Ngày 27/10/2009, UBND tỉnh Bình Phước công bố kết luận sau buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh cùng 120 người dân tại huyện Phước Long.
Buổi gặp với sự có mặt của đại diện Thanh tra Chính phủ, nhen hy vọng cho nhiều hộ dân nghèo trắng tay sau các cuộc cưỡng chế rầm rộ do tỉnh tổ chức, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Các già làng thôn Đắk U, xã Phú Nghĩa, huyện Phước Long tại rẫy điều còn lại - Ảnh: H.T.N |
Không lâu sau ngày đất nước thống nhất, hàng trăm lâm trường được thành lập trên khắp các tỉnh thành phía Nam với chức năng quản lý, bảo vệ và kinh doanh rừng.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý không hiệu quả khiến phần lớn diện tích thuộc các lâm trường, sau đó chuyển thành các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) bị tàn phá bằng đủ mọi cách.
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Bình Phước phải tổ chức nhiều đợt cưỡng chế rầm rộ để thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm lấn trái phép. Sau đó, phát sinh nhiều cuộc khiếu nại dai dẳng của nhiều thành phần mà trong số đó, ngoài những kẻ cơ hội “vừa phá vừa la”, nhiều trường hợp có dấu hiệu bị cưỡng chế oan sai.
Về vấn đề này, báo Tiền Phong đã đăng các bài “Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng” (ra ngày 27/10-2/11/2008) và “Thành tội phạm do mất đất trồng rừng” (ra ngày 25/11/2008) với quan điểm cần bảo vệ lợi ích chính đáng cho đồng bào bản địa.
Chúng tôi đã có nhiều chuyến đi thực tế, điều tra tại hàng chục buôn làng có đơn thư gửi đến Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, đồng thời gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các huyện Phước Long, Bù Đăng và tỉnh Bình Phước.
Công văn số 421 ngày 13/7/2009 do ông Phạm Công, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước ký gửi Tổng Biên tập báo Tiền Phong trả lời chất vấn của phóng viên, cho biết phần lớn đất đai tịch thu được đã chia cho các dự án kinh tế.
Cụ thể, trong 13.820 ha đất mà tỉnh thu hồi, chỉ có 1.950 ha cho chủ rừng trồng lại rừng; còn 9.532 ha giao cho các tổ chức kinh tế; 1.046 ha để bố trí đất ở và đất sản xuất cho đồng bào theo chương trình 134; 1.291 ha để cấp cho những đối tượng đã mất hết đất sản xuất, đời sống khó khăn sau khi bị cưỡng chế (!).
Tìm trong nguồn tài liệu lưu trữ tại những cơ quan liên quan như Thanh tra Nhà nước, Chi cục định canh định cư và Kinh tế mới, hỏi các cựu giám đốc lâm trường để tìm hiểu từ trước đến nay, khi quy hoạch lâm trường, nhà chức trách có chừa ra diện tích sở hữu truyền đời của các làng buôn, chúng tôi được biết: Những năm sau ngày giải phóng, các lâm trường hình thành đơn giản bằng chỉ thị, khoanh vẽ sơ sài chứ không hề định vị đo đếm chặt chẽ theo nguyên tắc quy hoạch, nên chu vi lâm trường bao trùm cả buôn sóc, và đôi bên cứ thế chung sống hòa bình suốt nhiều năm.
Chính vì thế, đồng bào các buôn sóc, trong đó có cả địa danh nổi tiếng như sóc Bom Bo từng đóng góp hy sinh cho cách mạng trong kháng chiến, suốt nhiều năm vẫn hồn nhiên nói theo cán bộ là rẫy mình nằm ở tiểu khu A, tiểu khu B, không ngờ có lúc cái gọi là tiểu khu ấy khiến họ bị xếp chung vào đội hình của những kẻ mua bán lấn chiếm trái phép đất rừng để trục lợi, như công văn 421 khẳng định: Tất cả các hộ dân bị cưỡng chế thu hồi mà báo đề cập đều sử dụng đất lâm nghiệp trái phép.
Những vô lý trong công tác quy hoạch không chỉ xảy ra từ 30 năm trước, mà đến nay vẫn tiếp diễn. Ví dụ gần đây một số khu kinh tế được thành lập, diện tích trùm luôn lên các BQLRPH.
Như vậy, có những khoảng đất bị chồng chất quyền sở hữu của ba chủ: đồng bào bản địa, BQLRPH, Khu KTQP. Thử hỏi, tránh sao khỏi phức tạp mỗi khi nảy sinh tranh chấp?
Mất hết rẫy rồi, khổ lắm!
