Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cán bộ phải kê khai tài sản thường niên từ 2009

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, kê khai tài sản của cán bộ là tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng quản lý cán bộ, vì thế trước mắt mới chỉ yêu cầu là phải kê khai. Cán bộ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong lời khai.

Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, theo quy định phải hoàn thành trước ngày 31/12/2007 nhưng đến ngày 20/12/2008, mới có 18 cơ quan ở Trung ương và 10 địa phương báo cáo hoàn thành.

Kê khai không trung thực sẽ bị xử lý

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện mới chỉ có 36.427 cơ quan tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập. Gần 395.000 người đã kê khai tài sản thu nhập.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập, chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của nhiều cơ quan, đơn vị chưa triệt để, chậm tiến độ so với quy định.

Giải thích lý do vì sao đợt kê khai đầu tiên này, Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho hay đây là nghĩa vụ và thực hiện theo pháp  luật quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức. Ý nghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức.

Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức. Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng.

Về hưu cũng bị xử lý nếu thiếu trung thực

Khi đã xác lập được hồ sơ pháp lý kê khai ban đầu của cán bộ, công chức, cơ quan quản lý sẽ lấy số liệu này làm căn cứ để đối chiếu với đợt kê khai sau này. Bắt đầu từ năm 2009 sẽ thực hiện kê khai hàng năm.

Nếu phát hiện có chênh lệch so với bản kê khai ban đầu thì cán bộ đó phải giải trình rõ nguồn gốc phát sinh thêm tài sản này. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, theo quy định thì thời điểm này chưa công khai tài sản của người thuộc diện phải kê khai.

Cũng theo Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý.

Việc công bố công khai tài sản của tất cả các cán bộ, công chức khi thực hiện kê khai đến đâu, sẽ do các cơ quan có trách nhiệm quyết định. Khi có yêu cầu về bổ nhiệm cán bộ, xác minh làm rõ theo đơn thư tố cáo, hoặc những việc mà cơ quan quản lý yêu cầu, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh. Kết quả thẩm tra, xác minh nếu không đúng, người kê khai sẽ bị xử lý về tội không trung thực.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng đã đưa ra dẫn chứng về một trường hợp ở Cà Mau là nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Trần Công Lộc kê khai tài sản không trung thực, bị người dân tố cáo. Các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau cũng đã tiến hành thẩm tra, xác minh và đã kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức đối với trường hợp này.

Theo Nghị định 37 của Chính phủ, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là đại biểu Quốc hội, cán bộ từ phó trưởng phòng UBND cấp huyện trở lên.

Ngoài ra, tháng 7/2008, Thủ tướng ký ban hành quy định được quy định thêm hai nhóm phải kê khai, gồm những người trực tiếp làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước và những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong một số lĩnh vực chuyên ngành như: phân bổ kế hoạch kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tổ chức tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch; thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức...

* 9 bộ, ngành đã kê khai xong tài sản, thu nhập lần đầu là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ.

9 cơ quan trung ương, cơ quan thuộc Chính phủ khác đã kê khai xong tài sản, thu nhập lần đầu là: Kiểm toán Nhà nước, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Hội Cựu chiến binh, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mới có 10 tỉnh, thành phố đã kê khai xong tài sản, thu nhập lần đầu: Bắc Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Hà Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên, Sóc Trăng, Gia Lai, Ninh Bình.

(Theo VnEconomy)

  • Gian dối trong phá sản bị phạt tối đa 15 triệu đồng
  • Quyền được thông tin của người dân sắp thành luật
  • Cơ quan kiểm định được trích 90% tiền thu phí kiểm định
  • Khấu trừ 20% thu nhập đối với cá nhân không có mã số thuế
  • 6 ngành nghề được gia hạn nộp thuế thu nhập DN
  • Phá ổ sản xuất rượu ngoại giả tại Bình Dương
  • Nhiều cán bộ xuất lậu than bị phạt tù
  • Bắt giữ vụ làm rượu giả quy mô lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com