Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng đểu bán qua truyền hình, internet: Người tiêu dùng bị bỏ rơi

Trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị bán hàng, nhưng nếu không có sự can thiệp từ các cơ quan có trách nhiệm thì hiện tượng bán hàng “đểu” sẽ còn tiếp tục xuất hiện

Quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng đang khá phổ biến ở các địa chỉ mua bán trên mạng và một số kênh truyền hình. Tuy nhiên, bên cạnh việc cấp phép cho các đơn vị kinh doanh theo hình thức trên, công tác quản lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang có nhiều lỗ hổng.

Từ chối trách nhiệm bảo hành là phạm luật

Luật sư Trần Duy Cảnh (Đoàn Luật sư TPHCM), Giám đốc Công ty Luật Việt, phân tích: Luật Thương mại và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều quy định dù hàng hóa bán ở bất cứ kênh nào, kênh chợ, kênh siêu thị hay qua truyền hình, qua mạng..., đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thực hiện chế độ bảo hành... và người tiêu dùng phải được bảo hành khi sản phẩm gặp sự cố.

Như vậy, kinh doanh qua truyền hình hay qua mạng cũng không thể nằm ngoài quy định trên. Từ chối trách nhiệm bảo hành sản phẩm là vi phạm luật.

Các cơ quan chức năng đều cho rằng rất khó kiểm soát hình thức kinh doanh này. Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM, ông Lê Xuân Đài, cho rằng bản thân mỗi doanh nghiệp đều phải bảo đảm kinh doanh hàng hóa đạt chất lượng.

Về mặt quản lý, Bộ Khoa học – Công nghệ phải có chức năng giám sát chất lượng, tiêu chuẩn và Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm quản lý các mặt hàng thực phẩm, thuốc. “Việc quảng cáo sai sự thật của các loại hàng hóa kinh doanh trên truyền hình, internet rất đáng báo động.

Ngày 26-11, anh Nguyễn Vĩnh Nghi (Q.3 - TPHCM) đến nhờ Báo NLĐ can thiệp việc anh mua máy tính xách tay qua mạng gặp phải hàng đã tân trang. Ảnh: M.Vân

Chi cục đã báo cáo với TP và đề nghị có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, chi cục cũng chỉ kiểm tra xử lý những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về giấy phép, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng” – ông Đài nói.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng cho rằng bán hàng qua mạng, qua truyền hình thuộc phạm vi quản lý của Sở Thông tin - Truyền thông. Sở Công Thương chỉ chịu trách nhiệm về thị trường hàng hóa và do Chi cục QLTTđảm trách...

Ông Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng thời gian gần đây, hội có nhận được một số khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hóa mua qua mạng, qua truyền hình nhưng đa phần người mua không có hóa đơn chứng từ, không có địa chỉ người bán nên hội không giúp gì được.

Thậm chí, trường hợp có địa chỉ bán hàng, hội tổ chức hòa giải, gửi thư mời nhưng đơn vị bán hàng không đến hòa giải nên đành... chịu thua; chỉ còn cách hướng dẫn người khiếu nại nhờ báo chí can thiệp hoặc kiện ra tòa... Tương tự, Văn phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phía Nam cũng cho hay có nhiều người tiêu dùng liên lạc đến văn phòng để hỏi về thủ tục khiếu nại nhưng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh mua hàng nên văn phòng không thể tiếp nhận.

Thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin, không biết cách tự bảo vệ mình và rất hạn chế trong việc tìm hiểu thông tin hàng hóa trước khi quyết định mua sắm. Do mua hàng không có hóa đơn, không có địa chỉ giao dịch... nên khi hàng hóa gặp vấn đề về chất lượng rất khó khiếu kiện để được bảo vệ quyền lợi.

Nhà đài không thể đứng ngoài cuộc!

Một trong những trách nhiệm quan trọng không thể phủ nhận là vai trò của các đài truyền hình đối với kiểu kinh doanh hàng hóa kém chất lượng trên truyền hình. Luật sư Trần Duy Cảnh cho rằng đài truyền hình cho các đơn vị kinh doanh thuê sóng cũng giống như người có nhà cho thuê.

Khi các đối tượng thuê nhà có hành vi kinh doanh không chân chính thì chủ nhà phải có trách nhiệm chấn chỉnh và nếu tình trạng không được cải thiện thì có thể thanh lý chấm dứt hợp đồng cho thuê. Với các đài truyền hình, khi nhận thấy các đơn vị thuê thời lượng phát sóng có những hành vi kinh doanh, quảng cáo sai sự thật, đài nên cắt thời lượng phát sóng.

Còn theo ông Lê Xuân Đài, các đài truyền hình phải có trách nhiệm kiểm tra xem các đơn vị kinh doanh trên thương hiệu sóng truyền hình của mình có quảng cáo sai sự thật hay không. Mặt khác, các sở văn hóa - thể thao và du lịch phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những đơn vị quảng cáo quá lố gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về thực trạng quảng cáo bán hàng trên truyền hình xuất hiện một số chiêu thức đánh lừa người tiêu dùng, ông Đào Kim Phú, trưởng đại diện Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin – Điện tử phía Nam, cho rằng bản thân ông cũng rất bức xúc về việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng quảng cáo để làm lợi cho mình, đẩy thiệt hại cho người tiêu dùng nhẹ dạ, cả tin.

Khi tiếp nhận thông tin, nếu biết doanh nghiệp nào quảng cáo sai sự thật thì tùy vào mức độ vi phạm, cục sẽ có hướng xử lý. “Bên cạnh đó, Bộ Thông tin -Truyền thông đã phân cấp rồi. Theo đó, Sở Thông tin - Truyền thông của các địa phương phải giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm” – ông Phú nhấn mạnh.

Có thể khiếu kiện ra tòa

Theo luật sư Trần Duy Cảnh, một trong những quyền của người tiêu dùng là được khiếu kiện các đơn vị kinh doanh không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình ra tòa.

Như vậy, khi gặp sự cố hay chỉ cần các đơn vị kinh doanh không thực hiện chức năng bảo hành sản phẩm, khách hàng có thể gửi đơn khiếu nại đến hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại các địa phương.

Cao hơn, có thể khiếu kiện ra tòa án quận, huyện – địa bàn của các đơn vị kinh doanh đặt trụ sở.

 

(Theo Nguoilaodong Online)

  • Nỗi niềm của tỷ phú không tiền
  • Quảng cáo gian dối có thể bị phạt tù
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Quảng Nam: Bắt tổng giám đốc trốn thuế 10 tỷ đồng
  • Nhà Thuế tiếp tay doanh nghiệp gian thầu
  • Kế toán giả chữ ký chủ tài khoản, rút gần 100 triệu đồng
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Vụ hạt dưa tẩm chất gây ung thư: Hạt Trung Quốc, chất tẩm Ấn Độ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%