Nạn nhân Nguyễn Trung Đức (SN 1956, ngụ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), kể lại: “Ngày 8-6, Trần Thị Cảnh (ngụ thị xã Đồng Xoài) hỏi mượn tôi 230 triệu đồng để đáo hạn nợ vay ngân hàng, lấy lại “sổ đỏ” đã thế chấp cho Lê Thị Hòa (SN 1972, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Cảnh hứa sau 3 ngày, khi ngân hàng cho vay lại sẽ hoàn vốn lẫn lãi (3.000 đồng/1 triệu đồng vốn/ngày). Do quen Cảnh, tôi đồng ý”.
Bị lừa do cả tin
Sáng 9-6, Cảnh cùng ông Đức đến Ngân hàng NN-PTNT huyện Bù Đăng chi nhánh xã Bom Bo. Tại đây, Cảnh bảo Hòa ký giấy vay nợ ông Đức. Sau khi yêu cầu ông Đức đứng ở ngoài chờ, Cảnh và Hòa mang tiền vay của ông Đức vào ngân hàng. Khoảng 30 phút sau, cả hai đi ra và đưa cho ông Đức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên Điểu Ngọc chứ không phải của Lê Thị Hòa như đã giao ước.
Ông Đức đã bị Cảnh, Hòa lừa 230 triệu đồng
Đến hẹn trả nợ, Cảnh-Hòa lẩn tránh, ông Đức đến Ngân hàng NN-PTNT huyện Bù Đăng chi nhánh xã Bom Bo và được ông Phí Tuấn Anh, tổ trưởng tín dụng của chi nhánh, xác nhận: “Từ ngày 9 đến 20-6, tại chi nhánh Bom Bo không có bất cứ giao dịch nào với số tiền 230 triệu đồng”.
Cùng thủ đoạn, trước đó, Cảnh và Hòa đã lừa một số người ở thị xã Đồng Xoài với số tiền nhiều trăm triệu đồng. Thông qua Cảnh, ngày 17-3, ông Giang Văn Tới cho Hòa vay 200 triệu đồng rồi nhận lại 2 sổ đỏ mang tên Điểu Long. Đến hẹn, Cảnh và Hòa không trả nợ, ông Tới đến ngân hàng tìm hiểu và được biết mình bị lừa. Tương tự, bà Hoàng Thị Kim Phụng đã bị Cảnh, Hòa lừa 3 lần với hàng trăm triệu đồng.
Công an bắt, VKSND không phê chuẩn
Sau một thời gian lẩn trốn, ngày 18-7, biết chỉ có vợ ông Đức ở nhà, Hòa cùng 2 người khác đến giả làm người của một ngân hàng ở TPHCM, yêu cầu vợ ông Đức mang “sổ đỏ” tên Điểu Ngọc ra để Hòa thế chấp, vay tiền. Được vợ báo tin, ông Đức cùng nạn nhân khác báo công an địa phương đến bắt Hòa.
Hòa khai nhận đã cùng Cảnh dựng ra trò đáo hạn ngân hàng để lừa. Số tiền 230 triệu đồng lấy của ông Đức, Cảnh hưởng 50 triệu đồng. 200 triệu đồng “mượn” của ông Tới, Cảnh lấy 30 triệu đồng. Tổng cộng, Hòa vay của bà Phụng 550 triệu đồng, cảnh nhận 119 triệu đồng. Sau khi bắt khẩn cấp Lê Thị Hòa và lấy lời khai, Công an huyện Đồng Phú bắt Cảnh.
Tuy nhiên, VKSND huyện Đồng Phú không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp Cảnh, Hòa. VKSND cho rằng: Việc bàn bạc giữa Cảnh, Hòa xảy ra tại thị xã Đồng Xoài; việc ký hợp đồng vay mượn tiền xảy ra tại xã Bom Bo (huyện Bù Đăng), do vậy cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Cảnh, Hòa là không có căn cứ nên VKSND huyện không phê chuẩn. Đó là lý do Công an huyện Đồng Phú buộc phải thả Cảnh, Hòa.
Công an huyện Đồng Phú bắt khẩn cấp Cảnh, Hòa là đúng Luật sư Nguyễn Định Tường, Trưởng Văn phòng Luật sư Định Tường (DTL), nhận định: Công an huyện Đồng Phú bắt khẩn cấp Cảnh, Hòa để ngăn chặn tiếp tục hành vi phạm tội, gây nguy hại cho xã hội là đúng. Bởi CQĐT có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm, việc điều tra thuộc thẩm quyền của CQĐT nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt... VKSND huyện Đồng Phú không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp Cảnh, Hòa để phục vụ điều tra theo lãnh thổ khi xác định nơi xảy ra tội phạm là sai quy định của pháp luật, bỏ lọt tội phạm. Đúng ra VKSND phê chuẩn tạm thời lệnh bắt khẩn cấp theo đề nghị của Công an huyện Đồng Phú (nơi phát hiện tội phạm), sau đó ra thông báo cho công an thực hiện theo điều 116 Bộ Luật Tố tụng hình sự và VKSND phải ra quyết định chuyển vụ án cho CQĐT nơi xảy ra tội phạm để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phục vụ điều tra vụ án. |
(Theo Bài và ảnh: TÂN TIẾN/NLĐO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com