Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xung quanh vụ việc tại Công ty Chứng khoán Phố Wall

Sau gần một tháng, những phản ánh, khiếu nại liên quan đến “sự cố” tại Công ty Chứng khoán Phố Wall vẫn chưa được giải quyết.

Sự việc bắt đầu từ việc vay cổ phiếu bán khống trên sàn OTC, trong phiên biến động mạnh, nhà đầu tư không mua được cổ phiếu để cắt lỗ do bảng điện tử bị “treo” (theo phản ánh của nhà đầu tư), dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng. Việc tiếp nhận và xử lý khiếu nại giữa các bên liên quan vẫn ở thế bế tắc và kéo dài.

Bảng điện tử “treo” hay không “treo”?

4 nhà đầu tư gồm Nguyễn Bá Phong, Đồng Thị Phương Thanh, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thị Thu Hà mở tài khoản và tham gia giao dịch tại sàn OTC của Công ty Chứng khoán Phố Wall (WSS). Ngày 11/6, họ có đơn trình báo và đề nghị liên quan đến những phát sinh giao dịch trong ngày 5/6/2009.

Cụ thể, theo đơn trình báo, 4 nhà đầu tư trên cho rằng sàn giao dịch OTC của WSS đã có biểu hiện thao túng thị trường: “Từ 9h15 ngày 5/6/2009, sàn giao dịch OTC của WSS đã chủ động cho bảng giao dịch điện tử dừng hoạt động đến 11h30, đẩy giá cổ phiếu MB (Ngân hàng Quân đội – PV) lúc 9h15 từ 29.310 đồng lên 38.050 đồng lúc giao dịch cuối ngày, gây thiệt hại rất lớn cho 4 nhà đầu tư chúng tôi lên đến vài tỷ đồng, vì chúng tôi đã vay của sàn giao dịch OTC vay bán khống hơn 400.000 cổ phiếu MB (không biết họ có cổ phiếu MB trong quỹ để cho chúng tôi vay hay không?) và không mua vào được khi giá lên để cắt lỗ”.

Đơn phản ánh cho biết, vào lúc 9h30 cùng ngày, khi sàn giao dịch bị đình trệ, nhà đầu tư Nguyễn Bá Phong đã vào gặp ông Đoàn Trung Nguyễn, Giám đốc sàn OTC của WSS tại phòng điều hành trung tâm, cùng với ông Nguyễn Văn Hưng (phụ trách kỹ thuật), thì được giải thích: “Bọn em cho ngừng bảng điện tử giao dịch để cứu một số nhà đầu tư bán xuống khỏi bị cháy tài khoản, giữ khách hàng cho công ty”.

Việc chủ động dừng bảng giao dịch điện tử cũng được đề cập đến trong biên bản làm việc giữa 4 nhà đầu tư với ông Đoàn Trung Nguyễn, ông Nguyễn Văn Hưng, đại diện cho WSS, ngày 9/6/2009.

Tuy nhiên, trả lời với phóng viên, ông Vũ Ngọc Tú, Giám đốc Pháp chế, người phát ngôn của WSS, khẳng định: “Tại thời điểm đó, bảng điện tử vẫn hoạt động được, vẫn hoạt động. Chúng tôi khẳng định là không có gián đoạn giao dịch”.

“Về mặt quy trình thì từ trước đến nay chúng tôi chưa hề có một sự cố đối với hệ thống giao dịch OTC. Về công nghệ cũng không thể can thiệp để dừng giao dịch được. Chỉ có trường hợp tài khoản tại thời điểm đó không đủ điều kiện để giao dịch thì họ sẽ bị dừng lại”, ông Tú nói thêm.

Ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc WSS, cũng nói rằng, “hôm đó tôi kiểm tra nhân viên IT, nhân viên nghiệp vụ cũng cho biết là không “treo”. Nhưng nhà đầu tư thì nói khác”.

Vậy nội dung “chủ động cho ngừng giao dịch” được đưa vào trong biên bản làm việc giữa các bên nói trên được giải thích thế nào? Ông Tú giải thích rằng, biên bản và nội dung biên bản chỉ là sự tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhà đầu tư. Tại biên bản đó, ông Đoàn Trung Nguyễn cũng “chú thích”: “Đã tiếp nhận lắng nghe ý kiến nhà đầu tư và sẽ trình lãnh đạo giải quyết”.

