Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lại chuyện “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Ngày 31-3-2009, hai công ty Hoa Kỳ là Hilex Poly Co. LLC và Superbag Corporation đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) kiện chống bán phá giá (AD) đối với túi đựng hàng hóa bán lẻ bằng sợi polythelene nhập khẩu từ VN và một số nước khác. Riêng đối với VN có 59 DN bị kiện và phải chịu đồng thời 2 vụ kiện là AD và chống trợ cấp (CVD).


Theo nhận định của các chuyên gia, vụ kiện lần này đối với hàng hóa VN không lớn về mặt kim ngạch xuất khẩu (7,2 tỷ túi, trị giá gần 90 triệu USD năm 2008) nhưng có tầm quan trọng đặc biệt vì đây là vụ kiện CVD đầu tiên của VN, có nguy cơ trở thành tiền lệ nguy hiểm cho các vụ kiện CVD trong tương lai nhằm vào các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của VN như dệt may, giày dép…


Thực tế cho thấy tại Mỹ trước thời điểm tháng 4-2007, Hoa Kỳ thực thi chính sách chỉ áp dụng biện pháp AD, không sử dụng CVD đối với hàng nhập khẩu từ các nước mà Hoa Kỳ cho rằng có nền kinh tế phi thị trường. Nhưng sau thời điểm này, dưới áp lực của các ngành công nghiệp nội địa Hoa Kỳ nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng nhập khẩu giá rẻ thì nước này đã thay đổi chính sách của mình và chính thức áp dụng biện pháp CVD.


Chỉ riêng Trung Quốc, chưa đầy 2 năm, các DN đã phải đối mặt với 14 vụ kiện CVD đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, bắt đầu từ mặt hàng giấy tráng cao cấp.


Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, đến nay đã có 37 vụ kiện về thương mại đối với hàng hóa VN, trong đó 31 vụ là kiện AD còn chủ yếu là kiện tự vệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết DN vẫn chưa quan tâm tới các vụ kiện cũng như việc theo kiện.


Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Trung Dũng, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng, một khi vụ kiện xảy ra thì khả năng để DN thắng cuộc là rất thấp. Cách tốt nhất cho DN là chủ động tham gia các bước của vụ kiện như trả lời câu hỏi điều tra; trình bày các lập luận của mình; tham gia phiên điều trần, quan trọng hơn cả là các DN phải chứng minh thông qua sổ sách, chứng từ nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.


Về phía các hiệp hội, một khi ngành hàng có mức tăng trưởng “nóng” và sản phẩm đó đã chiếm một tỷ trọng nhất định trong cán cân nhập khẩu của nước sở tại (chẳng hạn tại Hoa Kỳ, khi một sản phẩm nhập khẩu chiếm thị phần khoảng 3% thì nhiều khả năng họ sẽ kiện AD) thì cần có sự kiểm soát về giá, đồng thời tiến hành nhiều động thái khác như tránh tập trung xuất khẩu vào một thị trường mà phải “chia trứng ra nhiều giỏ” phòng khi bất trắc.


“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn đúng ở mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt hơn cả là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn đang tiếp diễn. 

 

THÚY HẢI // baosaigon

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%