Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Thẳng tay” xóa sim rác, bao giờ sạch?

picture
Sim di động được bày bán thoải mái trên vỉa hè.

Từ đầu tháng 4/2010, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu tiến hành thanh tra thuê bao di động trả trước, trong đó, nhiệm vụ số 1 là sẽ “thẳng tay” xóa sim rác.

Ông Trần Ngọc Tiếp, Phó chánh thanh tra Bộ cho biết, hiện tại việc kiểm tra đang được tiến hành với các thuê bao trả trước của EVN Telecom và Gtel Mobile, sau đó sẽ là Vietnamobile, S-Fone, Beeline, và cuối tháng 5 là ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel.

Sim rác… mua bao nhiêu cũng có

Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2009/NĐ-CP, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất là 200.000 đồng, cao nhất là 20 triệu đồng đối với những sai phạm trong công tác quản lý thuê bao di động trả trước.

Đến cuối 2009, đầu 2010, Thông tư số 22 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về quản lý thuê bao di động trả trước cũng nghiêm cấm các hành vi sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao, đồng thời nghiêm cấm lưu thông trên thị trường những sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước…

Thế nhưng, đến giờ sim rác vẫn cứ… “đầy đường”.

Dọc đường Lương Thế Vinh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hơn 10 cửa hàng bán sim, thẻ điện thoại. Khi được hỏi có sim đã kích hoạt, chủ các cửa hàng này thẳng thừng đáp: thích mua bao nhiêu cũng có. Chủ quán sim thẻ ngay phía trước ký túc xá Mễ Trì cho biết, do sim đã kích hoạt có trị giá lớn hơn nhiều so với giá trị thẻ nạp, nên khách hàng – chủ yếu là sinh viên đều lựa chọn mua sim mới thay vì nạp thẻ.

Nếu so với giá trị của thẻ nạp, ngay cả khi có khuyến mại, thông thường tối đa là 50% giá trị thẻ nạp – như theo qui định hiện hành về khuyến mại - thì sim đã kích hoạt sẵn của các nhà mạng có giá trị tài khoản gấp từ 2 – 3 lần.

Cụ thể, theo anh H., chủ một đại lý sim thẻ trên đường Tô Hiệu, Cầu Giấy, hiện tại, sim đã kích hoạt của VinaPhone có giá là 62.000 đồng với tài khoản là 190.000 đồng, MobiFone là 50.000 đồng với tài khoản 162.000 đồng và Viettel là 50.000 đồng với mức tài khoản tương ứng là 160.000 đồng.

Anh H. cho biết, anh lấy sim qua một đại lý cấp 1. “Thích lấy bao nhiêu thì lấy, lấy hàng vạn sim cũng có” và cũng không cần phải có một điều khoản cam kết gì, chỉ cần bỏ tiền ra là có sim, anh H cho hay. Cũng có những thời điểm sốt sim rác, phải đặt với đại lý trước, nhưng về cơ bản thích mua bao nhiêu cũng có, vấn đề là có bán hết được hay không, anh nói thêm.

“Thẳng tay” xóa, có “sạch”?

Thực tế, chuyện sim rác bùng nổ tràn lan đã có từ mấy năm qua và đã được các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh kiểm tra, nhưng đến thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn cứ nóng và sim rác tiếp tục tràn lan khắp các lề đường, ngõ phố.

Ông Trần Ngọc Tiếp cho biết, dù đợt thanh tra của Bộ vẫn đang trong quá trình tiến hành và chưa có con số cụ thể, nhưng qua một vài cơ sở thanh tra ban đầu cho thấy vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến đối với các thuê bao trả trước vi phạm đăng ký thông tin.

Không ít lần trước đây, khi họp bàn với cơ quan chủ quản - Bộ Thông tin và Truyền thông, một số doanh nghiệp lớn đã hàm ý cho rằng, sim rác phát triển tran lan và không kiểm soát được là do các đại lý và điểm giao dịch, và họ “hứa” trước Bộ là sẽ thắt chặt các qui chế, tăng cường kiểm tra, xử phát các điểm đại lý nếu vi phạm.

Nhưng xét cho cùng, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, chuyện quản lý sim rác, thuê bao ảo, sim phải đăng ký thông tin cá nhân chính chủ thì mới sử dụng được là hoàn toàn nằm trong tay nhà mạng. Còn vai trò của các đại lý thì chỉ là “cùng làm cùng hưởng, đôi bên cùng có lợi”.

Theo ông Tiếp, từ đó, gián tiếp thông qua các đại lý này, các nhà mạng đã “thỏa sức” để khách hàng sử dụng dịch vụ một cách nhanh nhất mà không cần bất kỳ một giấy tờ tùy thân, nhưng vẫn có thể sở hữu nhiều sim, hay sử dụng sim một lần rồi vứt đi.

Ông Tiếp khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010 là thanh tra thuê bao di động trả trước, nếu đơn vị nào vi phạm sẽ thẳng tay xử phạt với mục tiêu kiên quyết xóa bỏ nạn sim rác.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sẽ khó xóa sạch được nạn sim rác, khi mà lực lượng thanh tra của Bộ, của các sở có hạn nên sẽ không thể kiểm tra, thanh tra hết được các cơ sở, đại lý, điểm giao dịch sim thẻ, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng…

Hơn nữa, chế tài theo qui định hiện hành cũng chưa cao, nghiêm khắc, cộng với cơ chế cũng chưa thực sự chặt chẽ, như thế sẽ khó xóa được nạn sim rác trong ngày một ngày hai. Theo ông Tiếp, để xóa được nạn sim rác cần sự quản lý nghiêm khắc của chính các nhà mạng với các đại lý bán sim thẻ.

Nhưng trước mắt, các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục than thở thiếu kho số, xin thêm đầu số để phát triển thuê bao, dịch vụ và Bộ chủ quản thì “tài nguyên kho số có hạn và ngày càng cạn kiệt”, còn sim rác thì vẫn vô tư lan tràn “đầy đường”?!

(Theo Mạnh Chung // Vneconomy)

  • Nhà xã hội: Sẽ bị thu hồi nếu chuyển nhượng tự do
  • Không nhập khẩu ồ ạt thiết bị di động 3G
  • Nghiêm cấm in tiền vàng mã sử dụng hình ảnh tiền Việt Nam
  • Tập trung phát hiện gian lận về giá và thuế với một số mặt hàng
  • Một số dự án ở Na Rì - Bắc Kạn: Vẽ ra để tiêu tiền?
  • Công an vào cuộc
  • Yêu cầu lái xe không lạm dụng bấm còi
  • 'Đội' tiền tỷ, tăng khiếu nại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%