![]() |
DN sử dụng tờ khai điện tử đã được cơ quan hải quan chấp nhận in ra từ hệ thống khai hải quan điện tử của DN |
Từ ngày 1/10/2009, thực hiện theo Quyết định 103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Hải quan bắt đầu mở rộng thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại 8 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Theo Quyết định này, thời gian thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử sẽ kéo dài đến hết năm 2011 tại các Cục Hải quan: Hải Phòng, TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Ngãi.
Theo mô hình mới, việc thực hiện TTHQĐT sẽ do các chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện, thay vì chỉ có chi cục hải quan điện tử thực hiện như tại Cục Hải quan Hải Phòng và TP HCM. Riêng Cục Hải quan TP HCM và Cục Hải quan TP Hải Phòng sẽ chuyển hoá Chi cục HQĐT về một chi cục hải quan cửa khẩu để thực hiện TTHQĐT cho các DN.
Để thực hiện TTHQĐT mở rộng được thông suốt, hiện nay Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan điện tử để theo hướng cụ thể, rõ ràng, thống nhất. Thông tư này sẽ hướng dẫn thực hiện TTHQĐT đối với 4 loại hình kinh doanh XNK chủ yếu và 12 chế độ quản lý hàng hoá XNK. Dự kiến Thông tư này sẽ được hoàn thành và trình Bộ Tài chính ký ban hành vào đầu tháng 11/2009. Đồng thời Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện nâng cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện TTHQĐT, tiến hành trang bị máy móc thiết bị, đường truyền cho các Cục Hải quan sẽ triển khai.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, qua thời gian thực hiện thí điểm tại hai Cục Hải quan Hải Phòng và TP HCM từ năm 2005, đã có 669 DN tham gia TTHQĐT tại Hải Phòng và TP HCM với 18.472 tờ khai được thực hiện TTHQĐT tính từ khi triển khai thí điểm giai đoạn II/2007 đến nay. Thủ tục hải quan điện tử cơ bản đáp ứng yêu cầu, trong đó quan trọng nhất là rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, tiết kiệm chi phí cho DN. Cụ thể thời gian thông quan đối với lô hàng thuộc diện miễn kiểm tra hải quan là 5-10 phút, đối với lô hàng phải kiểm tra hồ sơ là 20-30 phút, còn hàng hóa phải kiểm tra thực tế hàng hóa phụ thuộc vào thời gian kiểm tra. Riêng đối với hàng miễn kiểm tra thì DN được khai và thực hiện thủ tục hải quan tại trụ sở DN (chiếm khoảng 50% tổng số tờ khai).
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, thủ tục hải quan điện tử trong thời gian mở rộng tới đây có những nội dung mới, thuận lợi hơn. Trước hết là đối tượng tham gia thủ tục hải quan điện tử được mở rộng hơn. Nếu trước đó, chỉ những DN được đánh giá là tuân thủ tốt pháp luật hải quan mới được tham gia thủ tục hải quan thì trong giai đoạn này tất cả các DN có nhu cầu, tự nguyện đăng ký tham gia đều được phép thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Điểm mới thứ hai là các DN được thông quan hoặc giải phóng hàng trên cơ sở tờ khai điện tử mà không phải xuất trình hoặc nộp các chứng từ kèm theo tờ khai trong hồ sơ hải quan đối với những lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai. Một điểm nữa, DN được sử dụng tờ khai điện tử đã được cơ quan hải quan chấp nhận in ra từ hệ thống khai hải quan điện tử của DN (có đóng dấu và chữ ký của đại diện DN) để làm chứng từ vận chuyển trên đường đối với lô hàng đã được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản. Thứ tư, những DN có mặt hàng gia công ổn định, thường xuyên, có cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo yêu cầu của cơ quan hải quan sẽ được xem xét thực hiện thủ tục quản lý hàng gia công rút gọn trên cơ sở quản lý nhập - xuất - tồn các nguyên vật liệu và sản phẩm gia công. Mặt khác, những DN chế xuất được Chính phủ cho phép hưởng chế độ ưu tiên về hải quan sẽ được áp dụng chế độ quản lý hải quan rút gọn.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thực hiện thời gian trước đây, bên cạnh những kết quả tích cực còn những hạn chế bất cập. Mức độ điện tử hóa và mức độ tự động của hệ thống chưa cao, đôi khi các DN cảm thấy còn phải mất thời gian kiểm tra, đối chiếu hồ sơ như cách làm thủ tục hải quan thông thường. Ngoài tờ khai hải quan được điện tử hóa, các chứng từ khác được chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử, còn lại một số chứng từ khác như: Giấy phép của các bộ ngành; C/O nhập khẩu; Chứng từ nộp thuế; Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng... vẫn chưa được điện tử hóa. Ngoài ra, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan mới kiểm tra được sự hợp lệ, hợp chuẩn thông tin khai báo, đối chiếu các thông tin giữa tờ khai điện tử và hồ sơ hải quan giấy, đối chiếu với chế độ quản lý hải quan, tự động kiểm tra cảnh báo được 47/63 danh mục hàng hóa theo chính sách mặt hàng... còn lại vẫn chưa tự động phân luồng một phần, chưa tự động tính thuế, hoàn thuế... được cho DN.
(Theo Hoàng Hà // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com