Đây là mức hỗ trợ được quy định tại Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông.
Nông dân nghèo đi tập huấn, đào tạo được hỗ trợ tiền ăn tối đa 70.000 đồng/ người/ngày học - Ảnh minh họa |
Cụ thể, Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế do ngân sách nhà nước cấp hàng năm để thực hiện hoạt động khuyến nông thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, dịch vụ trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ nông, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn.
11 nội dung chi hoạt động khuyến nông Trung ương
Thông tư liên tịch quy định 11 nội dung chi hoạt động khuyến nông Trung ương bao gồm: 1- Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo; 2- Chi thông tin tuyên truyền; 3- Chi xây dựng các mô hình trình diễn về khuyến nông; 4- Chi nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng; 5- Chi mua bản quyền tác giả, mua công nghệ mới gắn với chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 6- Biên soạn và in giáo trình, tài liệu mẫu để hướng dẫn, đào tạo, tư vấn khuyến nông. 7- Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước phục vụ hoạt động khuyến nông; 8- Chi tham quan, học tập trong nước, nước ngoài; 9- Mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động khuyến nông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 10- Chi quản lý chương trình dự án khuyến nông; 11- Chi khác phục vụ hoạt động khuyến nông (nếu có) cũng thuộc diện được hỗ trợ ngân sách.
Nông dân nghèo đi tập huấn được hỗ trợ tiền ăn tối đa 70.000 đồng/ngày
Về mức chi cụ thể tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo, Thông tư nêu rõ: Người nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá 70.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại tỉnh, thành phố; không quá 50.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn tại huyện, thị xã... Hỗ trợ tiền đi lại theo giá giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên...
Mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn ở địa bàn khó khăn, huyện nghèo được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu (bao gồm các loại phân bón, hóa chất, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản); ở địa bàn trung du miền núi, bãi ngang thì mức hỗ trợ là 100% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu; ở địa bàn đồng bằng mức hỗ trợ là 100% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện mô hình, nhưng không quá 200 triệu đồng/mô hình. Còn mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững được hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/mô hình.
(Theo Thu Nga // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com