Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Euro giả “nhảy múa”

Euro hiện trở thành đồng tiền bị làm giả nhiều nhất trên thế giới, “qua mặt” cả đồng đô la Mỹ. Công nghệ tin học hiện đại giúp cho việc làm này ngày càng tinh vi hơn…

Tiền giả xuất hiện trước tiền thật 4 tháng!

…Một tối đẹp trời tháng 8, trên bãi biển Racou ở Argelès (Nam Pháp), Anthony Gasti bất ngờ bị bắt giữ bởi đội đặc nhiệm quốc gia chống tội phạm lẩn trốn khi vẫn đang trong bộ đồ tắm. 15 nhân viên lực lưỡng đóng giả thành người đi nghỉ mát để “ra tay” được thuận lợi. Gasti, 28 tuổi, người gốc Di-tan, trốn tránh lệnh truy nã quốc tế từ năm 2005.

Hắn chính là “bộ não” của “xưởng in” nằm tại vùng Neuilly-sur-Marne (ngoại ô Paris), một trong những nơi cho ra loại đồng euro giả tinh xảo nhất chưa từng bao giờ làm được ở châu Âu. Giữa những chiếc máy tính tối tân và hàng chồng giấy cao cấp màu xanh lơ hoặc màu ngà, lực lượng cảnh sát thu giữ được 167.500 tờ mệnh giá 10 và 20 euro, 2.992 tờ 50 euro với “chất lượng” có thể làm “giật mình” các chuyên gia in ấn của Ngân hàng Quốc gia Pháp.

Trong khi Gasti bắt đầu “bóc” những tờ đầu tiên của “cuốn lịch” 14 năm sau song sắt nhà tù thì ở bên kia Đại Tây Dương, lực lượng cảnh sát bí mật của Colombia chụp gọn “mẻ lưới” một xưởng in tiền lậu nằm ngay trung tâm thủ đô Bogota. Ở đây, họ đã tìm thấy một “núi” tiền giả gồm những đồng euro mệnh giá 200 và 500, tổng cộng lên tới 11 triệu, là lượng tiền giả lớn nhất phát hiện được kể từ khi đồng euro lưu hành tới nay.

Trên thực tế, chưa bao giờ đồng euro bị “cóp-py” nhiều đến thế. Lượng tiền giả phát hiện trong nửa đầu năm 2008 lên tới 312.000 tờ, tăng hơn 15% so với năm ngoái, gần gấp đôi lượng tiền giả bị thu giữ trong năm 2002 (167.000 tờ tiền các loại).

Thế mà, ở thời điểm phát hành, đồng euro được giới thiệu như là tờ tiền “an toàn” nhất thế giới: nó được “bảo vệ” bởi 63 điểm “cài” trên giấy, đặc biệt là một hologramme (tạm gọi là “hình lưới nền”) tối hiện đại và một băng từ kiểu mới gọi là “strip” (“vạch”).

Hình thức của các đồng tiền chỉ được công khai vào phút chót, đề phòng nạn làm giả. Thế nhưng, với hy vọng có thể “hòa tan” những đồng tiền giả của mình vào “dòng chảy” 1,5 tỷ tờ tiền mới, một số tay chuyên làm tiền giả đã không chờ đợi được tới ngày “N”. 4 tháng trước khi đồng euro chính thức lưu thông, chúng đã tung ra những tờ tiền mệnh giá 1.000 euro mà không biết rằng tờ tiền chính thức có mệnh giá cao nhất cũng chỉ tới 500 euro mà thôi!

“Ăn theo” công nghệ tin học

Nằm giữa “giao lộ” thương mại và du lịch thế giới, Pháp và Italia là 2 quốc gia có lượng tiền giả lưu hành nhiều nhất. “Cùng với mại dâm, làm tiền giả là nghề xưa nhất thế giới” - ông J.L.Perrier, thuộc cơ quan trung ương chống nạn làm tiền giả của Pháp nói - “Các xưởng in lậu thường nằm ở vùng Marseille, Paris, một ít ở Lille (các thành phố của Pháp), do các băng đảng kiểm soát”. Với sự trợ giúp của các tay thợ ảnh kỳ tài, chúng thường in tiền bằng máy offset trên một loại giấy quý có chất lượng cao.