Ông Điểu Nhâm sinh năm 1957, 14 tuổi đã tham gia cách mạng, phục vụ nhiều năm trong ngành công an. Từ năm 1986, Điểu Nhâm nghỉ chế độ, tự túc làm rẫy trồng điều cùng đồng bào buôn Bu Xốp, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng.
Phóng viên làm việc với đồng bào buôn Busar, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng - Ảnh: V.T |
Điểu Nhâm ba lần khăn gói ra Hà Nội, lần nào cũng được cán bộ văn phòng Chính phủ cấp văn bản hướng dẫn về hỏi huyện và tỉnh. Chạy xe máy 30km ra huyện Bù Đăng, 80km ra tỉnh Bình Phước gần hai chục lần, lần nào cũng nghe cán bộ huyện bảo huyện không có thẩm quyền trả lại đất, cán bộ tỉnh bảo việc này thuộc trách nhiệm của huyện.
Nhiều lần nhận đơn thư kêu cứu từ buôn Bu Xốp, phóng viên báo Tiền Phong tới tận nơi điều tra. Tại nhà Điểu Nhâm, rất đông đồng bào chờ sẵn, thiết tha mời nhà báo ra hiện trường xem những gốc điều bị ủi chỏng chơ to chật vòng tay người lớn để chứng minh không phải họ mới phá rừng trồng điều mấy năm gần đây.
Riêng một cụ già tóc bạc phơ ngồi ngoài thềm lặng im buồn bã. Đó là già làng Broi tuổi ngoài bảy mươi, từng được Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng Nhì và có một em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau khi đoàn cưỡng chế tràn qua, cán bộ xã bảo ông phải làm gương. Ông đành rút tên khỏi danh sách khiếu nại. Ông hỏi: Nhà báo xem việc họ buộc tôi phải đổi cả hai hécta điều sắp thu hoạch lấy ba sào đất và năm triệu đồng là đúng hay sai?
Nhiều hộ dân ở thôn 4 xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. Đất đai, nhà cửa của đồng bào thuộc sơ đồ tiểu khu 202 thuộc BQLRPH Đồng Nai, tiểu khu 144 thuộc BQLRPH Bom Bo, tiểu khu 269 thuộc BQLRPH Thống Nhất và Nông - Lâm trường Đồng Nai, đều bị giải tỏa trắng.
Ông Điểu Ơi ở thôn Đăk U xã Phú Nghĩa, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước có 6 ha đất trồng điều từ năm 1985 - 1987 trên những khoảnh rẫy luân canh, tạo nguồn sống cho 7 khẩu trong gia đình.
Tháng 5/2006, đoàn cưỡng chế gần 400 người ồ ạt kéo đến chặt sạch rẫy điều và dỡ bỏ hết nhà cửa của gia đình ông. Từ đó tới nay Điểu Ơi đi làm thuê, ngày nào được thuê mới kiếm được 30 - 60 nghìn đồng tiền công nên cả nhà quanh năm túng bấn.
Điểu Chắc cũng có 5 ha trồng điều từ năm 1995 đến năm 1999, bị thu hết 2,3 ha. Diện tích điều còn lại năng suất kém, mùa này hái phơi xong chỉ được 2 tạ hạt, chẳng biết xoay xở cách nào để gia đình đủ sống tới mùa sau.
Hàng trăm hecta nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc Stiêng ở thôn Bù Gia Phúc, thôn Đăk U xã Phú Nghĩa, và thôn Bù Ka, thôn 4 xã Đăk Ơ huyện Phước Long, cùng chung số phận, khi chính quyền địa phương cho rằng nguồn gốc những nương rẫy này đều là đất thuộc diện bị cưỡng chế.
“Trước đây nhờ trồng điều mà bà con có cái ăn cái mặc. Giờ thì nhà không có mà ở, cái ăn cũng chẳng còn!”, già làng Điểu Giấp thôn 4 buồn bã than.
Mất nguồn sống, đồng bào quay lại tái chiếm phần đất vừa bị thu nên tiếp tục bị tái cưỡng chế, nhà cửa bị đập phá, dỡ bỏ mấy lần, đành chấp nhận trở thành kẻ làm thuê ngay trên những khoảnh rẫy cũ.
Chủ mới thành phần đa dạng, là cá nhân hoặc tập thể, là những đơn vị chức năng chính vốn không phải là quản lý bảo vệ rừng, như Phòng Dân tộc Tôn giáo, Phòng Kinh tế, Trung tâm khuyến nông, Hạt Kiểm lâm, Huyện đội, Công an...
Chủ mới thuê dân nghèo trồng điều, trồng cao su trên những lô cao su và điều vừa bị ủi trắng. Có kẻ chạy sao đó mà được chia đất, rồi lòng vòng bán đất cho những khổ chủ vừa bị cưỡng chế thu hồi!
(Theo Tiền Phong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com