Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tịch thu tài sản người khác, dễ quá!

Xe tải chở hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên đường phải luôn mang theo hóa đơn chứng từ, nếu không có thể xem là hàng nhập lậu - Ảnh: Hồng Văn

Hàng hoá nhập khẩu trên đường vận chuyển mà không xuất trình được chứng từ ngay tại thời điểm kiểm tra đều bị quy là hàng nhập lậu và bị tịch thu. Quy định này liệu có quá cứng nhắc?

Thiếu chứng từ, mất oan!

Xuất phát từ TPHCM, sau một đêm lăn bánh vào lúc 4 giờ sáng Chủ nhật ngày 14-8-2011, chiếc xe bồn chở 20.000 lít dầu D.O của Công ty A đã đến tỉnh B. Tài xế vừa xuống xe thì ba nhân viên quản lý thị trường (QLTT) ập đến kiểm tra hàng hoá và yêu cầu xuất trình giấy tờ. Do không mang theo giấy tờ nên tài xế phải gọi về công ty cầu cứu.

“Tang vật” gồm chiếc xe bồn chứa 20.000 lít dầu D.O lập tức bị tạm giữ với lý do hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ. 14 giờ ngày hôm sau, 15-8-2011, Công ty A xuất trình hoá đơn GTGT của lô hàng trên. Tuy nhiên, lấy lý do xuất trình chậm nên cơ quan QLTT không chấp nhận và vài giờ sau đó cùng ngày đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế về hành vi mua bán hàng hoá nhập lậu.

Bốn ngày sau, 19-8-2011 Chi cục QLTT tỉnh B ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 15 triệu đồng đối với tài xế kèm theo hình thức phạt bổ sung tịch thu toàn bộ 20.000 lít dầu, trị giá 421 triệu đồng (theo hoá đơn xuất bán của Công ty A).

Tiếp đó, ngày 22-8-2011, Chi cục QLTT tỉnh B tự tiến hành bán luôn lô hàng nói trên để sung quỹ với giá 370 triệu đồng (thấp hơn giá ban đầu 51 triệu đồng). Đáng nói là theo hoá đơn bán tài sản do Chi cục QLTT tỉnh B lập, người mua lô hàng lại là tài xế vi phạm!

Chống gian, người ngay vạ lây!

Như vậy, chỉ vì một lý do đơn giản là chậm xuất trình chứng từ hoá đơn, lô hàng trị giá 421 triệu đồng của Công ty A đã bị tước mất quyền sở hữu. Ngoài những sai sót và thiếu minh bạch của cơ quan QLTT (như bỏ qua việc giám định lô hàng; vội vàng bán lô hàng mà không qua thủ tục đấu giá v.v…), vấn đề đáng nói lớn hơn nằm ở pháp luật hiện hành quy định về chứng từ vận chuyển hàng hoá nhập khẩu.

Cụ thể, theo Thông tư liên bộ 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA, hàng hoá nhập khẩu đang trên đường vận chuyển (kể cả để tại những kho, bến bãi, địa điểm không đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan chức năng) mà không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp của hàng hoá ngay tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra thì bị coi là hàng hoá nhập lậu. Ngoài việc phạt tiền, hàng bị coi là nhập lậu có thể bị tiêu huỷ, tịch thu (tuỳ loại)…

Nếu thực thi quy định trên, chắc chắn sẽ xảy ra những trường hợp mất oan tương tự như vụ việc nói trên. Tức là dù sở hữu hợp pháp của mình nhưng vì lý do nào đó không kèm theo chứng từ, hoá đơn trong quá trình vận chuyển vẫn thì bị tịch thu. Trong khi đó, thực tế cho thấy hoạt động của doanh nghiệp không bao giờ suôn sẻ và vì vậy có thể phát sinh rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan khiến cho chứng từ không thể đi kèm theo hàng hoá.

Ví dụ như ngay trong vụ việc vừa dẫn ra, Công ty A cho biết hoàn cảnh của họ như sau. Vào thứ Bảy, ngày 13-8-2011 xe chở dầu đi nhận hàng tại nơi thuê cất giữ là tổng kho xăng dầu Cát Lái, TPHCM. Ở đây, như thường  lệ ngoài xe của Công ty A còn có hàng trăm xe của các doanh nghiệp cũng đến nhận xăng dầu nên ai cũng phải xếp hàng chờ đến lượt. Khi xe Công ty A nhận được hàng thì trời đã tối, bộ phận kế toán của công ty đã nghỉ, nếu muốn có hoá đơn thì phải chờ sang thứ Hai. Thế nhưng, do yêu cầu phải giao hàng gấp, tài xế đành cho xe khởi hành, hoá đơn công ty sẽ gửi sau.

"Làm ăn thời buổi giờ chỉ chậm chân một chút là mất mối ngay. Nhà nước lẽ ra nên tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh được thuận lợi. Ít nhất luật cũng nên du di lại vài ngày để doanh nghiệp xuất trình chứng từ hàng hoá, tại sao lại phải cứ nhất nhất bắt phải có ngay tại thời điểm kiểm tra?”. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với bức xúc nói trên của vị đại diện Công ty A.

Chống buôn lậu là công việc cần phải làm. Thế nhưng, không nên vì mục tiêu ấy mà xâm hại đến tài sản hợp pháp của người khác. Quyền sở hữu tài sản của công dân, tổ chức, doanh nghiệp là một trong những quyền thiêng liêng đã được Hiến pháp công nhận và bảo vệ. Vì vậy, dù bất cứ lý do gì kể cả khi chưa xuất trình được chứng từ thì tài sản hợp pháp của người khác cũng không thể bị tước bỏ quyền sở hữu.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%