Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những thủ đoạn “rút ruột” ngân sách

Mục tiêu quan trọng của ngành thuế Hà Nội trong năm 2009 là giám sát chặt chẽ nguồn thu, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Tuy nhiên, với nhiều thủ đoạn khác nhau, một số đối tượng đã tìm mọi cách để thu lợi bất chính từ lợi dụng chính sách thuế.

 Bên cạnh việc kê khai thuế gian lận, một số đối tượng còn thành lập DN "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Có DN "ma" ngang nhiên thuê luật sư khởi kiện cơ quan thuế vì không mua được hóa đơn. Những thủ đoạn này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan thuế khi thi hành nhiệm vụ.

 Người chết vẫn làm giám đốc?

Cục Thuế Hà Nội đang quản lý 195.825 đối tượng nộp thuế, trong đó có 71.668 DN và 122.410 hộ kinh doanh. Việc quản lý các đối tượng nộp thuế nhằm thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước (NSNN) của Cục Thuế đã gặp nhiều khó khăn, bởi tình trạng gian lận trong kê khai, nộp thuế vẫn phổ biến. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng chính sách thuế để kiếm lời bất chính. Một trong những hình thức gian lận là thành lập DN "ma" để mua bán bất hợp pháp hóa đơn GTGT. Quận Hoàng Mai, địa phương đang quản lý 4.996 DN đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến các DN "ma".

 Thủ đoạn của loại tội phạm này là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, thuê họ đứng tên giám đốc  DN "ma", rồi trả lương hằng tháng. Sau khi mua được hóa đơn, tội phạm lập tức bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Một trong những vụ việc nổi cộm là trường hợp Nguyễn Thị Bích Vân (trú tại 183 phố Bạch Mai) đã sử dụng dấu, chữ ký của ông Doãn Văn Đức (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đức Tiến) dù thời điểm đó ông Đức đã chết được 4 tháng. DN "ma" mang tên Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại HTT, do Hoàng Thị Thúy Hòa (trú tại 126 Vũ Trọng Phụng) đại diện, khi không mua được hóa đơn đã thuê Văn phòng Luật sư VIP (86 Tuệ Tĩnh) trợ giúp pháp lý, nhằm gây áp lực để Chi cục Thuế Hoàng Mai bán hóa đơn. Đến khi được cơ quan thuế giải thích, văn phòng luật này mới không thực hiện hợp đồng với công ty "ma" trên. Với trường hợp Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tăng Ngân (đăng ký địa chỉ phường Định Công, Hoàng Mai), sau khi xác minh DN này có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, chủ nhân đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, Chi cục Thuế quận Hoàng Mai đã gửi thông báo cho các cơ quan thuế, đề nghị không chấp nhận hóa đơn do DN "ma" này phát hành.

 Sau đó, tại huyện Đan Phượng, 2 Công ty Thành Vinh và Ngân Giang đã sử dụng 7 hóa đơn do Công ty Tăng Ngân "ma" phát hành, có tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Sau đó, Chi cục Thuế Đan Phượng lại nhận được công văn giả mạo của Chi cục Thuế Hoàng Mai xác nhận Công ty Tăng Ngân không có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp... Với những thủ đoạn nêu trên, không ít hóa đơn GTGT đã được các DN "ma" bán cho nhiều đối tượng khác nhau, sử dụng làm chứng từ kê khai thuế. Nếu không phát hiện kịp thời, những hóa đơn này sẽ trở thành chứng từ "sạch", giúp hợp thức hóa các khoản chi khống, phục vụ mục đích trốn thuế. Nghiêm trọng hơn, nó có thể trở thành chứng từ để "rút ruột" NSNN khi bị các đối tượng sử dụng xin hoàn thuế GTGT.

 Cần chú trọng khâu hậu kiểm

Để ngăn chặn những hành vi gian lận trong lĩnh vực thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp nhằm giám sát chặt chẽ nguồn thu. 6 tháng đầu năm nay, 95% DN trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện kê khai, quyết toán thuế. Cục Thuế đã chủ động triển khai quy trình thanh, kiểm tra thuế, tập trung vào các đơn vị nhiều năm chưa kiểm tra thuế tại trụ sở; những lĩnh vực có nguy cơ gian lận thuế cao. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế TP Hà Nội đã kiểm tra hồ sơ khai thuế của 142.462 lượt DN, phát hiện 1.867 lượt hồ sơ phải điều chỉnh, với số thuế điều chỉnh tăng 5,354 tỷ đồng. Qua kiểm tra tại trụ sở 512 DN, Cục thuế đã quyết định truy thu và phạt hành chính với số tiền 24,345 tỷ đồng. Chi cục Thuế quận Hoàng Mai đã áp dụng nhiều biện pháp như nhận dạng, phân loại, giám sát việc bán hóa đơn lần đầu cho DN; qua đó đã ngăn chặn gần 20 DN "ma" mua bán hóa đơn…

 Được biết, ngành thuế nói chung và cán bộ thuế nói riêng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc quản lý thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế những rủi ro; đồng thời giúp loại bỏ dần những tiêu cực. Nước ta đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN mới thành lập nhằm khuyến khích kinh tế phát triển; song nếu không chú trọng hậu kiểm, sẽ tạo ra những kẽ hở làm thất thu NSNN. Về lâu dài, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế các hành vi gian lận trong lĩnh vực thuế.

(Theo Khánh Ly // Hanoimoi Online)

  • 2.500 tấn thịt đông lạnh nằm “chết” tại cảng
  • 'Huyện thu hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay': Cấm và không đếm xỉa
  • Gian nan cuộc chiến với doanh nghiệp “ma”
  • Quyền lợi của người tiêu dùng còn đang chờ luật
  • Luật Khám bệnh, chữa bệnh hay Luật Hành nghề y?
  • Gia Lai xét xử vụ án trốn tiền sử dụng đất lớn nhất từ trước tới nay
  • Chống in sách lậu: Bắt khó, xử lý... nhẹ
  • Huyện thu hàng tỷ đồng bằng giấy viết tay
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%