Nếu cách ghi biển hiệu công ty giống với khi đăng ký tên công ty thì ngay cả doanh nghiệp ngoại cũng có sai sót |
Chuyện doanh nghiệp trùng tên vẫn đang là bài toán khó, chưa có lời giải thỏa đáng mà nguyên nhân chính lại là từ… luật.
Sau khi Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, hiện có tới 722 doanh nghiệp bị trùng tên. Trên thực tế, không chỉ tại Hà Nội mà các tỉnh, thành phố khác trong phạm vi cả nước, chuyện doanh nghiệp trùng tên vẫn đang là bài toán khó, chưa có lời giải thỏa đáng.
Họa nhãn tiền
Chịu tai bay vạ gió vì trùng tên là trường hợp ông Lê Trọng Đỉnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế Kim Đỉnh vào cuối tháng 3 vừa qua. Khi đó, nhiều tờ báo đăng tin: “Truy nã toàn quốc giám đốc Công ty Kim Đỉnh”. Ngay lập tức, rất nhiều đối tác đã gọi điện vì hiểu nhầm công ty ông đang dính vào vụ lừa đảo này, rồi giám đốc bị truy nã…
Chỉ vì mấy mầu tin mà uy tín gần 20 năm gây dựng có nguy cơ bị đổ ra sông ra biển
Ông Đỉnh cho biết, đối tác gọi điện hỏi cho thì vẫn còn may, ít ra còn có cơ hội giải thích. Điều ông sợ nhất là ngay cả các đối tác nước ngoài cũng gọi điện về để hỏi, thậm chí họ còn tạm dừng ký hợp đồng (công ty của ông làm về đèn chiếu sáng và có nhiều đối tác ở Nga, Canada, Nhật Bản, Venezuela…). Ông Đỉnh bức xúc: “Chỉ vì mấy mẩu tin này mà uy tín gần 20 năm gây dựng có nguy cơ bị đổ ra sông ra biển”. Chưa hết, theo bà Đỗ Thị Mỹ Liên - Giám đốc Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ Havip: việc trùng tên còn khiến cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, doanh nghiệp dễ bị làm hàng giả. Trong khi đó, việc đổi tên doanh nghiệp thường kéo theo rất nhiều tốn kém.
Trùng tên tại… luật
Luật Doanh nghiệp quy định: “Tên của doanh nghiệp phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký kinh doanh; phải viết rõ loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần...”
Theo ông Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty Tư vấn VAFM Việt Nam, quy định như vậy đã dẫn đến việc trùng tên, nhầm lẫn tên doanh nghiệp vì quy định chưa rõ là “tên riêng” hay toàn bộ tên doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần khác loại hình (TNHH hoặc CP...) có thể được cấp đăng ký kinh doanh có tên riêng giống nhau.
Gần đây nhất, từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 88/2006 ra ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh quy định: “Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Giới hạn mang tính tình thế này chỉ có ý nghĩa tránh trùng lắp trong phạm vi một tỉnh nhưng lại không có ý nghĩa trong trường hợp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp trải rộng trên nhiều địa phương, hay cả nước.
Bên cạnh đó, theo Luật Đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc cấp phép lại do các cơ quan chuyên môn khác nhau thực hiện (không phải chỉ ở cơ quan đăng ký kinh doanh) nên việc trùng tên doanh nghiệp càng dễ xảy ra.
Bùng nhùng tên và nhãn hiệu
Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thì: “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Điều kiện được bảo hộ là “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
Thực tế cho thấy tên doanh nghiệp thường là tên thương mại, trong khi lĩnh vực và khu vực kinh doanh của tên thương mại tương đối trừu tượng, không rõ ràng như quy định “phạm vi tỉnh, thành phố” đối với tên doanh nghiệp. Để an tâm, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, một số lượng rất lớn doanh nghiệp phát triển tên doanh nghiệp, tên thương mại lên thành nhãn hiệu, mà nhãn hiệu hàng hóa lại được bảo hộ trong phạm vi toàn quốc, bản chất của nhãn hiệu cũng gắn chặt với cái “tên”. Việc xét đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ không thể có dữ liệu tên doanh nghiệp, hay tên thương mại đã được xác lập quyền trước trên toàn quốc để xác định. Do đó, thực tế có nhãn hiệu trùng với rất nhiều tên riêng của doanh nghiệp, tên thương mại ở rất nhiều địa phương khác nhau.
Cần giải pháp căn cơ
Để giải quyết tình trạng này, có ý kiến cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh thống kê chính xác tại từng tỉnh, thành phố và trên toàn quốc số lượng doanh nghiệp trùng tên. Từ đó, căn cứ vào ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để buộc doanh nghiệp trùng tên hoàn toàn ra đời sau phải tự đổi tên trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cách làm này lập tức gây nhiều tranh luận, bởi không thể cưỡng chế doanh nghiệp đổi tên được.
Một điều khả thi hơn, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cần cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong cả nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác. Theo đó, doanh nghiệp được cấp tên theo nguyên tắc cụ thể, thống nhất, theo một quy chuẩn chỉ gồm ba tiêu chí: loại hình, tên riêng và một ngành nghề chính để phân biệt tên trùng và gây nhầm lẫn. Hệ thống này cũng phải xác định được các điểm giao thoa đồng nhất với hệ thống tiêu chí của Cục Sở hữu Trí tuệ khi xét cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và điều kiện bảo hộ “tên thương mại”.
Sửa luật thay vì cưỡng chế!
Đổi tên là việc làm hết sức khó khăn bởi đó không phải là lỗi từ phía các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghĩa là phía cơ quan chức năng đã xét thấy tên doanh nghiệp đó đủ điều kiện để được cấp và sử dụng.
Đây không phải là "lỗi" chồng chéo của các văn bản pháp luật mà là quy định chưa phù hợp của các văn bản pháp luật. Vấn đề này sẽ được giải quyết khi các văn bản pháp luật được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tôi cho rằng cần phải có sự sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan trước, nhằm tránh tình trạng một doanh nghiệp phải đổi tên nhiều lần. Không chỉ đổi tên đối với việc trùng lặp trong cùng tỉnh, thành phố mà còn phải mang tính quốc gia. Ngoài ra, còn phải đảm bảo rằng việc đổi tên thương mại cũng không được trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước.
(Đỗ Thị Mỹ Liên - Giám đốc Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ HAVIP)
(Bài Nguyên Ngọc - Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com