Theo ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Công văn số 03/BXD-PTĐT ngày 26-3-2010 (Công văn 03) và Thông tư số 04/2006/TT-BXD ngày 18-8-2006 (Thông tư số 04) về hướng dẫn Quy chế khu đô thị mới của Bộ Xây dựng không bảo đảm phù hợp với Luật ban hành văn bản QPPL và Luật Nhà ở.
![]() |
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Công văn trả lời nhưng “mặc áo” quy phạm
Công văn 03 thể hiện dưới dạng trả lời cho công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam tuy nhiên cách Bộ Xây dựng đưa ra các nội dung lại mang tính quy phạm phổ biến, nghĩa là có thể áp dụng chung cho các doanh nghiệp xây dựng nói chung. Theo văn bản này của Bộ Xây dựng, “Thời điểm đầu tiên của chủ đầu tư được phép huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án khu đô thị mới nêu trên thông qua hợp đồng giữa bên bán và bên mua là sau khi dự án đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép đầu tư và chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư được xác định trong giấy phép đầu tư...”.
Theo Luật ban hành VBQPPL, các quy định mang tính quy phạm phổ biến phải được quy định trong một văn bản QPPL của Bộ. Và việc đưa ra một số quy định, quy phạm hướng dẫn tại Công văn số 03 nhưng lại được thể hiện bằng Công văn của Bộ do Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị ký thừa lệnh Bộ trưởng là hoàn toàn không phù hợp.
“Khui” tiền người đầu tư sớm hơn Luật
Cơ sở pháp lý được Bộ Xây dựng dẫn tại Công văn là Thông tư số 04 và Nghị định số 02 nhưng theo Cục kiểm tra VBQPPL thì nội dung các văn bản này không phù hợp với nội dung của Luật Nhà ở. Thông tư số 04 ban hành ngày 18-8-2006 là thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực.
Theo điều 39 của Luật Nhà ở, thời điểm chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua nhà ở hoặc thuê nhà ở là khi thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng. Nhưng theo Thông tư số 04 thì thời điểm này được sớm hơn nhiều, ngay từ khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư. Như vậy, các quy định pháp luật vênh ngược hẳn nhau khi cùng điều chỉnh về một vấn đề sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, không bảo đảm tính an toàn của những người có nhu cầu mua nhà ở, thuê nhà ở tại các khu đô thị mới.
Mặt khác, Nghị định số 02/2006/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30-1-2006, trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực. Vì vậy có những quy định của văn bản này không còn phù hợp với Luật, thậm chí là trái Luật.
Theo ông Sơn, Cục Kiểm tra VBQPPL đã yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, kiểm tra các nội dung của Nghị định số 02, công bố bãi bỏ các quy định của văn bản này trái Luật Nhà ở. Bên cạnh đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 12-4, Bộ Xây dựng phải kiểm tra lại Công văn 03 và Thông tư 04 để bảo đảm tính hợp pháp của các văn bản này.
(Theo HƯƠNG NGUYÊN // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com