Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, thương hiệu thường thu phí kiểm toán cao, thậm chí cao hơn rất nhiều, nhưng vẫn luôn là sự lựa chọn số 1 của các khách hàng lớn bởi chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính mà các doanh nghiệp này thực hiện cũng hơn hẳn. Từ thực tế này, bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Vietnam cho rằng, Bộ Tài chính không nên can thiệp vào mức phí kiểm toán mà để doanh nghiệp kiểm toán và khách hàng tự thoả thuận.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính được giao chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập gồm 12 nhóm công việc, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bộ quá “ôm đồm” trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán và thị trường kiểm toán.
Bà Lê Thị Hồng Len, Giám đốc Hội Kế toán - Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tại Việt Nam cho biết, trên thế giới, các hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên hành nghề, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kiểm soát chất lượng dịch vụ, công bố chuẩn mực kiểm toán… đều được giao cho các hội nghề nghiệp thực hiện. “Số lượng kiểm toán viên hiện nay vào khoảng 1.700 người và vào năm 2020 ít nhất sẽ lên tới 7.000 người. Với nhân sự có hạn, Bộ Tài chính khó lòng xem xét từng người hành nghề có đủ điều kiện không, chất lượng ra sao… Vì vậy, Bộ chỉ nên quy định các tiêu chuẩn, điều kiện của người hành nghề kiểm toán; quy định những loại hình mà cá nhân hành nghề kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán được làm, chuyển giao những công việc khác cho các hội nghề nghiệp thực hiện”, bà Len đề xuất.
Ý kiến này cũng được ông Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội ủng hộ theo hướng “cơ quan quản lý nhà nước hạn chế tối đa việc can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.
Theo ông Thanh, Luật KTĐL chỉ nên giao chức năng quản lý nhà nước cho Bộ Tài chính một số việc như xây dựng chiến lược, chính sách, pháp luật phát triển thị trường kiểm toán độc lập; cấp phép hay thu hồi giấy phép thành lập của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN kiểm toán trong và ngoài nước… Như vậy, vừa giảm tải được công việc cho Bộ mà việc quản lý các doanh nghiệp kiểm toán, đội ngũ kiểm toán viên hành nghề sẽ chặt chẽ hơn.
Dù đồng tình với quan điểm giao Bộ Tài chính thống nhất quản lý hoạt động KTĐL và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ KTĐL, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng còn băn khoăn. “Doanh nghiệp kiểm toán được cung cấp hơn 20 dịch vụ, trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ KTĐL trong khi các dịch vụ khác vẫn đáp ứng đủ điều kiện mà bị đình chỉ hoạt động hoặc bị rút giấy phép hoạt động là không phù hợp”, đại diện 1 công ty kiểm toán băn khoăn. Theo doanh nghiệp này, Bộ Tài chính chỉ nên quy định điều kiện về hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm toán, còn việc cấp phép hay thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp có hoạt động KTĐL nên chuyển giao về Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com