Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mất tiền tỷ sau cú nhấp chuột

Mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện và xử lý hàng chục vụ lừa đảo qua mạng internet với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa cảnh tỉnh được ý thức phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2009, do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, ngày 24/11.

Gia tăng tội phạm công nghệ cao

Đại tá, tiến sĩ Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15, Bộ Công an) cho biết thêm, mỗi năm C15 phát hiện và xử lý hàng chục vụ lừa đảo qua mạng với với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng qua mạng xảy ra cuối tháng 11/2007. Tự nhận là đại diện của tập đoàn Colony Invest, Mỹ ở Việt Nam, cần huy động vốn trong thời gian ngắn, nhóm người gồm Vũ Thị Thu Hằng, Hoàng Thị Bây (trú ở Lạng Sơn) và Nguyễn Văn Dân (TP HCM) thông qua mạng đã hứa hẹn trả mức lãi suất rất cao, từ 55-60%/tháng cho những người đầu tư vốn vào đường dây này. Nếu đầu tư 100 USD, sau một tháng sẽ thu được 250 USD…

Xâm nhập trái phép mạng internet có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ảnh minh họa: Đức Long


Kết quả xác minh của C15 cho thấy, phần lớn người tham gia đều không rút được tiền từ ngân hàng. Một số trường hợp có nhận được một phần tiền lãi nhưng chỉ nhằm để quảng cáo, lôi kéo thêm người vào đầu tư.  Bằng thủ đoạn này, nhóm lừa đảo qua mạng đã lừa được gần 100 tỷ đồng.

Một hình thức lừa đảo khác của tội phạm công nghệ cao là việc thâm nhập các thông tin trên các trang web bán hàng qua mạng. Xâm nhập vào kho dữ liệu này, các đối tượng tiến hành lấy cắp thông tin về tài khoản của chủ thẻ để tiến hành mua bán hàng xuyên quốc gia hoặc chuyển tiền vào tài khoản khác.

Thời gian qua, tại TP HCM xảy ra 118 giao dịch với 43 thẻ Mastercard, sử dụng 43 hộ chiếu giả với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 486.000USD.

Theo đại tá Trần Văn Hòa, loại tội phạm này đang mở rộng sang các hình thức khác như: truy cập trái phép vào hệ thống máy tính của các ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán để lấy cắp, sửa đổi dữ liệu, tạo tài khoản giả, cổ phiếu giả để chiếm đoạt tài sản; thanh toán bằng thẻ giả hoặc ăn cắp mật khẩu để rút tiền bằng thẻ ATM…

Sớm lập “phòng tuyến” để đối phó

Trong khi tội phạm công nghệ cao có xu hướng gia tăng và hoạt động với những thủ đoạn tinh vi thì nhiều tổ chức, cá nhân ở Việt Nam dường như chưa lường hết sự nguy hiểm của loại hình tội phạm này.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho thấy, có tới hơn 50% số cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam không có nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách về an toàn thông tin; chỉ có 10% cơ quan có quy trình xử lý sự cố an toàn thông tin; 80% sự cố mất an toàn thông tin đều do thiếu quan tâm của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát đầu năm 2009 của VNISA đối với 500 tổ chức, doanh nghiệp cũng cho thấy, có tới 35,57% không biết hệ thống máy tính bị tấn công; 16,03% biết bị tấn công và được theo dõi đầy đủ, số còn lại có thể biết bị tấn công nhưng không theo dõi đầy đủ.

Theo tiến sĩ Vũ Quốc Khánh, giám đốc VNCERT, thái độ thờ ơ của các tổ chức, doanh nghiệp khiến việc tìm ra nguyên nhân, xử lý và khắc phục hậu quả bị đánh cắp thông tin là rất khó.

Để phòng chống tội phạm công nghệ cao, đại tá Trần Văn Hòa cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần thiết lập các "phòng tuyến" để đối phó, nên sử dụng các công cụ kỹ thuật (phần cứng, phần mềm) bảo vệ các server, website, cơ sở dữ liệu...; xây dựng các phần mềm quản trị hệ thống, phân quyền cho người sử dụng cơ sở dữ liệu phù hợp; có biện pháp bảo đảm an ninh mạng tốt…

Theo đại tá Trần Văn Hòa, pháp luật xử lý tội phạm công nghệ cao đang đang được bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2010, Bộ luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định người nào cố ý phát tán virus, chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông sẽ bị xử phạt từ 20- 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm. Ngoài ra, các hành động truy cập trái phép vào mạng internet, mạng viễn thông cũng có thể bị phạt tù hoặc bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

(Theo Báo Đất Việt)

  • Hải Phòng: Đình Công ở Cty may Việt Hàn - Kiến Thụy
  • Xem xét nợ thuế truy thu
  • Mục đích của Thuế nhà đất là kéo giá đất đô thị xuống
  • Tăng cường biện pháp phòng chống rửa tiền
  • Nhiều lần thanh tra không ra sai phạm
  • Máy bay Jetstar Pacific bị 'tố' hoạt động thiếu an toàn (?)
  • Bắt trưởng phòng khai thác của Công ty Total Gas VN
  • Bắt tạm giam Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%