Từ khi vụ thịt bẩn bị phanh phui, cơ quan thú y mới siết chặt lại quy trình cấp phép, chứng nhận kiểm dịch thông quan cho các lô hàng nhập về. Điều này đã dẫn đến tình trạng, hàng trăm container thịt đông lạnh nhập về cảng nằm “chết” gí. Thực tế này một lần nữa phản ánh tình trạng, cơ quan nhà nước luôn phải bất cập chạy “theo đuôi” thực tế.
Trưa ngày 13.8, giữa cái nắng như đổ lửa, theo chân chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt, chúng tôi thâm nhập vào được khu vực xếp container thịt đông lạnh nhập khẩu ở bãi B, cảng Cát Lái, TP.HCM. Vừa bước chân lên cầu cảng, chúng tôi đã nhìn thấy ngay container thịt đông lạnh, xếp chồng lên nhau cao như núi.
“Cháy nhà” ra “nghĩa địa” thịt đông lạnh
Hàng trăm container thịt đông lạnh tại cảng Cát Lái. Ảnh: Đặng Hoàng |
Tiếng máy nổ ình ình phát ra từ hệ thống làm lạnh của container như để chứng tỏ, trong “ruột” chúng đang còn đầy hàng. Chỉ tay vào dòng chữ ghi tên tuổi hãng tàu lớn như CSAV, MAERSK, WAN HAI, KMTC Line, MOL, NYKLOGISTICS… trên mỗi container, anh bạn đi cùng nói, số hàng này nhập chủ yếu từ Mỹ, Brazil về từ nhiều tuần nay, nhưng chưa thể làm thủ tục thông quan.
Qua kiểm tra, hàng còn kẹt lại tại đây khoảng 100 container, tương đương 2.500 tấn. Trong đó, nhiều lô hàng chưa có giấy phép nhập khẩu, hoặc chưa ghi đầy đủ thông tin nhà phân phối, nhà máy sản xuất từ nước ngoài nên cơ quan thú y không cấp phép thông quan.
Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu tiết lộ, theo quy định, doanh nghiệp phải có giấy phép mới được nhập khẩu thịt về bán. Tuy nhiên, trước đây do quy định còn lỏng lẻo nên doanh nghiệp vẫn có thể “hành xử” được theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” – nhiều trường hợp hàng về cảng doanh nghiệp mới lo “chạy” giấy phép, và vẫn được cơ quan thú y “du di” ký nhận. Nhưng nay, ông này nói, do phát hiện ra vụ thịt “bẩn” nên thú y dè dặt trong việc cấp phép, hơn nữa còn “siết” chặt các thủ tục nhập khẩu. Chính vì vậy mà doanh nghiệp cho dù gửi giấy đăng ký xin kiểm dịch thông quan từ nhiều tuần mà vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài việc “vướng” thủ tục giấy tờ, nhiều container thịt đông lạnh nhập khẩu sở dĩ nằm “chết” tại cảng còn do doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”. Từ hơn tháng nay, tiêu thụ thịt đông lạnh ảm đạm, giá giảm thê thảm. Theo tính toán, so với giá ký hợp đồng cách đây ba tháng, thì tại thời điểm này, cứ mỗi ký cánh hoặc đùi gà bán ra, doanh nghiệp bị lỗ 10.000đ.
Trong khi đó, hàng về cảng từ đầu tháng 8, đến nay vẫn chưa được thông quan, doanh nghiệp phải chịu thêm phí lưu cảng, phí quá hạn tàu trung bình mỗi ngày 150 USD/container. “Doanh nghiệp buộc phải bỏ hàng, chấp nhận mất tiền cọc 25%, nếu cố lấy thì tiền lời bán ra không đủ trả phí lưu cảng và lưu container cho hãng tàu”, giám đốc một doanh nghiệp cho hay.
Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện nay còn khoảng 100 container thịt lạnh khác đang trên đường về, sẽ cập cảng TP.HCM trong tháng 8 này. Trong số đó có những đại gia vừa bị phát hiện thịt “bẩn” sở hữu tới 50 container. Nếu thú y tiếp tục kiểm soát chặt, cộng thêm việc thực hiện quy định mới vừa ban hành về lô hàng phải giữ lại cảng chờ kết quả xét nghiệm, chắc chắn tình trạng kẹt hàng sẽ gia tăng.
Mất bò thì lo làm chuồng
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm Thú y vùng VI, đơn vị cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho thông quan thịt lạnh nhập về cảng TP.HCM cho biết, những lô hàng còn kẹt lại cảng Cát Lái do còn thiếu thủ tục, trường hợp hồ sơ hợp lệ thì vẫn cấp giấy để doanh nghiệp đưa hàng về kho. Còn ông Phạm Văn Đông, trưởng phòng kiểm dịch động vật nhập khẩu cục Thú y thì trả lời: “Chưa kiểm tra cụ thể số doanh nghiệp gửi đơn xin đăng ký kiểm dịch nên không biết lượng thịt còn kẹt lại cảng là bao nhiêu?”
Theo quy định vừa ban hành, thịt lạnh nhập về phải để tại cảng, chờ thú y lấy mẫu xét nghiệm, ra kết quả doanh nghiệp mới đưa về kho. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía cục Thú y nên Thú y vùng VI vẫn cho phép doanh nghiệp đưa về kho, sau đó mới lấy mẫu xét nghiệm. Do đó, theo ông Bình, hiện nay trung bình mỗi ngày đơn vị này vẫn làm thủ tục cho thông quan khoảng 250 – 300 tấn thịt lạnh nhập khẩu.
Ông Bình cũng cho rằng, việc siết chặt quản lý thịt nhập khẩu là cần thiết. Có trường hợp, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, doanh nghiệp đã tự ý bán hết, đến khi thú y phát hiện không đạt chất lượng thì chẳng còn nữa. Hay như có doanh nghiệp từng được “nợ” giấy phép nhập khẩu, nhưng đến hẹn cơ quan thú y hỏi thì không có trả.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp cũng phản ánh, cảng Cát Lái chỉ có bốn cán bộ thú y phụ trách lấy mẫu, trong khi có ngày hàng về tới 60 – 70 container. Nếu không cho doanh nghiệp đưa hàng về kho mà yêu cầu để lại cảng theo quy định vừa ban hành thì năng lực lấy mẫu, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan sẽ quá tải.
Ông Bình cũng thừa nhận tình trạng này, và cho hay, đang đề nghị bộ chấp thuận tuyển thêm nhân viên. Còn trước mắt, nếu giải quyết nhanh nhất thì cũng mất năm ngày mới cho ra kết quả xét nghiệm để cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm ngày đó, doanh nghiệp cho biết phải chi thêm 750 USD/container phí lưu cảng và tàu.
( Theo Hoàng Bảy // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com