Cuộc chiến chống sách lậu ở Việt Nam vô cùng cam go. Lực lượng chức năng hầu hết chỉ tập trung vào việc truy tìm, bắt giữ sách và người làm sách lậu, trong khi trên thực tế dù có bắt được thì việc xử lý quá nhẹ như hiện nay đã khiến cho “căn bệnh” in sách lậu càng “lờn thuốc”.
Cuộc họp báo của 6 NXB nước ngoài được tổ chức tại TPHCM vừa qua đã trở nên căng thẳng khi đại diện các NXB cố lảng tránh trả lời câu hỏi về việc liệu họ có khởi kiện những đơn vị vi phạm bản quyền. Cho đến lúc kết thúc cuộc họp báo, những người tham dự vẫn băn khoăn tại sao người bị hại lại không quyết tâm chống kẻ gây hại.
Thậm chí ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phải bực mình thốt lên: “Các đơn vị nước ngoài chưa quyết tâm bảo vệ bản quyền của mình, sẽ rất khó cho các cơ quan chức năng”. Còn các NXB nước ngoài thì biện minh cho sự thiếu quyết tâm bằng nhiều ý như chờ chỉ thị của văn phòng mẹ, đợi tham vấn luật sư…
Sách in lậu giấu dưới gầm giường. Ảnh: T.V |
Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp báo, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, phát hành thì việc các đơn vị bị vi phạm bản quyền kém mặn mà với việc kiện tụng có một lý do khác. Theo ông, các đơn vị này ngại lâm vào cảnh tốn hao thời gian, công sức, tiền bạc vào việc truy tìm bằng chứng, khởi kiện, hầu tòa… để rồi kết quả là đâu vẫn vào đấy.
Minh họa điển hình cho tình trạng này là vụ bắt sách lậu tại Thái Nguyên trước đây. Vụ bắt giữ này có thể coi là “kinh điển” nhất với đầy đủ các yếu tố ly kỳ như trong một tác phẩm hình sự, có cài cắm người đột nhập vào khu vực in (Công ty cổ phần in Thái Nguyên) và kho sách lậu để trinh sát, lực lượng của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội còn tổ chức bao vây đón lõng. Đại diện một số đơn vị có sách bị in lậu cũng bí mật theo sát để hỗ trợ việc phân biệt sách giả, sách thật…
Đại diện một trong những đơn vị phát hành có mặt trong cuộc truy bắt đó vẫn còn hào hứng khi kể về vụ bắt sách lậu mà theo anh là “lịch sử” đó: “Không khí rất căng thẳng và thành công cũng làm tất cả chúng tôi phấn khởi khi lần đầu tiên kể từ hơn 10 năm nay, đã bắt được sách lậu ngay khi nó đang được in ấn. Ngoài ra, số sách lậu bị bắt cũng gây bất ngờ vì lên đến con số hơn 100 ngàn bản sách”. Nguyễn Hữu Chiến, tình nghi chính của vụ án bỏ trốn và bị cơ quan công an phát lệnh truy nã toàn quốc. Nửa năm sau, Chiến bị bắt và đưa về Thái Nguyên xử lý.
Tới đây, mọi việc lại đột nhiên diễn ra theo chiều hướng khác, vụ án được khép lại và thay vì một bản cáo trạng, một kết luận phiên tòa thì Chiến chỉ nhận một biên bản xử phạt hành chính. Kết cục này đã làm giới kinh doanh sách chân chính thất vọng. Đại diện một doanh nghiệp phải cay đắng thốt lên: “Lại một điển hình của tình trạng đầu voi, đuôi chuột!”.
Tương tự, hàng loạt các vụ xử phạt sách lậu khác cũng chỉ dừng ở mức “xử phạt hành chính”, hoàn toàn không đủ sức răn đe những người vi phạm.
Hậu quả của việc thiếu cứng rắn cần thiết trong việc xử lý các trường hợp sách lậu được phản ánh qua nhiều hình thức. Như trường hợp, sau khi Công ty CPVH Nhân Văn bị phạt hành chính về vụ liên kết xuất bản in lậu các tác phẩm mà NXB Trẻ đã mua, đơn vị này lại tiếp tục vi phạm theo một hình thức khác.
Nhân Văn đã tiến hành thực hiện in lậu các tác phẩm mà NXB Trẻ đang chuẩn bị mua bản quyền. Việc này khiến các dự án xuất bản của NXB Trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phải chấm dứt vì nếu mua bản quyền sách thì khi xuất bản sẽ không thể cạnh tranh với sách đã in trước đang có trên thị trường.
Kho sách in lậu hơn 50.000 cuốn được phát hiện tại TP.HCM giữa năm 2009. Ảnh: T.V |
Nhưng sự kiện khiến nhiều người ngạc nhiên nhất là đối lập với sự án binh bất động của các nạn nhân trước sự việc đã rồi thì thủ phạm lại “nhiệt tình” kêu cứu khắp nơi. Sau khi bị đại diện các NXB nước ngoài nêu là có nhiều tác phẩm vi phạm bản quyền của họ, ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc nhà sách Quỳnh Mai đã gửi đơn tố cáo đến nhiều nơi. Trong đơn, một mặt ông Kim cho rằng các đại diện NXB nước ngoài không được quyền kiện ông vi phạm bản quyền, mặt khác ông cho rằng hành vi vi phạm bản quyền của ông là “vì nhân dân”, “không phải vì tiền mà vì khai thác tài sản trí tuệ của nhân loại”…
Lý luận “vi phạm để phát triển” như trên thực ra không phải là mới. Trước khi Việt Nam hội nhập, đã có nhiều người cho rằng với thực tế trong nước, nếu không vi phạm bản quyền sẽ không có cơ sở để phát triển. Tuy nhiên, với sự gia nhập ngôi nhà chung thế giới, Việt Nam không còn là một quốc gia tách biệt mà trở thành một phần của ngôi nhà chung toàn cầu và chúng ta phải chấp nhận những quy tắc chung được áp dụng. Tuy phải thừa nhận, không phải tất cả quy định đều có thể dễ dàng vượt qua trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại nhưng để khắc phục cần có những chính sách quản lý, những biện pháp kinh tế hiệu quả thay cho công cụ phạm luật. Bởi vì việc vi phạm dù có “bịt tai, che mắt” xem như không thấy thì sớm hay muộn chúng ta cũng phải trả giá trong sân chơi chung, nơi mà luật lệ luôn được đặt lên hàng đầu.
Và cái ý kiến “vi phạm để phát triển” như trên sẽ không còn đất để tồn tại nếu như các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng để duy trì sự nghiêm minh của pháp luật.
Những "sạp" sách vỉa hè, nơi bày bán nhiều sách lậu. Ảnh: An Dung |
Có thể nói, sách lậu, sách không bản quyền giống như những ung nhọt. Đáng tiếc, với những gì đã làm, cho thấy liều thuốc vẫn còn quá nhẹ và căn bệnh lờn thuốc đã phát triển mạnh hơn. Đã đến lúc cần có biện pháp chế tài nghiêm minh, đúng luật và kịp thời để thực sự đem lại một thị trường sách lành mạnh
(Theo SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com