Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật Quảng cáo: Vẫn chưa “mở” đối với báo chí

Quảng cáo hiện đang là "nguồn sống" của không ít các cơ quan báo chí. Ảnh minh hoạ

Luật Quảng cáo cần “nới” rộng hơn trong các quy định về diện tích cũng như thời lượng được phép quảng cáo.

Ý kiến trên đã được đông đảo các đại biểu chia sẻ tại toạ đàm lấy ý kiến cho dự thảo Luật Quảng cáo và dự thảo báo cáo tác động pháp luật của Luật Quảng cáo, do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội.

“Cửa” vẫn hẹp

Phát biểu dẫn đề ông Trần Minh Chính, Phó cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cho biết: theo thống kê của Công ty NTS Việt Nam, năm 2008 cả nước đã có trên 7.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Những năm gần đây doanh thu từ hoạt động quảng cáo liên tục tăng, riêng năm 2008, con số này là 500 triệu USD.

Tuy nhiên, những quy định về hoạt động quảng cáo hiện đang nằm dải rác tại các văn bản như Luật Xuất bản, Luật Thương mại, Luật Báo chí… và đã bọc lộ nhiều bất cập. Do vậy, khi ra đời Luật Quảng cáo sẽ đưa hoạt động này phát triển theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.

Với 5 chương và 50 điều dự thảo luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào cuối tháng 5/2009, sau đó sẽ trình Chính phủ. Dự kiến Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2010.

Theo đó, tuy có thêm nhiều điểm mới nhưng về cơ bản dự thảo lần này vẫn tiếp tục kế thừa những quy định về khống chế thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình, diện tích quảng cáo trên báo in như trong Pháp lệnh Quảng cáo.

Cụ thể: các quảng cáo trên báo in không được vượt quá 10% diện tích, đối với tạp chí thì không cao quá 20% diện tích trừ các báo, tạp chí chuyên quảng cáo. Cơ quan báo có nhu cầu quảng cáo cao hơn phải xin phép ra phụ trương quảng cáo.

Đối với quảng cáo trên báo điện tử cũng không được vượt quá 10% diện tích (trừ chuyên trang). Diện tích quảng cáo chỉ được đặt ở bên trái hoặc bên phải khuôn hình và không được vượt quá 10% khuôn hình các chuyên trang của báo.

Các đài phát thanh và truyền hình thời gian quảng cáo chỉ được chiếm 5% tổng thời lượng chương trình của một ngày phát sóng trừ hệ, kênh, chương trình chuyên quảng cáo…

Theo ông Đồng Quang Tiến, Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, báo in đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, không ít cơ quan báo chí đang tồn tại nhưng “lay lắt”. Các quy định về khống chế đối với diện tích và thời lượng quảng cáo như trên vừa không theo kịp thực tế vừa kìm hãm sự phát triển của báo chí nói chung.

Bên cạnh đó, việc quy định quảng cáo trên báo điện tử chỉ được đặt bên trái hoặc bên phải khuôn hình báo, không vượt quá 10% khuôn hình các trang báo cũng khó khả thi vì mỗi báo điện tử lại có một giao diện khác nhau. Hơn nữa, đối với các cơ quan này quảng cáo là nguồn thu chủ yếu.

Ngoài ra, việc phải xin phép khi ra thêm phụ trương cũng dễ làm phát sinh tiêu cực. Theo kiến nghị của đại biểu này, do đã có quy định về việc phải ra phụ trương thì cứ để các cơ quan tự áp dụng nếu vi phạm sẽ xử phạt. 

Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Thành Lương, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: so với Pháp lệnh Quảng cáo  thì dự thảo Luật Quảng cáo lần này chưa có nhiều cải biến và chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Lương phân tích: trong khi hầu hết các cơ quan báo chí đều phải tự hạch toán thu, chi việc thắt chặt quảng cáo sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của báo chí. Nếu không có nguồn thu từ quảng cáo không thể có kinh phí để đầu tư xây dựng và cải tiến chương trình cũng như mua bản quyền của các chương trình phát sóng. Điều này một phần cũng xuất phát từ nhìn nhận của không ít người vẫn coi quảng cáo là có “vấn đề”, chứ không coi đây là một ngành kinh tế, một ngành kinh tế không khói, kiếm ra rất nhiều tiền, nếu làm tốt.

Vừa thừa vừa thiếu

Trong dự thảo luật lần này cũng đã liệt kê rõ các hàng hoá, dịch vụ bị nghiêm cấm quảng cáo gồm: hàng hoá, dịch vụ bị cấm kinh doanh; thuốc lá; rượu cồn có nồng độ từ 30 độ trở lên; đánh bạc hoặc các trò chơi có thưởng dưới hình thức đánh bạc; các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú và vú giả dùng cho trẻ từ khi sinh đến 6 tháng tuổi; thuốc kê đơn; thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần theo quy định của pháp luật về y tế; một số hàng hoá, dịch vụ khác theo quy định của Chính phủ.

Theo ban soạn thảo, quy định này sẽ tạo được hành lang pháp luật rõ ràng giúp cho các đối tượng tham gia hoạt động quảng cáo hiểu rõ hơn những nội dung được phép và không được phép, giúp hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp.

Tuy nhiên theo ý kiến của đại biểu Phạm Bá Dương, phụ trách quảng cáo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, quy định như trên vừa thừa vừa thiếu. Trên thực tế chỉ cần quy định cấm quảng cáo đối với các hàng hoá dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật, vì có những hàng hoá, dịch vụ  tuỳ theo những điều kiện cụ thể có thể bị cấm hoặc không bị cấm nữa.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, đa số các quy định đều đã nhận được sự đồng tình như: quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; quảng cáo sai sự thực về chất lượng hàng hoá dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố; quảng cáo có sử dụng thuật ngữ so sánh cao nhất như “tốt nhất”, “số một”… nhưng riêng quy định cấm quảng cáo sử dụng hình ảnh quốc kỳ, giai điệu quốc ca, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh thì vẫn còn một vài ý kiến.

Theo một  số đại biểu, quy định như trên là hơi chặt chẽ đối với một số quảng cáo có tính quảng bá cho hình ảnh đất nước, tôn vinh hình ảnh, con người Việt Nam.

Nhưng theo ý kiến của ông Hà Văn Tăng, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trong quy định đã nêu rõ quảng cáo trên thực tế bao gồm cả việc giới thiệu về các hàng hoá dịch vụ có sinh lời và cả những dịch vụ không sinh lời. Vì vậy, việc quy định như trên chủ yếu nhằm mục đích phòng ngừa những hành vi lợi dụng hình thức quảng cáo để thực hiện những ý đồ xấu về chính trị.

Cá nhân ông cũng cho rằng, cơ sở để xây dựng luật chính là thực tiễn cuộc sống. Do đó, để bắt kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, các quy định về diện tích, thời lượng phát quảng cáo cần phải có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, mức độ “nới” như thế nào còn là vấn đề phải tiếp tục bàn để có được những con số hợp lý.

(Theo THÚY NHUNG // Vneconomy)

  • Hà Nội: Nhiều cơ sở sử dụng hóa chất vi phạm vệ sinh môi trường
  • Một mặt bằng hàng ngàn tỷ đồng lãng phí nhiều năm
  • Bắt khẩn cấp sinh viên lừa đảo bán hàng qua mạng
  • Cảnh giác với 3 loại thuốc giả đang lưu hành
  • Ðình chỉ tạm thời bốn đơn vị tư vấn định giá
  • Kinh hoàng với rượu không rõ nguồn gốc
  • Xử lý hàng thời trang giả
  • Bốn nội dung mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%