Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe tải, xe container có đặc thù so với những ngành khác là không phải lúc nào chủ DN vận tải cũng có thể theo sát để quản lý tài sản của mình. Khi giao xe và hàng hóa cho người tài xế và phụ xe, trên suốt hành trình có khi kéo dài cả tuần lễ có biết bao chuyện có thể xảy ra khiến các chủ DN như ngồi trên đống lửa.
Từ việc rút dầu
Theo phản ánh của nhiều DN vận tải, ở vào thời điểm này hoạt động vận tải đường dài chủ yếu là cầm chừng vì chi phí bỏ ra quá lớn. Chỉ tính riêng tiền dầu, nhớt đã chiếm gần một nửa giá trị cước vận chuyển. Đó là chưa kể chi phí cầu đường, bến bãi, mãi lộ, chi phí thay vỏ, lốp, hao mòn... chiếm khoảng 20%, tài xế 10%, 20% còn lại thuộc về chủ xe nhưng lại phải lo thêm bao khoản phí phụ khác.
Thế nhưng, nhiều tài xế còn tìm đủ mọi cách để “moi” tiền chủ xe. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này cũng chính vì thực trạng thiếu tài xế bằng lái FC để lái xe hạng nặng. TP HCM hiện có khoảng 9.000 đầu xe container, số tài xế có bằng FC chỉ bằng 85 - 90% số đầu xe hiện có trong khi nhiều người đã chuyển đổi loại xe, chuyển nghề, bị thu bằng... càng làm cho nhiều DN khó khăn cho việc tìm kiếm tài xế container. Với mức thu nhập của tài xế xe container hiện nay trung bình khoảng 10 triệu/tháng, lẽ ra họ có thể sống khỏe song với nhiều tài xế khoản thu nhập này... chưa đáng kể.
Thực tế đó, buộc tài xế phải tìm cách “bòn rút” mà điều đầu tiên họ nghĩ tới là việc hút trộm dầu của xe bán cho các đầu nậu ven đường, hoặc các đại lý xăng dầu. Theo ông Nguyễn Minh Châu, chủ DN xăng dầu Tân Vạn, cách nhẹ nhàng nhất là lái xe câu kết với nhân viên cây xăng để bán phiếu, hoặc ghi thêm số lít mỗi lần đổ dầu. Thường thì để tiện giao dịch, các DN vận tải thường cấp phiếu đổ dầu, hoặc đổ nợ tại những đại lý xăng dầu. Có phiếu dầu trong tay, tài xế thường đổ ít hơn so với số dầu được cấp mà ít bị phát hiện vì chỉ có tài xế và nhân viên cây xăng biết.
Cũng theo ông Châu, nhiều tài xế còn có cách ăn trộm tinh vi hơn, đó là rút dầu từ đường dầu hồi. Cấu tạo của đầu máy bao giờ cũng có hai đường dầu đi và dầu về. Đường dầu về được bơm cao áp bơm vào các béc. Nhưng những béc này không bao giờ đốt cháy hết nhiên liệu vì thế luôn có lượng dầu dư trong các béc, dòng dầu này sẽ theo đường dẫn chảy vào béc cuối cùng, chỉ cần nhấc dây dẫn ra xả vào can thì từ 5 - 10 phút cũng được khoảng 20 lít dầu hồi. Hiện tượng này phổ biến đến mức định mức dầu phổ biến hiện nay đạt mức 50 lít/100 km chứ không còn là 40 lít/100 km như trước đây.
Đến việc tráo đồ, rút ruột xe hàng
Theo khảo sát của chúng tôi, dọc trên tuyến xa lộ Hà Nội, nhất là đoạn từ Suối Tiên tới Ngã ba Tân Vạn, QL51, xa lộ Đại Hàn... Và nhiều khu vực khác ở vùng ven TP HCM, các tiệm sửa xe, vá vỏ ôtô mọc lên như nấm. Chỉ cần tài xế táp xe vô là nhận được những lời mời đổi mâm, vỏ từ chính những người hành nghề vá lốp.
Anh Chín, tài xế xe container của một DN vận tải cho biết, giá một chiếc lốp nội mới khoảng 9 triệu đồng, lốp ngoại thì khoảng 13 - 14 triệu đồng. Nhiều chủ xe quản lý không chặt sẽ dễ dàng bị lái xe qua mặt vì chỉ cần đổi một cặp lốp là tài xế dễ dàng bỏ túi vài triệu. Ngay cả tới mâm xe cũng rất có giá, nếu là mâm nhôm cũ cũng có giá từ 2- 3 triệu đồng, nên nhiều tài xế sẵn sàng móc nối với chủ tiệm tráo mâm cũ để ăn tiền chênh lệch.
Luật sư Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM: Dù tài xế ăn cắp dầu nhớt, hoặc hàng hóa của chủ xe có giá trị dưới 2 triệu đồng mỗi lần, nhưng nếu vi phạm nhiều lần thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Cũng theo anh Chín, tài xế chỉ dè chừng hai bánh trước nên việc đổi vỏ bánh trước hiếm xảy ra. Nhưng với bánh sau, mỗi xe container có tới 18 chiếc vỏ, nếu có tráo một, hai chiếc vỏ cũ cũng không hề hấn.
Không chỉ có tráo đồ, nhiều tài xế còn trắng trợn hơn khi rút ruột hàng hóa của chủ hàng. Với những loại hàng rời như: sắt, thép... Chỉ cần rút một vài cây bán cho những vựa phế liệu mọc lên san sát trên những tuyến quốc lộ là tài xế có thể bỏ túi số tiền kha khá. Loại hàng được nhiều bác tài “chuộng” nhất là cám bắp. Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Cty TNHH Nông sản Thực phảm Vinh Phú cho biết, dù Cty cử người đi giám sát theo xe hàng vẫn thỉnh thoảng bị mất.
Lý giải về việc các cửa hàng thu “hàng lậu” mọc lên nhiều trên những tuyến quốc lộ, ông Nguyễn Ngọc Lự, chủ một đội xe của HTX Vận tải số 9 chia sẻ: “Do chế tài xử phạt chưa thực sự nghiêm và minh bạch, tài xế bán hàng thì bị quy kết còn người thu mua thì không hề hấn gì”.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com