Nổi tiếng nhất là Ceslaw Bojarski, người Ba Lan, kỹ sư, cựu sĩ quan quân đội, được coi là “nghệ nhân xuất chúng” với những đồng tiền giả do anh ta làm ra, nhất là tờ 100 franc Pháp có hình Hoàng đế Napoléon. Một mình trong tầng hầm dưới ngôi nhà mình ở, Bojarski đã “chế” ra 30.000 tờ tiền giả rồi đưa vào lưu hành khắp nước, trong khi vợ hắn vẫn tin rằng chồng mình làm thương mại…

Từ những năm 1990, sự bùng nổ của ngành vi tin học (micro-informatic) đã làm thay đổi hẳn “diện mạo” kỹ nghệ làm tiền giả. Những chiếc máy in vụng trộm cỡ lớn được thay thế bởi một dây chuyền đồ họa nhỏ gồm nhiều bộ phận: máy scanner, máy in, một chương trình vi tính xử lý hình ảnh… Khoản vốn đầu tư trang bị kỹ thuật cũng đỡ “nặng” hơn.

Người làm tiền giả lại có thể in thử nhiều lần, điều chỉnh màu sắc, độ nét theo yêu cầu, là những việc trước đây không làm được. Nhiều băng đảng vốn chuyên nghề tẩu tán tiền giả nay cũng chuyển sang trực tiếp in tiền giả.

Có trường hợp kỹ sư tin học bị cưỡng bức giúp chúng làm tiền giả. Cũng có người túng quẫn, làm tiền giả để tiêu… Số “xưởng” làm tiền giả tăng lên rất nhiều. Riêng ở Pháp, cảnh sát thống kê được khoảng 900 “dạng” tiền giả.

Điều này làm đau đầu cơ quan chức năng. “Trước kia, cái mà trinh sát của chúng tôi phát hiện ra là những mớ tiền còn tươi màu mực. Giờ đây, chúng tôi phải bám theo những gã thanh niên mất hút trong các khu chung cư” - ông Perrier kể - “Máy tính nằm trong một căn hộ, máy in nằm trong một căn hộ khác, còn các file thì được giấu trong chip điện thoại di động! “Nghề” này đã thay đổi rất nhiều!”.

Chỉ cần vài kiểm tra nhỏ

Tờ 20 và 50 euro là những tờ tiền bị làm giả nhiều nhất, do dễ tiêu thụ hơn. Tùy theo chất lượng, chúng được “bán lẻ” với giá bằng 20% - 40% giá trị danh nghĩa của chúng. Năm qua, có chừng 40 cơ sở in và tiêu thụ tiền giả bị phát hiện ở Pháp, chiếm tới 30% số vụ án loại này ở châu Âu. Khoảng 30% lượng tiền giả được làm kiểu “cò con”, số còn lại phần lớn làm ở miền Nam Italia hay Bulgaria, Anh.

Tuy đôi khi rất “tầm thường” nhưng chất lượng các đồng tiền giả cũng đủ để đánh lừa được người tiêu thụ hay người buôn bán. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Pháp đã có nhiều chiến dịch thông tin về tiền giả nhưng người dân không thực sự chú ý.

Chỉ cần vài kiểm tra nhỏ để có thể phát hiện ra tiền giả. Các đồng tiền euro được in trên loại giấy làm từ sợi bông vải nên khi sờ có cảm giác riêng biệt, cấu trúc giấy chắc chắn, tạo âm thanh khô gãy. Vì vậy cần cảnh giác với những đồng tiền mềm, nhũn, có cảm giác xi dầu… Một số bộ phận ở mặt trước được in nổi, dễ dàng nhận thấy được.

Khi nhìn nghiêng những tờ 5, 10 và 20 euro, sẽ thấy rõ ký hiệu và chữ số mệnh giá đồng tiền xen kẽ nhau… Tuy nhiên, những kẻ làm tiền giả có “thứ hạng” nhất cũng có thể bắt chước được một số “chi tiết an toàn” của tiền thật…

Giờ đây, khoảng 11,5 tỷ tờ tiền euro đang được lưu hành trên khắp thế giới. Với sự gia nhập vào vùng sử dụng đồng euro của các nước như Malta, Cyprus, Slovenia (2007) hay Slovakia (năm tới), số lượng tiền này sẽ còn tăng lên, đồng nghĩa với việc nó cũng sẽ bị cóp-py nhiều hơn. Vì thế Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chuẩn bị một “gam” tiền mới, có thể sẽ đưa vào lưu hành kể từ 2011….

 


( theo báo Sài gòn giải phóng )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%