Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng lậu vào cả siêu thị

Hàng nhập lậu, hàng giả tiếp tục được vận chuyển, tiêu thụ ngày càng nhiều, mặt hàng cũng đa dạng chủng loại như: cầu chì, lư hương, đá quý... Diễn biến trên ngày càng phức tạp ảnh hưởng lớn đến hàng sản xuất trong nước.

Ảnh: minh họa - Internet

Tình trạng này ngày càng tinh vi nhằm qua mắt các đơn vị quản lý, thêm vào đó nhiều văn bản luật hiện hành còn thiếu tính răn đe, thậm chí gây cản trở công tác kiểm tra, xử lý.

Cầu chì, lư hương... cũng nhập lậu

Đội quản lý thị trường 3A Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vừa kiểm tra kho hàng Tân Á (P.11, Q.6, TP.HCM), nơi chứa hàng của gần 40 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Qua kiểm tra đã phát hiện khoảng 3.000 sản phẩm gia dụng như: quạt hút gió, cầu chì, công tắc điện, simili nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ và hàng loạt các loại lư hương, chén bát vi phạm thông tin nhãn hàng hóa. Hầu hết lượng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chi cục QLTT TP.HCM cho biết các sản phẩm nhập lậu hiện nay ngày càng đa dạng với số lượng lớn ở đủ các mặt hàng. Trong đó, tình trạng buôn bán hàng tiêu dùng nhập lậu như: quần áo, vải, điện thoại di động, thiết bị điện, mắt kính, giày dép, rượu bia... có xu hướng ngày càng gia tăng.

Chỉ tính riêng tháng 7-2011, hàng nhập lậu tiếp tục bị phát hiện, thu giữ với số lượng lớn. Trong đó có trên 4 tấn dược liệu (nấm linh chi, đông trùng hạ thảo...), khoảng 165.000 khăn lông, gần 300kg bột ngọt, cùng hàng ngàn máy tính để bàn, laptop đã qua sử dụng, mỹ phẩm các loại nhập lậu.

Khảo sát tại các điểm bán đồ chơi trẻ em trên đường Trần Bình, Q.6, khu vực tập trung các đầu mối bán sỉ đồ chơi trẻ em nổi tiếng ở TP.HCM có xuất xứ từ nước ngoài, cho thấy hiện tượng các sản phẩm không dán tem hợp quy và không niêm yết giá vẫn phổ biến. Riêng trong bảy tháng đầu năm, QLTT đã kiểm tra, thu giữ trên 3.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu, trong đó có nhiều sản phẩm cấm do tính chất bạo lực.

Hàng nhập lậu, hàng giả không chỉ được bày bán tại các chợ vùng ven, bỏ sỉ đi các tỉnh mà còn ngang nhiên bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại thành phố như Maximark Cộng Hòa, trung tâm thương mại Lucky Plaza, trung tâm thương mại Sài Gòn Square.

Ông Đặng Văn Đức - chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM - cho biết không giống những năm trước, các chủ đầu nậu tổ chức đường dây buôn lậu rất bài bản. Hàng hóa nhập lậu được phân tán, chẻ nhỏ và thường xuyên thay đổi các điểm tập kết, giao hàng. Tinh vi hơn, nhiều đầu nậu tổ chức thăm dò, khảo sát thị trường tiêu thụ hàng hóa để khi hàng nhập về bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu chứ không để tồn kho. “Khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, các đầu nậu sẵn sàng bỏ của chạy lấy người do thiệt hại hàng hóa không lớn, không đủ định lượng để bị truy tố hình sự”, ông Đức cho hay.

“Cây gậy” chưa đủ mạnh

Mới đây, tại buổi tổng kết 10 năm công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng Ban chỉ đạo 127/TP - đánh giá tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn TP diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Trong khi đó, hiện các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, nhất quán, minh bạch. Đặc biệt, việc pháp luật còn nhiều kẽ hở, chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về mặt pháp lý, các quy định cụ thể về “dấu hiệu vi phạm” để truy cứu trách nhiệm hình sự chưa phù hợp điều kiện thực tiễn, thiếu khả thi.

Bà Hồng dẫn chứng việc luật thiếu thực tế gây ảnh hưởng đến công tác xử lý như tại điều 34, nghị định 128/2008/NĐ-CP về việc xác định giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm. Theo đó, việc định giá hàng vi phạm tính theo thông báo giá của cơ quan tài chính địa phương, tuy nhiên thực tế hiện nay thông báo định giá này không có giá cho tất cả các mặt hàng. Vì vậy, mỗi vụ kiểm tra đều phải làm công văn đề nghị cơ quan tài chính cử người định giá mất rất nhiều thời gian.

Ông Vũ Hồng Nam, trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM, cũng thừa nhận “cây gậy” luật pháp chưa đủ mạnh, còn chồng chéo, tạo khe hở để tội phạm vẫn còn đất sống. Nhiều vụ kiểm tra gặp những vướng mắc về luật khiến kết quả không được như mong muốn, thậm chí phải dừng điều tra.

(Theo Lê Sơn //  Tuổi Trẻ)

  • Cảnh báo nguy hiểm từ thực phẩm, nước uống NK của Đài Loan
  • Mỳ Tiến Vua: Vỏ ghi không Transfat, kiểm nghiệm lại có
  • Nới lỏng thuế đối với hoạt động cho thuê lại đất
  • BR -VT: Báo động vi phạm kinh doanh xăng dầu
  • “Cởi trói” cho ô tô tồn đọng tại cảng
  • Tháng 8 - 12/2011 thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân
  • Dự án xử lý chất thải rắn Đa Phước - TP HCM xin nhập rác : DN thiệt hại lớn
  • Chưa có quyết định truy thu thuế Honda Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%