Khai thác khoáng sản tại Nhà máy Apatit Lào Cai. Ảnh: Đức Thanh |
Việc ban hành Luật Thuế tài nguyên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh là nhằm thực hiện mục tiêu luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về thuế liên quan đến tài nguyên còn phù hợp, đồng thời khắc phục những hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách thuế tài nguyên hiện hành; tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; bảo vệ môi trường; góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước… “Các quy định trong Luật được thiết kế không quá kỹ thuật, phức tạp; rõ ràng, dễ thực hiện, dễ quản lý”, ông Ninh cho biết.
“Các mục tiêu đặt ra trong việc xây dựng Luật Thuế tài nguyên rất rõ ràng, nhưng với cách thiết kế như Dự thảo thì khó đạt được các mục tiêu đã đặt ra và dễ bị lợi dụng”, ông Chu Văn Đạt (đại biểu tỉnh Nam Định) nhận xét.
Theo Dự thảo Luật Thuế tài nguyên, đối với dự án đầu tư hoặc hợp đồng dầu, khí đã ký kết trước ngày 1/7/2010 mà trong giấy phép đầu tư hoặc hợp đồng dầu, khí có quy định việc nộp thuế tài nguyên thì thực hiện theo quy định tại giấy phép đầu tư hoặc hợp đồng dầu, khí đã ký.
Trong giai đoạn 2005-2008, mỗi năm thuế tài nguyên đóng góp vào ngân sách trên 23.200 tỷ đồng, trong đó, dầu khí chiếm 95,5% tổng số thu thuế tài nguyên. Vì vậy, theo ông Đạt, với quy định này, từ nay đến ngày 1/7/2010, các doanh nghiệp sẽ thực hiện ký kết các hợp đồng khai thác để được hưởng mức thuế suất thấp hơn mức thuế theo Luật Thuế tài nguyên (dầu thô nằm trong khung thuế suất 6-40%; khí thiên nhiên, khí than là 1-30%).
“Cần phải xem lại quy định này, nếu không ngân sách sẽ giảm thu đáng kể từ việc khai thác dầu thô và khí thiên nhiên”, ông Đạt nói.
Dự thảo Luật Thuế tài nguyên liệt kê cụ thể 7 nhóm tài nguyên phải chịu thuế gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, gồm các loại động vật, thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên, gồm các loại động vật, thực vật ở biển; nước thiên nhiên, gồm nước mặt và nước dưới đất. Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định thêm một “điều khoản quét” là: “Các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc 7 nhóm này cũng phải chịu thuế”
Đại biểu tỉnh Long An, ông Trần Minh Mẫn cho rằng, Luật Thuế tài nguyên không nên quy định “điều khoản quét” bởi như vậy sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện trong việc đặt ra các loại tài nguyên phải nộp thuế.
“Nếu vẫn để điều khoản này thì cần phải quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền bổ sung loại tài nguyên nào cần phải đánh thuế, cơ quan nào có thẩm quyền đưa ra mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên”, ông Mẫn nói.
Theo Dự thảo Luật Thuế tài nguyên, căn cứ tính thuế được xác định bằng sản lượng tài nguyên thực tế khai thác nhân với giá tính thuế và thuế suất. Theo ông Mẫn, quy định này rất khó áp dụng trong thực tế bởi giá tài nguyên trong nước phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường tài nguyên thế giới, trong khi thị trường tài nguyên thế giới biến động rất mạnh thì việc xác định giá tính thuế rất phức tạp và dễ bị lợi dụng.
“Để bảo đảm cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư khai thác, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách (số thuế từ thuế tài nguyên chiếm khoảng 15% tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý) cần áp dụng mức thuế suất tuyệt đối áp dụng đối với từng loại tài nguyên cụ thể và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để áp dụng trong từng thời kỳ tuỳ thuộc vào tình hình thực tế thay vì việc ban hành khung thuế suất như Dự thảo”, ông Mẫn đề xuất.
Theo ông Mẫn, việc áp thuế tuyệt đối rất dễ thực hiện vì cách tính thuế đơn giản (căn cứ tính thuế được xác định bằng sản lượng khai thác nhân với mức thuế cụ thể) do không phụ thuộc vào thị trường trong khi Nhà nước vẫn bảo đảm được mục tiêu tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, nếu không thể ban hành được mức thuế tuyệt đối thì cần phải xem xét lại khung thuế suất. Khung thuế như trong Dự thảo quá rộng sẽ khiến doanh nghiệp không yên tâm khi đầu tư vào khai thác tài nguyên bởi lo ngại Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh thuế suất cụ thể bất cứ lúc nào.
“Cần phải thu hẹp khung thuế suất theo hướng những loại tài nguyên nào không khuyến khích khai thác thì nâng thuế suất sàn, loại nào khuyến khích khai thác thì hạ thuế suất trần hoặc điều chỉnh cả thuế suất trần lẫn thuế suất sàn”, ông Đáng kiến nghị.
Theo Dự thảo, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép khai thác và giảm 50% thuế tài nguyên trong 5 năm tiếp theo. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Phạm Quý Tỵ cho rằng, với quy định này thì Luật Thuế tài nguyên không thể điều chỉnh được đối với hoạt động khai thác xa bờ (hải sản tự nhiên nằm trong khung thuế 1 - 5%; ngoài ngọc trai, bào ngư, hải sâm nằm trong khung thuế suất 6 - 10%).
“Để không phải đóng thuế, sau khi gần hết 5 năm được miễn thuế, người ta chỉ cần xin lại giấy phép mới là hoàn toàn lách được luật. Quy định miễn giảm cho đối tượng này sẽ dẫn đến tình trạng xin - cho và tạo ra sự không công bằng trong hoạt động khai thác hải sản”, ông Tỵ nói.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com