Nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng ngân sách, nhưng chưa có giải pháp khắc phục được “mổ xẻ” tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM lần thứ 16, khóa VII.
Ảnh : T.T |
Đề nghị kiểm tra bãi rác Đa Phước
Theo đại biểu Lê Thượng Mãn, Dự án bãi rác Đa Phước là một trong những dự án điển hình trong việc gây thất thoát ngân sách của Thành phố cần phải thanh tra, kiểm toán lại dự án đầu tư này.
Ông Mãn cho biết, dự án bãi rác Đa Phước được đầu tư 90 triệu USD do Thành phố ứng vốn thực hiện. “Ban đầu, chủ đầu tư hứa hẹn ngoài việc chôn lấp rác, sẽ làm phân Composit, nhưng hiện nay bãi rác này chỉ thực hiện việc chôn lấp rác mà không phân loại rác đầu nguồn, đồng thời cũng không làm phân Composit như đã hứa hẹn”, ông Mãn nói.
Hơn nữa, Thành phố hiện phải trả cho chủ đầu tư này chi phí xử lý rác là 16,4 USD/tấn rác. Trong khi đó, mức phí phải trả cho một số bãi rác khác thấp hơn, như 9 USD/tấn với bãi rác Thành Công. “Vậy căn cứ nào để xác nhận đơn giá 16,4 USD/tấn rác đối với bãi rác Đa Phước và ai sẽ là người giám sát việc thu hồi nguồn vốn đầu tư này?”, ông Mãn đặt câu hỏi.
Thông tin từ các đại biểu cũng cho thấy, từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống quanh khu vực bãi rác Đa Phước phải ăn trong mùng, ngủ trong mùng vì ruồi. “Điều đáng nói là tình trạng này chỉ được cải thiện mỗi khi có đoàn thanh tra đến kiểm tra. Nếu nói là bãi rác tốt vì sao lại có chuyện này?”, đại biểu Dương Văn Nhân đặt nghi vấn với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Cũng phải nói rằng, theo báo cáo tại kỳ họp của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, bãi rác Đa Phước là một trong 2 bãi rác đang hoạt động tốt. Riêng bãi rác Đa Phước có công suất xử lý 3.000 tấn rác/ngày và được xem là bãi rác có công nghệ tốt nhất Đông Nam á.
Ông Kiệt cũng cho biết, qua nhiều lần kiểm tra, bãi rác Đa Phước đạt chất lượng tốt, không gây ô nhiễm, Đồng thời, kế hoạch sản xuất phân Composit cũng đã được chủ đầu tư đặt ra. “Sắp tới, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra hơn, không chỉ ban ngày mà sẽ kiểm tra đột xuất để nắm lại tình hình”, ông Kiệt cam kết với các đại biểu tại kỳ họp nhưng không trả lời cụ thể về lý do tại sao đơn giá trả cho Đa Phước cao hơn nhiều so với các bãi rác khác.
Lãng phí lớn vì chậm tiến độ
Theo đại biểu Lê Văn Trung, chỉ tính riêng năm 2008, TP.HCM có 69 công trình, dự án triển khai chậm, khiến vốn đầu tư “đội” thêm hơn 2.800 tỷ đồng. Ông Trung đặt câu hỏi với ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM về nguyên nhân và trách nhiệm của tình trạng này.
Lý do là phần lớn các công trình, dự án chậm tiến độ kể trên thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM quản lý. Đặc biệt, đại biểu Đặng Văn Khoa bức xúc khi nhiều công trình chậm tiến độ đã bị nhắc đi, nhắc lại nhiều năm nhưng đến nay vẫn không thể không nhắc tới. Có thể kể đến Công trình nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức) dự kiến phải hoàn thành vào cuối năm 2005, nhưng đến nay công trình này vẫn ngổn ngang.
Dự án cầu Hoàng Hoa Thám (bắc ngang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè kết nối khu Miếu Nổi (Bình Thạnh) với đường Trần Quang Khải, quận 1) được khởi công ngày 8/9/1998 với tổng vốn đầu tư ban đầu 19 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm xây dựng, vốn dành cho cây cầu có chiều dài 103 mét này đã tăng lên 155,5 tỷ đồng, nhưng thời gian hoàn thành vẫn chưa xác định.
Ông Trần Quang Phượng cho biết, sở dĩ công trình này chậm tiến độ do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm Đây cũng là lý do chậm trễ của dự án cầu Hoàng Hoa Thám. Đến nay, dự án này vẫn còn 24 hộ phía quận 1 chưa giải tỏa được. “Hiện công tác giải phóng mặt bằng do UBND cấp quận, huyện có công trình thi công đảm nhiệm.
Khi không giải phóng mặt bằng được, chủ đầu tư không thể thi công được. Vấn đề này đến giờ chưa có giải pháp triệt để”, ông Phượng nói. Đặc biệt, ông Phượng cũng nhắc tới nguyên nhân thiếu phối hợp đồng bộ của các ban ngành trong lý do trì trệ của một số dự án.
(Theo Tăng Triển // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com