Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 29-11 là ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái hằng năm. Bởi đây là thời điểm hợp lý nhất để các cơ quan hữu trách mở chiến dịch tấn công vào hàng giả, hàng nhái. Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cuối năm tại Đà Nẵng luôn là những thử thách...
Con số báo cáo trong đợt ra quân mới đây của Chi cục QLTT thành phố đã nói lên điều đó. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 20-10 đến 20-11), qua kiểm tra 156 vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 130 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong đó chủ yếu là sai về nhãn mác hàng hóa, xử phạt gần 222 triệu đồng. Lãnh đạo Chi cục QLTT cho hay: Mặc dù các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái thời điểm cuối năm hoạt động rất tinh vi, nhưng cứ kiểm tra đến đâu là sai phạm tới đó. Vi phạm phổ biến nhất là khâu vận chuyển, về nhãn mác, giá cả.
Mặc dù cơ quan chức năng đã rất mạnh tay trong việc xử phạt, tuy nhiên đây là hình thức kinh doanh “siêu lợi nhuận” nên một số tổ chức, cá nhân vẫn chấp nhận theo kiểu “đã đâm lao thì phải theo lao”. Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT Đà Nẵng, hiện nay, do thị hiếu của người tiêu dùng ưa chuộng đồ ngoại, nên có rất nhiều loại hàng hóa nhập về từ nước ngoài nhưng nguồn gốc không rõ ràng.
Trong khi đó, hệ thống cảnh báo chất lượng về hàng hóa lưu thông trên địa bàn chưa được xây dựng. Thời gian gần đây, đã có doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực chống hàng giả nhưng con số này rất ít ỏi. Về chuyên môn của lực lượng chức năng còn chưa đồng đều, thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, một phần do người tiêu dùng chưa có ý thức trong việc quan tâm, tiếp cận với khuyến cáo của các đơn vị chức năng nên sự phân biệt hàng thật, hàng giả còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, trong khi làm thủ tục hải quan, một số tổ chức, cá nhân khai báo gian lận, chủ yếu là các mặt hàng mỹ phẩm, cáp điện tử, máy tính, điện gia dụng, mực in...
Đây cũng chính là những mặt hàng rất khó phân biệt hàng thật hay hàng giả, hàng nhái. Ví dụ, trong mặt hàng công-tắc một chiều (hãng Clipsal), đầu ốc của sản phẩm hàng giả có hình trụ thì hàng thật phía trên nhỏ hơn chân của đầu ốc; đầu ren ốc của hàng giả bằng với thân ren, hàng thật thì nhỏ hơn. Hay trong mặt hàng rượu, thời gian qua tình trạng sử dụng tem quay vòng, tem ngoài luồng diễn ra phức tạp, trong khi đó do thiếu thông tin tư vấn, ít khách hàng nhận biết được điều này nên việc mua phải hàng giả, hàng nhái là chuyện thường ngày.
Theo thống kê của Chi cục QLTT thành phố, trong 11 tháng của năm 2008, ngành đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng phát hiện và xử phạt 2.039 vụ liên quan đến hàng lậu, hàng giả, hàng nhái (trong tổng số 2.354 vụ kiểm tra) với tổng số tiền lên đến gần 2,8 tỷ đồng. Điều này một lần nữa khẳng định việc hàng giả, hàng nhái ở thị trường Đà Nẵng đang “nóng”. Do vậy, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian đến, đặc biệt là cuối năm sẽ còn nhiều cam go.
Hằng năm, trong dịp giáp Tết, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường kiểm tra hàng hóa, Chi cục QLTT đã tổ chức trưng bày gian hàng giả và thật với hàng trăm mặt hàng trong thời gian diễn ra Hội chợ Xuân 2009 để chuyên gia, nhân viên các hãng sản phẩm hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng phân biệt.
Lãnh đạo Chi cục QLTT cho biết, người tiêu dùng khi phát hiện những mặt hàng lậu, có dấu hiệu làm giả, làm nhái thì liên hệ trực tiếp qua đường dây nóng của đơn vị với các số như 0511.3863755, 3886017 hoặc 090.3502081, 090.5888988 để lực lượng chức năng kịp thời tiến hành kiểm tra, xử lý.
Với những biện pháp triển khai quyết liệt về kiểm soát thị trường hàng hóa cuối năm của các đơn vị có liên quan, hy vọng chuyện mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng của người tiêu dùng sẽ giảm đến mức tối đa trong dịp cuối năm này.
(Theo Báo Đà Nẵng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com