về cách tính ngày chậm nộp tiền thuế (khoản 3 Ðiều 15).

 

Nhóm vấn đề thứ ba: Về thủ tục, trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

 

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính: quy định tại Ðiều 23, khoản 3 Ðiều 24 Nghị định cho phù hợp nội dung của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008.

 

Sửa đổi quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008.

 

Bổ sung một điều mới, quy định việc định giá hàng hóa, tang vật vi phạm để xác định mức tiền phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Ðiều 36a).

 

Nhóm vấn đề thứ bốn: Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

 

Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của các cấp hải quan cho phù hợp Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008. Cụ thể là:

 

Nhân viên hải quan đang thi hành công vụ có quyền xử phạt vi phạm hành chính: phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng (trước đây nhân viên hải quan không có thẩm quyền xử phạt).

 

Ðội trưởng: được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng (trước đây chỉ được phạt đến 500.000 đồng).

 

Chi cục trưởng: được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng (trước đây được phạt đến 10.000.000 đồng) và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (không bị khống chế trị giá tang vật tịch thu như quy định trước đây).

 

Cục trưởng: được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 70 triệu đồng... (trước đây chỉ có Cục trưởng Cục Ðiều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan được phạt đến 70 triệu đồng).

(Theo VŨ HOÀNG LONG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Xử lý hàng thời trang giả
  • Giải trình về dự án Luật Quy hoạch đô thị
  • Dự thảo Luật Quảng cáo: Bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời
  • Dự thảo Luật Quảng cáo: Báo, đài cùng kêu
  • Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của cán bộ tín dụng ngân hàng
  • Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
  • Sẽ thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến về 6 dự án luật
  • Hà Nội thu gần 3.000kg nội tạng, gà nhập lậu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%