Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tham nhũng và công ước quốc tế

Ngày 30.6 vừa qua, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng được ký vào tháng 12.2003. Nhân sự kiện này, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc Jairo Acuna Alfaro trao đổi riêng với Sài Gòn Tiếp Thị

Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên ký Công ước vào tháng 12 năm 2003. Phải mất sáu năm để thanh tra chính phủ làm việc với các ban ngành liên quan trong công tác chuẩn bị để phê chuẩn công ước này. Trong thời gian đó có 136 nước khác đã phê chuẩn Công ước. Việc phê chuẩn là biểu hiện tích cực, tuy nhiên, nó thể hiện sự khó khăn trong bản chất của việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Bước tiếp theo sẽ là gì đối với Việt Nam nhằm hiện thực hoá Công ước này?

Điều đầu tiên mà Việt Nam có thể và cần làm là minh bạch hoá. Chúng tôi vẫn gợi ý, và Công ước đã quy định, là phải đảm bảo tính minh bạch trong quá trình ban hành và thực hiện chính sách để làm sao công chúng có thể tiếp cận, tham gia vào đó. Cần thể chế hoá trách nhiệm của các cơ quan chính phủ trong việc công khai hoá cái gì, trong thời gian bao lâu.

Công ước này quan trọng với Việt Nam vì nó giúp tạo ra một cơ chế mang tính hệ thống để theo dõi và xử lý tham nhũng. Ví dụ, có điều khoản gợi ý rằng, các nước thành viên cần đưa ra kế hoạch chống tham nhũng trong vòng một năm và kèm theo các điều kiện thực hiện kế hoạch đó.

Ngoài ra, Công ước có hướng dẫn trong việc phân tích các số liệu về tham nhũng. Việt Nam đã có khảo sát về tham nhũng năm 2005, đến nay đã bốn năm rồi. Thời điểm phê chuẩn Công ước là dịp tốt để cập nhật số liệu đó để biết khu vực nào dễ bị ảnh hưởng của tham nhũng và tìm ra biện pháp để giải quyết các vấn đề đó.

Gần đây một số trường hợp liên quan đến tham nhũng trong nước được phát hiện ở nước ngoài, như Nhật Bản, Đức, và Mỹ. Công ước này sẽ giúp Việt Nam như thế nào?

Một trong những mục tiêu trước mắt của Công ước là giúp cho các thành viên yêu cầu và nhận được các tài liệu chính thức như tài liệu điều tra, tư pháp,… từ các thành viên khác. Sau khi Việt Nam phê chuẩn công ước này thì có thể tiếp cận tài liệu chính thức của các thành viên.

Việt Nam đã có đầy đủ các văn bản pháp luật chống tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn đang là nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của chế độ, như các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nói. Điều gì làm các văn bản này khó đi vào cuộc sống?

Câu hỏi này rất hay, và chúng tôi cũng luôn tự hỏi. Việt Nam có khuôn khổ pháp luật về phòng chống tham nhũng rất tốt, và có thể nói, nó tốt nhất và toàn diện nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vấn đề là thực hiện. Liên hiệp quốc chúng tôi vừa hoàn thành một tài liệu nghiên cứu, trong đó kết luận rằng, tham nhũng ở Việt Nam có tính chất hệ thống, và ở tất cả mọi nơi, vì vậy, để giải quyết nó là rất khó.

Tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi này. Có mấy yếu tố cần củng cố là minh bạch hoá, thượng tôn pháp quyền, giải quyết mâu thuẫn giữa các quyền lợi, nâng cao vai trò của các tổ chức dân sự, báo chí trong chống tham nhũng, và cải cách hành chính công.

Chúng tôi gợi ý nên có đội đặc biệt chống tham nhũng bao gồm đại diện của các ban ngành khác nhau, và báo cáo lên quốc hội, thay vì chính phủ. Ở cấp địa phương, nên có ban thanh tra nhân dân độc lập mà các thành viên không liên quan đến uỷ ban nhân dân. Cơ chế chủ tịch UBND tỉnh là trưởng ban phòng chống tham nhũng hiện tại cần thay đổi.

Việt Nam đang và sẽ trải qua thời kỳ chuyển đổi đặc biệt, khi tài sản đất đai và doanh nghiệp nhà nước sẽ được phân chia lại. Điều Liên hiệp quốc quan tâm đến quá trình này là gì?

Đất đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng. Để giảm khả năng tiêu cực, theo tôi, cần chú ý hai vấn đề. Đó là phải có cơ chế cụ thể để nhân dân khiếu nại; và uỷ ban liên quan phải có đủ khả năng, thẩm quyền giải quyết khiếu nại ấy.

Nhưng tóm lại, điều quan trọng nhất là thông tin đất đai, quy hoạch phải được công khai và minh bạch hoá. Tôi muốn nhấn mạnh, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức dân sự và báo chí có vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấy.

Luật tiếp cận thông tin sẽ đóng vai trò như thế nào, theo ông?

Liên hiệp quốc cho rằng, Việt Nam cần thông qua luật tiếp cận thông tin càng sớm càng tốt. Chúng tôi gợi ý rằng, luật cần nêu rõ thông tin nào là thông tin mà người dân có thể tiếp cận, và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công bố chúng. Kinh nghiệm ở nước khác cho thấy, cần có cơ quan giám sát thực hiện luật này, và với Việt Nam chúng tôi gợi ý nên có cơ quan giám sát như vậy.

( Theo Tư Giang // SGTT Online)

  • Truy thu 110 tỷ đồng tiền gian lận thương mại
  • Trạm cân Dầu Giây: Có nên nhân rộng ?
  • Sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng về giá đất
  • Rừng Phú Quốc bị đe dọa
  • Ngành tài nguyên: Gần 99% khiếu nại, tố cáo là về đất đai
  • Hoạt động xây dựng luật phải đúng tiến độ và chất lượng
  • Sau loạt bài Rỉa tiền tỷ người nghèo:
  • Bắt khẩn cấp Giám đốc Vineco
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%