Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ án nông trường Sông Hậu: Bàn cân lý - tìn

Những người nông dân đã cùng những người anh hùng xây dựng nên một “huyền thoại” - biến đất hoang hóa thành một vùng bờ xôi ruộng mật
Những người nông dân đã cùng những người anh hùng xây dựng nên một “huyền thoại” - biến đất hoang hóa thành một vùng bờ xôi ruộng mật

Vụ án giám đốc nông trường Sông Hậu “lập quỹ trái phép” đã và đang được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử. Tuy nhiên, câu chuyện lý – tình của vụ việc này còn nhiều điều suy ngẫm.

Với quan điểm riêng của người viết, tôi tin rằng câu chuyện “lập quỹ trái phép” rất cần có cái nhìn khách quan, tỉnh táo và hơn hết là phải có tình có lý.

Hệ quả của lịch sử

Sau 28 năm hoạt động, Sohafarm đã cải tạo và xây dựng 7.000 ha đất hoang hóa thành một "đô thị nông thôn" có hệ thống hạ tầng cơ sở khang trang, đứng đầu hệ thống hơn 460 nông trường quốc doanh cả nước, hai lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cá nhân hai giám đốc đều được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nữ giám đốc đương nhiệm Trần Ngọc Sương từng xuất sắc vượt qua hàng chục nữ doanh nhân các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để đoạt danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng nhất Châu Á - Thái Bình Dương năm 2002”. Điều này khẳng định công lao của những con người làm nên Nông Trường Sông Hậu, đặc biệt là Anh hùng Lao động Trần Văn Hoằng và Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương.

Có lẽ với nhiều người, 28 năm là thời gian quá ngắn cho “đời sống” của một nông trường nhưng 28 năm là thời gian quá dài cho một đời người – đặc biệt là đời người phụ nữ. Hơn thế, những năm 80 của thế kỷ trước, việc lập quỹ để nâng cao đời sống của người lao động được coi như “cách làm mới” và đây chính là cách làm của ông Ba Hoằng. Ngay trong chính bản án sơ thẩm cũng khẳng định, Quỹ trái phép ra đời từ ngày thành lập Nông trường, năm 1979, còn được gọi là quỹ đời sống, quỹ công đoàn tùy thời điểm.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nông trường có tổ chức trồng bạch đàn trên bờ mương, lề đường, mục đích xây dựng quỹ phúc lợi. Mười năm sau thu hoạch, chủ yếu đem vào xưởng mộc của Nông trường, còn cành và ngọn, công đoàn mới được tận dụng bán gây quỹ. Nguồn thu lớn nhất là kinh doanh đất. Trước năm 1994, dưới quyền giám đốc cũ, Nông trường dùng quỹ đời sống, theo cách gọi lúc đó, mua hai miếng đất, sau này bán được hơn 1,2 tỷ đồng nhập trở lại quỹ.

Cũng trước kia, Nông trường dùng hơn 191 triệu đồng vốn của Nông trường, mua hai mảnh đất khác, sau này bán được gần 1,6 tỷ, trả lại vốn Nông trường 200 triệu đồng, còn gần 1,4 tỷ đồng. Tổng cộng, từ bốn miếng đất, có hơn 2,6 tỷ đồng bỏ vào “quỹ trái phép”.

Nhưng bản án sơ thẩm đã không nêu được đã có bao nhiêu nông trường viên thoát nghèo, bao nhiêu con em nông trường đã được đi học từ nguồn quỹ ấy... Thậm chí, thực tế, chưa văn bản nào có trong hồ sơ vụ án, xác định được thiệt hại của Nông trường. Riêng về đất, so với diện tích được giao ban đầu, hiện nay Nông trường có nhiều hơn 70 ha. Qua xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm các nguồn lập quỹ, phần trái phép chưa rõ ràng, phần chi tiêu quỹ còn mập mờ hơn.

Những “người ngoài cuộc” nói gì ?

