Theo tờ trình của Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết nhất đang cản trở các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong thực tế thi hành các luật hiện nay; đảm bảo yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước; nhất quán, không chồng chéo về các quy định pháp luật liên quan; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng; phát huy được quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 52 điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất trong 8 luật và 1 Nghị quyết, trong đó đặc biệt quan tâm những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư.
Thẩm tra sơ bộ dự án, Ủy ban Kinh tế của quốc hội tán thành với việc cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết được tổng thể những vấn đề đang đặt ra.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Ủy viên Ủy ban thường vụ quốc hội tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, nhận định đây là lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật chuyên ngành khác nhau, với những nội dung phức tạp. Để có thể tiếp cận có hệ thống, tờ trình của Chính phủ nên trình bày rõ việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo nhóm vấn đề, tương ứng với từng khâu của công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
Mặt khác, phạm vi sửa đổi của Luật như vậy là quá rộng. Đầu tư xây dựng cơ bản rất phức tạp, liên quan đến công tác quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản thuộc về các chủ trương, quan điểm lớn.
Hiện nay, vấn đề bức xúc nhất là tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, hàng năm số vốn xây dựng cơ bản không giải ngân được phải chuyển sang năm sau rất lớn mà một trong những nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều vướng mắc, rườm rà.
Theo đó, trước mắt chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về quy trình, thủ tục, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản và 1 số quy định trong các luật Phòng cháy chữa cháy, Bảo vệ môi trường.
Mặc khác, vẫn phải đảm bảo yêu cầu quản lý, không nên để phạm vi quá rộng, thậm chí thay đổi cả đối tượng điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần có sự phân tích, tổng kết đánh giá cụ thể, rõ ràng, thuyết phục hơn những tác động, ảnh hưởng, trở ngại trong triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, cần làm rõ Luật có sửa cả những quy định có vướng mắc nhưng chưa bức thiết nhất không hay sẽ để sửa đổi, bổ sung trong từng luật riêng. Mặt khác, theo quy định, văn bản luật không sửa đổi, bổ sung nghị quyết.
Riêng về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, ông Trần Thế Vượng cũng đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, không nên vì đơn giản hơn thủ tục mà chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, dễ phát sinh nhiều vấn đề, dẫn đến những vi phạm, gây hậu quả khó lường./.
(TTXVN/Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com