Tuy nhiên, việc đòi lại quyền lợi của người tiêu dùng trong những trường hợp này điều không đơn giản.
"Thượng đế" yếu thế Lấy trà sữa trân châu là ví dụ, sản phẩm này đã du nhập vào Việt Nam được khoảng 5 năm và vẫn đang là thức uống khá phổ biến của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy các quán trà sữa trân châu trên các phố lớn ở Hà Nội nhưng để tìm hiểu nguồn gốc các thành phần có trong trà sữa trân châu là quá khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trà sữa trân châu được nhập về từ Trung Quốc, không tên tuổi, không nhãn mác rõ ràng, không ghi thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, chúng vẫn được bày bán công khai tại các cửa hàng trên phố Hàng Buồm và các chợ lớn tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân. Cho tới nay, có hàng triệu ly trà sữa được pha chế từ các nguyên liệu không rõ nguồn gốc này đã được bán và vẫn đang được bán công khai.
Trước khi báo chí phanh phui ra vụ trà sữa trân châu không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, đã có hàng chục vụ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được phát hiện như sữa có chứa melamine; nước mắm nhãn mác là nước mắm cá hồi Bắc Âu, sau phải cải chính lại là nước mắm hương cá hồi; xăng chứa aceton gây hỏng động cơ gắn máy; hãng taxi gian dối cước; nước tương chứa chất 3-MPCD gây ung thư; rau, củ, quả phun thuốc kích thích vô tội vạ. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Điều đó đủ thấy người tiêu dùng Việt Nam đang chịu quá nhiều thiệt thòi.
Chị Đỗ Thanh Hải, nhân viên của Viện Vệ sinh dịch tễ nói, rõ ràng người tiêu dùng Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi. Thực phẩm kém chất lượng, nhiễm chất độc hại trong những năm gần đây được phát hiện rất nhiều.
"Hiện tôi không biết tin vào chất lượng hàng hóa thực phẩm nào, vì hầu như cái nào cũng có tem, dấu kiểm định, nhưng hình như công nghệ lạc hậu của Việt Nam chưa đủ trình độ để phát hiện ra các chất gây hại cho con người, mà phụ thuộc hầu hết vào công bố kiểm nghiệm quốc tế nên không thể tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng khi sử dụng bất kỳ thực phẩm hay chất dinh dưỡng nào," chị Hải tâm sự.
Ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng? Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được nhắc đến không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi khi có vụ việc gì xảy ra thì đối tượng chịu thiệt vẫn chính là người tiêu dùng. Thực tế, người tiêu dùng luôn ở thế yếu trong các vụ kiện vì Việt Nam chưa có luật bảo vệ họ.
Hơn nữa, ở Việt Nam cũng chưa từng thấy có vụ kiện nào liên quan vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Chưa có doanh nghiệp gian dối nào bị đưa ra pháp luật, dù hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng đã rõ. Điều đó đủ thấy người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu nhiều thiệt thòi mà không biết kêu ai.
Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng nhưng việc bảo vệ người tiêu dùng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Thắng, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất chỉ quan tâm đến mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận. Vì lợi nhuận, họ có thể đưa những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, bất chấp quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
“Các chế tài xử phạt của Việt Nam vẫn còn nhẹ, quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn lỏng lẻo, chưa sát với thực tế khiến nhiều khi người tiêu dùng biết mình bị lừa dối, bị xâm hại mà không làm thế nào được”, ông Thắng nhận định.
"Ở nước ngoài, các cơ quan quản lý còn định ra các tiêu chuẩn và giao cho Hiệp hội người tiêu dùng tiến hành đánh giá chứng nhận. Doanh nghiệp nào đạt những tiêu chuẩn này sẽ được cấp chứng chỉ và mới được phép hoạt động kinh doanh. Đó là điều đầu tiên bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ. Còn ở Việt Nam, hoạt động mang tính chứng nhận, bắt buộc như vậy chưa thể làm được ngay”, ông Thắng nói thêm.
Ông Thắng còn cho biết khi người tiêu dùng kiện doanh nghiệp vì hàng hóa kém chất lượng, “người tiêu dùng không phải chứng minh; trách nhiệm chứng minh sản phẩm phải thuộc nhà sản xuất. Các nước còn có tòa riêng chuyên xử miễn phí và nhanh các khiếu kiện của người tiêu dùng". Do vậy, người tiêu dùng đang mong mỏi sớm có một hành lang pháp lý rõ ràng để giải quyết những vấn đề này./.
Tại Nhật Bản năm 1950, một cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối công ty Chisso - một công ty hóa chất lớn - đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ không qua xử lý, từ đó gây nhiễm độc cho cá, súc vật và người. Cuộc biểu tình của người tiêu dùng và sức ép của chính quyền đã buộc doanh nghiệp này phải bồi thường. Tại Mỹ năm 1996, hãng Nike nổi tiếng bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm sau khi hãng này bị phát hiện sử dụng lao động trẻ em. Còn tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp phải ra tòa vì hành vi gian dối, hoặc gây hại cho người tiêu dùng; các ban, hội bảo vệ người tiêu dùng hầu như không có tiếng nói đáng kể. |