Cơ quan thuế không được can thiệp khi DN thu - chi những khoản mà pháp luật VN không cấm |
DĐDN vừa trao đổi với một số luật sư (LS) chuyên về tư vấn, thực hiện các thủ tục về thuế. Các LS cho rằng dù ngành thuế đang có nhiều TTHC rườm rà, bất cập, khó hiểu và khó thực hiện nhưng cải cách TTHC thuế trước hết phải cải cách về cách hành xử, thực hiện.
Phục vụ chứ không phải ra lệnh
LS Trần Xoa- GĐ Cty Luật TNHH Minh Đăng Quang cho rằng vấn đề trước hết là phải cải cách và thay đổi cách hành xử của cán bộ ngành thuế theo hướng thân thiện, phục vụ. LS Xoa nêu một ví dụ đơn giản: Trang web của Cục thuế TP HCM hiện rất cũ kỹ, thiếu cập nhật các quy định mới, còn nhiều nội dung, quy định đã hết hiệu lực. Ví dụ như hiện trang web này còn đăng tải tên và số điện thoại của rất nhiều cán bộ đã nghỉ làm, một số quyết định- thông tư không còn hiệu lực...
Ông Xoa cũng cho rằng nhiều cán bộ thuế địa phương không thực hiện đúng theo các quy định của Bộ TC, tổng cục mà “đẻ” thêm một số quy định. LS Xoa kể một câu chuyện mà ông đã trải qua về vấn đề hoàn thuế: Nhiều DN là khách hàng của ông than phiền với ông là các quy định do ông tư vấn thì dễ hiểu và đơn giản, nhưng thực tế khi làm thủ tục tại Cục thuế TP HCM thì không đơn giản. Khi ông Xoa cùng đi với DN đến Cục thuế TP HCM để tìm hiểu, thì người cán bộ thuế nói với DN là “dẫn LS đi làm chi, nghe lời LS làm chi, chị cứ nghe tôi hướng dẫn...”. Còn DN thì nói với ông là “Thầy hiểu luật thuế, mà không hiểu luật khác!”.
LS Xoa cũng cho rằng nhiều cán bộ thuế đã thể hiện cách hành xử theo cách tùy ý và chứng minh điều này bằng một số ví dụ: Luật quy định quy trình khi DN gửi đơn khiếu nại thì cán bộ thuế nhận đơn, gửi giấy mời DN đến giải quyết, nhưng Cục thuế TP HCM thì gọi hẹn ngày giải quyết với DN bằng điện thoại, rồi đưa thư mời. Hoặc ví dụ, Thông tư 60 của Bộ Tài chính không quy định việc đánh thứ tự A, B, C vào văn bản, nhưng Cục thuế TP HCM lại buộc DN phải đánh thứ tự A, B, C vào văn bản. Ngoài ra, quy định này chỉ gửi cho các phòng ban nội bộ và các chi cục mà không gửi cho DN nên DN không biết, dẫn đến kết quả nhiều hồ sơ của DN bị trả lại...
Phải có bộ quy tắc ứng xử
LS Mai Trần - Văn phòng LS Trần Mai cho rằng, ngành thuế phải ban hành một Bộ quy tắc ứng xử làm chuẩn mực để DN- người nộp thuế và cán bộ thuế bình đẳng. Cần ban hành từ điển giải thích từ ngữ ngành thuế, niêm yết và công khai tất cả các quy định chi tiết của ngành thuế cho từng loại hồ sơ.
LS Nguyễn Văn Nam - Phó Tổng GĐ dịch vụ thuế và tư vấn Cty TNHH Ernst & Young chuyên tư vấn thuế, thành lập DN nước ngoài cho rằng đa số vướng mắc hiện nay là trong thực hiện, chứ chưa phải trong vấn đề đáp ứng các TTHC. LS Nam góp ý: Phải thực hiện các nguyên tắc chung như:
Nguyên tắc ưu tiên, những vấn đề mà quy định hiện nay của ngành thuế chưa đủ thì cho DN chọn giải pháp, sau này nếu luật có các quy định mới thì áp dụng nguyên tắc không hồi tố cho mọi cấp độ văn bản.
Nguyên tắc nhất quán, mọi thông tư - văn bản do cấp trên ban hành thì cấp dưới phải thực hiện như nhau dù ở các địa phương khác nhau.
Nguyên tắc thực chi - các khoản chi của DN không thể có hóa đơn, chứng từ nhưng không vi phạm pháp luật và có thể chứng minh bằng các loại giấy tờ khác thì được hạch toán giảm thuế. Phải tôn trọng thông lệ quốc tế. Ví dụ ngành thuế đòi hỏi các Cty nước ngoài tại VN khi chi tại nước ngoài thì các hóa đơn chứng từ của khoản chi đó phải có con dấu, nhưng nhiều nước đã không còn dùng con dấu. Tại nhiều nước đã không còn dùng hợp đồng kinh tế (HĐKT) trong một số trường hợp nhưng tại VN buộc phải có HĐKT... Có thể thay các giấy tờ quy định tại VN bằng một số giấy tờ khác có giá trị tương đương. Ví dụ, thay HĐKT bằng phiếu chi, biên nhận... Cơ quan thuế không được can thiệp khi DN thu - chi những khoản mà pháp luật VN không cấm. Ngành thuế phải có trách nhiệm quyết toán thuế khi DN yêu cầu. Cần áp dụng chính sách ân xá - khoan hồng trong lĩnh vực thuế. Thực tế là đang có nhiều DN từng thiếu thuế- trốn thuế nay muốn minh bạch thuế thì nên tạo điều kiện cho DN, chỉ truy thu khoản nợ thuế mà không phạt và phải giữ bí mật cho DN.
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com