Cửa ngõ vào TP Hạ Long vẫn ngổn ngang gần chục năm nay |
Vì sao Dự án mãi không triển khai xong, mặc dù các cơ quan chức năng và nhà đầu tư đã rất cố gắng ? Chúng tôi thấy nổi cộm là một trong những nguyên nhân: Dự án có diện tích bao trùm trên phường Hà Khẩu, Giếng Đáy và Hùng Thắng (TP Hạ Long) xưa kia nằm heo hút trong một thung lũng có nhiều ruộng, ao trũng, đầm lầy... Nhiều hộ dân từ các vùng quê xa và lân cận ra lập nghiệp, họ sống bằng nghề cấy trồng, bắt cá và chăn nuôi.
“Trăm mối... tơ vò”
Từ khi xây dựng QL.18A chạy qua, đất ở đây cũng “sốt” theo. Sự “béo bở” này khiến nhiều chủ buôn đất đến mua đất lòng vòng, trao tay mà chính quyền sở tại không kiểm soát nổi. Ngoài ra, một số vùng đầm trũng, ao sâu mà sự quản lý lỏng lẻo đến nỗi khi có Dự án thì mạnh ai, nấy nhận. Trong khi đó, theo luật hiện hành thì Nhà nước không bồi thường tăng giá đất sau khi có dự án được đầu tư. Chính vì sự “đuối lý” này mà các chủ đất không dám đưa đơn ra toà mà chỉ ngấm ngầm chống đối, nhưng hết sức quyết liệt. Nhưng nói gì đi nữa, thì việc chậm GPMB ở Dự án này, nguyên nhân cơ bản vẫn là các cơ quan chức năng chưa phát huy hết trách nhiệm.
Cán bộ Ban QLDA, ông Đào Bá Dung cho biết: “Nhiều hộ dân lợi dụng sự lỏng lẻo của chính quyền. Họ quay lại tái lấn chiếm đất sau khi đã bàn giao cho Dự án. Tại phường Hà Khẩu, có 3 hộ đã nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư (TĐC) và đã xây nhà, nhưng họ vẫn “a dua” nhau chiếm đất của Dự án, lập hàng rào giữ đất. Họ ra sức chống đối mà không hiểu rằng như vậy là trái pháp luật”. Theo lãnh đạo UBND phường Hà Khẩu: “Việc dân chống đối không bàn giao đất cho Dự án vì Dự án triển khai trong thời gian dài, áp dụng qua 3 chính sách, có sự chênh lệch về đơn giá, chế độ. Do vậy, người dân càng tỏ ra “kiên trì” chờ luật... Về chính sách, cũng còn có những tình huống “bất khả thi” như: có hộ nghèo, chỉ có ngôi nhà lụp xụp trên diện tích khoảng 60 m2, trong khi nguồn gốc là đất nông nghiệp xen kẽ trong khu đô thị. Họ chỉ nhận đền bù về đất số tiền không đủ trả tiền quyền sử dụng đất khi được cấp đất TĐC có quy hoạch tối thiểu là 100 m2/lô. Đây là điều mà cán bộ sở tại hết sức trăn trở, vì tổ chức cưỡng chế những đối tượng chây ỳ không giao đất là việc làm đúng pháp luật, nhưng đảm bảo an sinh xã hội cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”. Ông Nguyễn Vũ Hải – Trưởng Ban GPMB TP Hạ Long cũng cùng có quan điểm chung như nhiều ý kiến khác: “Thực ra, vướng mắc lớn nhất về GPMB tại Dự án Nam ga Hạ Long vẫn là về chính sách. Một dự án mà thực hiện với 3 chính sách khác nhau dẫn đến khó thực hiện về giá. Sự chênh lệch giá là cái cớ để người dân so sánh và khiếu kiện. Đó cũng là nguyên nhân người dân quay lại chiếm đất đã bàn giao cho Dự án, theo pháp luật là sai. Nhưng đó cũng là cái cớ thay vì khiếu kiện, hòng thúc đẩy các cơ quan chức năng phải cân nhắc”. Trong khi các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa tìm ra lối thoát cho Dự án, thì nhiều hộ dân trong diện quy hoạch Dự án vẫn đau đáu từng ngày mong được giao đất sao cho thấu tình, đạt lý. Ông Hoàng Văn Thơi (tổ 8, khu 8 , Hà Khẩu) đã kề cái tuổi 70 mà vẫn thở dài: “ Suốt hơn 7 năm nay gia đình tôi chỉ có 4 gian nhà cấp 4, tổng diện tích hơn 40 m2 mà hiện chứa tới 3 gia đình nhỏ, trong đó nhà cửa thì xuống cấp, thật là hổ thẹn với xã hội. Chúng tôi chỉ mong người ta triển khai Dự án cho thật nhanh. Sao cho chúng tôi đến chỗ ở mới bằng hoặc hơn chỗ ở cũ, không bị thiệt thòi là được”. Còn ông Bùi Xuân Đông cũng ngậm ngùi không kém: “ Nhà tôi có 5 hộ gia đình chung sống trong căn nhà có 80 m2 nay đã tồi tàn, xuống cấp quá mức. Trong khi đất rộng, mà không được cái quyền cơi nới thêm mà ở”. Vẫn tỏ cái quyền được giao đất, ông Đông nói thêm: “Vừa rồi, cấp trên có giấy mời chúng tôi lên kê khai nguồn gốc sử dụng đất. Họ muốn lấy đất của chúng tôi thì họ phải xuống với chúng tôi chứ ?” Để cho khách quan, tôi điện