Phức tạp và kéo dài

Với nhà đầu tư, vụ việc tưởng chừng sẽ được giải quyết xong khi ngày 11/6 ông Đoàn Trung Nguyễn có bản cam kết viết tay và ký với nội dung: “Hai bên cam kết với nhau trả lại vào giá 28 (hai mươi tám nghìn/cổ phiếu)… Hứa sang sáng 12/6/2009 4 tài khoản trên có thể rút được tiền (Sau ngày 11/6/2009 công ty sẽ mua trả cho các nhà đầu tư ở 4 tài khoản trên). Hai bên cam kết thực hiện những điều đã hứa và không có thắc mắc gì”.

Tuy nhiên, cam kết trên, cũng như đề nghị của nhà đầu tư qua các cuộc làm việc sau đó vẫn chưa được giải quyết. Nguyên do là phải chờ đợi ý kiến và quyết định của lãnh đạo WSS.

Về cam kết trên, ông Vũ Ngọc Tú, Giám đốc Pháp chế WSS, cho biết ông cũng chưa nhận được, và đó là thỏa thuận cá nhân giữa ông Nguyễn với nhà đầu tư. Văn bản đó chỉ là của WSS khi có con dấu của công ty, hoặc từ quyết định của lãnh đạo công ty, hoặc từ ông Tú với tư cách là người được ủy quyền công bố thông tin.

Trong khi đó, lập luận của nhà đầu tư đưa ra là khi họ mở tài khoản, ký thỏa thuận chấp hành các quy định trong giao dịch chứng khoán OTC tại WSS là ký với ông Nguyễn - Giám đốc sàn OTC và là đại diện bên B.

Khi trao đổi về vụ việc này, ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc WSS, nói rằng: “Trong hoạt động đầu tư chứng khoán thì có nhiều rủi ro, mà nhà đầu tư cũng có thể do họ chưa hiểu rõ nên có những phản ánh thế này, thế kia; thậm chí không loại trừ một số nhà đầu tư khi thua thiệt thì cố tình xuyên tạc chuyện này chuyện kia. Đương nhiên trong chuyện của những nhà đầu tư này thì chưa khẳng định được chuyện đó”.

“Quan điểm của lãnh đạo công ty là phải xác minh làm rõ xem nguyên nhân là do đâu, lỗi do ai. Nếu thực sự do lỗi từ phía công ty thì công ty sẽ có trách nhiệm”, ông Long nói thêm.

Tuy nhiên, sự việc vẫn khó giải quyết bởi ông Long cho rằng nhà đầu tư phản ánh một chiều, trong khi kiểm tra nội bộ của WSS lại nhận thấy hướng khác. “Vì sự khác nhau đó nên WSS chưa thể kết luận được”.

Về định hướng giải quyết, Phó tổng giám đốc WSS cho biết: “Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến vấn đề con người, công nghệ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao trong thời gian sớm nhất… Chúng tôi sẽ tiếp tục nghe ý kiến khách hàng để tìm ra những điểm hợp lý, bất hợp lý. Chúng tôi cũng muốn giải quyết càng sớm càng tốt, nhưng nhà đầu tư thì luôn đòi hỏi cao, ví dụ như họ đổ lỗi hoàn toàn thiệt hại đó cho công ty.

Ngoài ra cũng phải thừa nhận là mấy anh em môi giới OTC nhiều khi cũng trả lời không được chuẩn nên nhà đầu tư lợi dụng những kẽ hở đó để phản ánh lại”.

Cả hai phía đều cùng muốn kết thúc nhanh gọn vụ việc. Khi trao đổi với phóng viên, phía WSS không dưới 5 lần đề cập đến việc tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để tìm tiếng nói chung. Thế nhưng, cuối chiều 5/7, nhà đầu tư Đồng Thị Phương Thanh tiếp tục phản ánh với VnEconomy rằng vẫn không thể trực tiếp được làm việc với lãnh đạo cao cấp của WSS.

“Chúng tôi sẽ không nản chí. Chúng tôi sẽ tập hợp những nhà đầu tư bị rơi vào những trường hợp tương tự để đoàn kết tìm công bằng”, bà Thanh nói.

Hiện 4 nhà đầu tư trên đã tìm đến luật sư và có đơn chuyển đến cơ quan chức năng nhờ phân giải.

(Theo Minh Đức // Vneconomy)

  • Công trình chậm tiến độ, hàng ngàn tỷ đồng “bốc hơi”
  • Được đăng ký tối đa 3 số di động mỗi mạng
  • PVI phản hồi việc từ chối bảo hiểm ôtô tai nạn
  • Mở thủ tục phá sản Công ty Vina Haeng Woon
  • Dự thảo quy chế quảng cáo ở HN: Trên thông dưới bó?
  • Trung Quốc: Chung cư 13 tầng bật móng, tạm giữ 9 người liên quan
  • Tham nhũng và công ước quốc tế
  • Truy thu 110 tỷ đồng tiền gian lận thương mại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%