Hợp đồng bán 3.000 tấn thép của SSG với doanh nghiệp Hoàng Sơn và hóa đơn
GTGT của Công ty Bảo Trân xuất bán 1.000 tấn thép cho Công ty Hà Việt
Lòng vòng
Trước phản ứng quyết liệt của nhiều CB-CNV SSG, ngày 17-12-2008, tổng giám đốc Seaprodex đã ký quyết định thành lập tổ kiểm tra do ông Nguyễn Khắc Tâm, Trưởng Ban Thanh tra Seaprodex, làm tổ trưởng để kiểm tra những sai phạm của ông Mẫn theo đơn tố cáo. Đến ngày 14-4-2009, kết quả kiểm tra tại SSG đã được báo cáo lên lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Seaprodex. Tuy nhiên, ngoài những kết luận sai phạm khác của ông Mẫn, về hai thương vụ béo bở trên đoàn kiểm tra cho rằng “do điều kiện và thẩm quyền có hạn nên vẫn chưa làm rõ được” và kiến nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền cao hơn để làm rõ.
Đến ngày 20-5-2009, Chủ tịch HĐQT Seaprodex Võ Phước Hòa lại ký kết luận kiểm tra những sai phạm của ông Mẫn để báo cáo bộ trưởng và chánh thanh tra Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, nội dung cũng không có gì mới so với kết quả của tổ kiểm tra trước đó. Đồng thời trong kết luận, ông Hòa đề nghị thanh tra Bộ NN-PTNT kiểm tra, xác minh những nội dung mà Seaprodex không có khả năng, điều kiện để làm rõ.
Điều bất ngờ là sau kiến nghị của Seaprodex, thay vì thành lập đoàn thanh tra để làm rõ những vấn đề mà tổng công ty này chưa làm rõ, ngược lại, ngày 2-6-2009, ông Phạm Văn Hiền, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, lại ký văn bản yêu cầu Seaprodex tiếp tục... thành lập đoàn thanh tra để xử lý (!?).
Mới đây, ngày 30-9, đoàn thanh tra của Seaprodex lại có kết luận mới về sai phạm của ông Mẫn. Tất nhiên, kết luận này vẫn trở lại điệp khúc “đoàn thanh tra không có điều kiện thanh tra, xác minh...” việc ông Mẫn lập công ty “gia đình” để trục lợi trên vốn Nhà nước và bỏ túi hàng tỉ đồng trong thương vụ mua bán CP Eximbank (!?). Trong kết luận, ông Hòa lại tiếp tục kiến nghị Thanh tra Bộ NN-PTNT vào cuộc.
Bao che?
Trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi được cung cấp nhiều chứng cứ cho thấy có dấu hiệu ông Mẫn đã đạo diễn thương vụ mua bán 3.000 tấn thép của SSG, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thu lợi bất chính chứ không đơn thuần dừng ở mức chỉ “gây rủi ro và thiệt hại cho SSG” như trong các kết luận thanh tra của Seaprodex.
Cụ thể, ngày 25-9, trong đơn khiếu nại kết luận thanh tra của đoàn thanh tra Seaprodex gởi bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ giao nhận hàng của SSG, khẳng định công ty này bán 3.000 tấn thép cho Công ty Cổ phần XNK Hà Việt (đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành, quận 12-TPHCM) để thu lợi hàng tỉ đồng. Sau đó, hàng được hợp thức hóa bằng những hóa đơn, hợp đồng rất vô lý. “Tôi là người thừa lệnh trực tiếp giao hàng, vì thế tôi xin chịu trách nhiệm về điều khẳng định”- ông Tuấn nêu rõ.
Từ lá đơn của ông Tuấn, chúng tôi lật lại các hóa đơn, hợp đồng mua bán lô hàng 3.000 tấn thép giữa SSG với các đối tác và nhận thấy có nhiều điều trùng khớp với những gì ông Tuấn khiếu nại. Cụ thể, ngày 19-2-2008, Công ty Bảo Trân (phường 25, quận Bình Thạnh) có xuất hóa đơn GTGT bán 1.000 tấn thép cho Công ty Hà Việt với giá 12,57 tỉ đồng. Đến ngày 30-5-2008 và 5-6-2008, Công ty Bảo Trân (lúc này lại lấy địa chỉ tại thị trấn Bến Lức - Long An, cũng do ông Đỗ Xuân Tùng, em vợ ông Mẫn, làm giám đốc và dùng chung mã số thuế với Công ty Bảo Trân ở Bình Thạnh) tiếp tục xuất 2 hóa đơn GTGT bán 2.000 tấn thép cho Công ty Hà Việt với giá 12,57 tỉ đồng/1.000 tấn. Điều khó hiểu là từ tháng 2-2008, lô hàng trên đã được Công ty Bảo Trân xuất hóa đơn bán cho Công ty Hà Việt, trong khi hợp đồng mua bán 3.000 tấn thép giữa SSG với doanh nghiệp Hoàng Sơn đến ngày 19-3-2008 mới được ký kết và 3.000 tấn thép mua bán giữa SSG với doanh nghiệp Hoàng Sơn và giữa Công ty Bảo Trân với Công ty Hà Việt đều cùng chủng loại, số lượng, kích cỡ!?
Từ những chứng cứ trên, nội dung đơn, thư của nhiều CB-CNV SSG cho rằng thực chất toàn bộ lô hàng 3.000 tấn thép đã được SSG giao trực tiếp cho Công ty Hà Việt -khách hàng của Công ty Bảo Trân. Các công đoạn ở giữa chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa chứng từ, song không hiểu vì sao đoàn thanh tra của Seaprodex không làm rõ được?!
Trong thương vụ mua bán 250 CP của Eximbank, một chứng cứ quan trọng cũng không được đoàn thanh tra chú ý làm rõ. Cụ thể, trong ủy nhiệm chi do Eximbank cung cấp, có xác định giá CP Eximbank chuyển nhượng trong ngày 19-1-2006 là 4 triệu đồng/CP. Trong khi trước đó 2 ngày, tức ngày 17-1-2006, ông Mẫn tự ý bán 250 CP Eximbank của SSG và báo cáo giá bán chỉ 1 triệu đồng/CP. Trong đơn tố cáo gởi cơ quan chức năng, CB-CNV SSG cho rằng qua thương vụ này ông Mẫn đã bỏ túi riêng hàng trăm triệu đồng.
Rất tiếc, những vấn đề trên đã không được Seaprodex làm sáng tỏ qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra. Cùng với việc đùn đẩy trong kiểm tra, xử lý giữa thanh tra Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Seaprodex, dư luận cho rằng phải chăng có sự bao che đối với những sai phạm của ông Mẫn, hoặc muốn kéo dài thời gian để mọi việc chìm xuồng?!
Yêu cầu Bộ NN-PTNT xử lý Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại SSG, cuối tháng 6-2009, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã ký văn bản yêu cầu Bộ NN-PTNT xử lý. Công văn nêu rõ: Sau khi nắm tình hình vụ việc và nghiên cứu một số tài liệu liên quan, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiểm tra làm rõ những nội dung tố cáo, có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến văn phòng. |
(Theo Quốc Hy // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com