thoại xin đăng ký gặp một vị cán bộ ở TP Hạ Long để trao đổi về tình hình thực hiện GPMB tại Dự án. Ông này cho biết là còn bận công tác, và việc đó PV cứ làm việc với chủ Dự án là rõ (?!) Thế mới hay, GPMB vẫn là việc mà người ta né tránh. Trong khi ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch phường Hà Khẩu cho rằng: “Việc dân chiếm đất đã giao cho Dự án cũng là do chủ đầu tư không triển khai xây dựng ngay, kịp thời và sự phối kết hợp với phường cũng chưa được chặt chẽ. Trong khi chế độ thù lao với người thi hành công vụ cũng còn khiêm tốn lắm”. Mặt khác, đại diện cho chủ đầu tư là ông Hà Văn Đến – Giám đốc Cty Licogi 2 lại nói:“ Đáng lẽ chúng tôi chỉ nhận mặt bằng “sạch” từ các địa phương chứ chúng tôi không phải “lăn vào” giải quyết các khúc mắc với dân ? Việc nhận mặt bằng cần phải đủ một diện tích nhất định mới có thể thi công được. Không thể thi công manh mún, vừa thiếu kỹ thuật, vừa lãng phí. Ở Dự án này, mỗi năm chúng tôi phải chi tới hàng trăm triệu đồng để duy trì bộ máy quản lý. Số vốn tồn đọng tại Dự án và số tiền chưa thanh toán được - đây là “gánh nặng” đang mong được các cơ quan chức năng địa phương giải thoát”. Ông Đến nói tiếp: “Ở Dự án này, sự chờ đợi GPMB đã quá ê chề, không thể kéo dài thêm được nữa. Do vậy, chúng tôi mong được các cơ quan chức năng vào cuộc để chúng tôi được đền bù những hộ chưa được kiểm đếm theo Nghị định 84, còn những hộ đã nhận tiền, nhận đất TĐC thì không thể “hồi tố” việc đó các bên phải tuân thủ theo luật”. Một cán bộ của Cty Licogi 2 tức tưởi:“ Sở dĩ phần đất của Dự án tại phường Hùng Thắng đã hơn 7 năm nay chưa thể kiểm đếm được là do người dân và chính quyền không hợp tác. Đã đến “nước” này, nhà đầu tư cũng phải ngậm ngùi... chào thua!”. Ba “nhà” cùng khổ Dự án KĐTM Nam ga Hạ Long được giao cho Cty Đầu tư và Xây dựng Licogi 2 – Quảng Ninh thực hiện từ tháng 5/2002 với tổng vốn đầu tư 330 tỷ VND; diện tích ban đầu 63 ha. Đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh vì vướng mắc trong khâu GPMB, nay chỉ còn 33 ha. Cùng với đó, Cty đã đầu tư hơn 50 tỷ VND để xây dựng khu TĐC tại chỗ cho người dân bị thu hồi đất. Cũng năm 2002, Cty đã đầu tư 175 tỷ VND thi công tuyến đường bao biển Cột 5 – Cột 8 (TP Hạ Long). Bù lại, Cty được Tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất tại Dự án KĐTM Nam ga Hạ Long. Thực ra, Cty Licogi 2 – Quảng Ninh là DN nhà nước. Với hình thức như đã nói ở trên, Cty được hoàn trả tiền đã đầu tư bằng quyền sử dụng đất - Bản chất là bán đất để thu hồi vốn chứ không phải kinh doanh đơn thuần để thu lãi ròng như một số dự án khác. Hàng trăm tỷ đồng tiền vốn mà Licogi 2 đã bỏ ra; hơn 92 tỷ VND đã được đầu tư vào Dự án mà gần chục năm nay số vốn “chết” này vẫn chưa thu hồi được. Trong khi đây là DN nhà nước, thì chính những thiệt hại này một phần nào Nhà nước phải gánh chịu nhiều nhất. Cùng với đó, hàng trăm hộ dân hoặc là ở trong những căn nhà tồi tàn xuống cấp, hoặc là tự ý xây dựng trái phép làm ảnh hưởng lớn đến môi trường và cảnh quan đô thị. Như vậy, cả ba “nhà” là: Nhà nước, nhà đầu tư và nhà dân… cùng đang chịu hậu quả do chậm GPMB ở Dự án này gây ra ? Trước tình hình có quá nhiều dự án ở Quảng Ninh dù đã quá hạn nhưng không thể GPMB, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đền bù GPMB từ đầu năm 2009. Đã có nhiều chuyển động tích cực như GPMB ở Dự án xây dựng tuyến đường sắt vào Cảng Cái Lân, tuyến đường 334 – Hạ Long... Dư luận cho rằng, những khó khăn về GPMB tại cửa ngõ TP Hạ Long – Dự án KĐTM Nam ga Hạ Long sớm được tháo gỡ, mong nhà đầu tư sớm hoàn tất công việc để “trả” cho Hạ Long xứng với cái tên của nó. Vướng mắc lớn nhất về GPMB tại Dự án Nam ga Hạ Long vẫn là về chính sách. Một dự án mà thực hiện với ba chính sách khác nhau dẫn đến khó thực hiện về giá. Sự chênh lệch giá là cái cớ để người dân so sánh và khiếu kiện”.
(Theo Văn Nguyễn // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com