Có lẽ, những người hiểu nhất về quỹ này phải là cán bộ công nhân viên nông trường. Và cũng vì thế, mới đây, 323 hộ nông trường viên ở Nông trường Sông Hậu vừa ký “đơn kiến nghị” gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND và lãnh đạo nhiều ngành của TP Cần Thơ, đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm xử tù nguyên cán bộ Nông trường. Trong đơn họ viết, họ ở nông trường từ 10 đến 30 năm, biết cán bộ Nông trường “lo cho nông dân, làm việc không có ngày chủ nhật” nhờ vậy “hơn 3.000 hộ nông dân lúc vào đây đều nghèo khó, nay đa phần có của ăn, của để, con cái được đi học”. Và vì thế họ mong muốn: “xem xét lại vụ án lập quỹ trái phép ở Nông trường Sông Hậu có tình có lý như cả chục vụ lập quỹ trái phép mà lãnh đạo Cần Thơ đã giải quyết xử lý hành chính”. Có lẽ những người nông dân này khó có thể hiểu rõ pháp luật và hiểu rõ thế nào là “lập quỹ trái phép” nhưng trong tâm họ, họ hiểu rằng, nguồn quỹ này đã đem lại cơ hội thoát nghèo, phát triển. Và họ cũng hiểu, “người đàn bà đơn độc” ấy không tư túi, bởi bà còn ai đâu mà tư túi....

Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng có công văn do Phó Chủ tịch Hoàng Thị Ái Nhiên ký cho biết “đang chỉ đạo Ban Chính sách - Pháp luật kiến nghị theo thẩm quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Sương”.

 Rồi độc giả Lê Quý Hiển (một nhà biên kịch, nhà báo...) trên vietnamnet đã có bài viết “Nghe nông dân “nói sau lưng” lãnh đạo Nông trường Sông Hậu, thật chân tình: “Nghe bà con “nói sau lưng” lãnh đạo nông trường với tất cả sự hãnh diện mà chúng tôi thầm “ghen” với bác Năm Hoằng, chị Ba Sương. Phần lớn nói sau lưng là nói xấu chớ mấy ai nói những lời có cánh. Lại nhớ cố tác giả Lưu Quang Vũ trong một vở kịch, ông cho rằng cõi âm có không thì không ai biết nhưng cõi nhớ thì có thật”.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, ngay cả với tội danh “lập quỹ trái phép” rõ ràng cũng có điều gì đó... không ổn. Phải khẳng định rằng bà Ba Sương không lập quỹ này và hơn nữa cái được gọi là “quỹ trái phép” này không phải lấy từ nguồn vốn nhà nước. Hơn nữa, quỹ này cũng không sử dụng với mục đích tư lợi, rõ ràng nguồn tiền của quỹ này đã được sử dụng để nâng cao chất lượng sống cho chính những người nông dân đã cùng những người anh hùng xây dựng nên một “huyền thoại” - biến đất hoang hóa thành một vùng phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật.

Vậy đấy, câu chuyện lý tình luôn khó lý giải nhưng rõ ràng ở Nông trường Sông Hậu, câu chuyện này lại khiến ta rưng rưng... và “cõi nhớ” là có thật - đó chính là những thành quả hôm nay ở nông trường Sông Hậu đang hiển hiện.
 

VCCI mời luật sư bào chữa cho Bà Ba Sương

Liên quan đến vụ việc của Bà Ba Sương, Nông trường Sông Hậu, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết đã quyết định thuê luật sư Bùi Quang Nhơn, luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ để bảo vệ cho Bà Ba Sương tại phiên toà phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 12/11 sắp tới tại Cần Thơ. Nông trường Sông Hậu, nơi Bà Ba Sương là giám đốc từ năm 2000, là DN hội viên của VCCI từ 1992 và bà Ba Sương từng là thành viên HĐQT của VCCI. Như vậy, bên cạnh hai luật sư Nguyễn Trường Thành và Nguyễn Đăng Trừng, luật sư Bùi Quang Nhơn là luật sư thứ ba tham gia bảo vệ quyền lợi cho riêng Bà Ba Sương tại phiên toà phúc thẩm vụ án Nông trường Sông Hậu.

LS Nguyễn Trường Thành : Không có căn cứ pháp lý vững chắc

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Trần Ngọc Sương từ giai đoạn điều tra, tôi cho rằng việc làm của Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là hết sức cần thiết, thể hiện đầy đủ trách nhiệm và tình người vì chị Ba Sương đã có những đóng góp nhất định khi chị là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN hai nhiệm kỳ và Ủy viên Hội đồng Quản trị VCCI hai khoá liên tiếp và trước đó, chị còn là đại biểu Quốc hội khóa IX.

Quan điểm của tôi trong vụ án này là “không có căn cứ pháp lý vững chắc để xác định chị Ba Sương phạm tội lập quỹ trái phép”; Bởi các lẽ: Thứ nhất, Quỹ này đã có từ trước khi chị Ba Sương làm giám đốc và thời điểm đó (1981) pháp luật cho phép thành lập quỹ này; Thứ hai, việc xác định có hay không hậu quả xảy ra, hậu quả gây thiệt hại cho ai, ngân sách nhà nước, tập thể người lao động, hay nông trường... chưa được làm rõ; Thứ ba, Nông trường Sông Hậu là một mô hình kinh tế đặc thù trong nông nghiệp vừa làm sản xuất kinh doanh, nhưng lại vừa làm công tác phúc lợi xã hội; do đó; những khoản thu chi không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước mà từ công sức lao động tập thể làm thêm, là những khoản thu-chi hợp pháp, hợp lệ.

Bà Sương nói gì về tội danh: “Lập quỹ trái phép” với vai trò chủ mưu

“Quỹ này không phải do chính tôi lập ra, mà đã có từ thời ba tôi còn làm giám đốc. Lúc bấy giờ Nghị định 25-CP cho phép sản xuất thêm theo kế hoạch 3, tức là làm ngoài kế hoạch sản xuất chính.

Cách làm của ba tôi vừa lo được cho dân nhưng vẫn có tiền cho đơn vị. Chẳng hạn ba tôi lên kế hoạch trồng 150 ngàn cây xoài, chia cho mỗi hộ dân 80 cây, sáu năm đầu nông trường không lấy gì hết. Sang năm thứ 7, bà con có nghĩa vụ nộp cho nông trường mỗi năm 5 ký xoài với giá chỉ 5.000 đồng/kg, có nghĩa là một cây chỉ thu 25 ngàn đồng/năm. Thông thường một cây xoài bắt đầu có trái từ năm thứ hai, từ 5 năm tuổi trở lên thì trị giá mỗi cây khoảng nửa triệu đồng và mỗi cây có vòng đời 20 năm. Như vậy thì chúng tôi thu cho Nhà nước 150.000 cây trong vòng 20 năm, có phải là 75 tỷ không? Nhưng mình thu dần dần, nghĩa là cả dân và Nhà nước cùng có lợi. Rồi các anh em cán bộ ở dưới khu vực mà ba tôi chia ra 8 khu sản xuất với 24 vùng, cho bà con bên ngoài đem máy cày, máy xúc, máy bơm để làm, công đoàn mới chia lại cho họ 30%, còn 70% sung vào quỹ. Mấy chục năm qua, chính quỹ này chi tiền cho cán bộ nhân viên bị đau ốm, chi cho việc xây dựng nhà tình thương, ăn trưa, tang ma, cưới hỏi... Rồi các hội đoàn, các cơ quan hành chính từ xã đến huyện, kể cả tỉnh yêu cầu giúp gì thì ba tôi đều xuất từ quỹ này, không thể xuất tiền của nông trường vì tài chính không cho phép.

Đến khi tôi nhận chức giám đốc năm 2000 thì quỹ đó do Công đoàn quản lý, giao cho kế toán trưởng là cô Hồng Nhung phụ trách, sau này cô là Phó giám đốc thì vẫn kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn.

Trường hợp cây bạch đàn là áp dụng phương cách nói trên. Tôi trồng cây bạch đàn, trồng chuối, cho người ta tận dung làm nấm rơm gốc bạch đàn. Vừa rồi chúng tôi bị kết tội lập quỹ trái phép là từ cây bạch đàn này.

Tôi ngạc nhiên khi bị kết tội lập quỹ trái phép, trong khi chẳng hề có một văn bản, cuộc họp, hay quyết định nào về việc thành lập quỹ do chính tôi ký”.                                                       

(theo vietnamnet)

(Theo Nguyễn Hương // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cái kết nào cho thương hiệu Jetstar?
  • Nghịch cảnh... thuế !
  • Phát hiện mứt, xí muội nhiễm chì vượt mức cho phép
  • 1001 chiêu lách luật 'ăn tiền' của đại lý sim thẻ
  • Xử lý vi phạm đất đai: “Sẽ không hô hào rồi để đấy”
  • Chiếc nồi đồng giá... 40 tỷ!
  • Bắt vụ chiết gas lậu quy mô lớn
  • Hàng không nội địa lo bị 'vạ' lây
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%