Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân trước những quyết định, hành vi chưa đúng của cán bộ, nhiều người hy vọng việc thành lập tòa hành chính còn giúp chính các cán bộ trong các cơ quan hành chính hiểu rõ hơn, tuân thủ chặt hơn các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Tuy nhiên, hoạt động của các tòa hành chính lại cho thấy giữa mong ước và thực tế vẫn đang còn khoảng cách khá xa.
Phải chứng minh không bị điên?
Doanh nghiệp tư nhân Hiếu Thảo có trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh, chuyên nhập khẩu vải may mặc từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tháng 2-2009, doanh nghiệp này bị Đội kiểm soát khu vực phía Bắc (Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bắt giữ hai lô hàng đang lưu thông trên đường.
Cho rằng hàng của mình có giấy tờ hợp pháp, việc kiểm tra, thu giữ của Đội kiểm soát không tuân thủ đúng, đủ các quy định pháp luật, ông Trần Văn Quyết - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hiếu Thảo đã làm đơn khởi kiện các quyết định tạm giữ hàng của Đội kiểm soát ra trước Tòa hành chính - TAND tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi doanh nghiệp tư nhân Hiếu Thảo có đơn khiếu nại, TAND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định không giao cho thẩm phán Dương Trọng Quang thụ lý vụ kiện, người thay thế là thẩm phán Vũ Văn Đoan. |
Ngày 2-11-2009, ông Quyết đến tòa nộp đơn khởi kiện. Sau đó, thẩm phán Dương Trọng Quang thụ lý vụ án ra thông báo yêu cầu ông Quyết có mặt tại tòa để trình bày yêu cầu khởi kiện.
Do bận đi công tác, ông Quyết ký giấy ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh làm việc với tòa án. Gặp thẩm phán Quang, bà Quỳnh Anh trình giấy ủy quyền. Hầu như không để bà Quỳnh Anh trình bày, thẩm phán Quang lớn tiếng yêu cầu bà Quỳnh Anh ra khỏi phòng làm việc, với lý do “chỉ làm việc với đúng người được triệu tập”.
Thẩm phán Quang gửi tiếp giấy triệu tập lần hai. Bà Quỳnh Anh tiếp tục đến, mang theo giấy ủy quyền của ông Quyết. Thẩm phán Quang đỡ cáu bẳn hơn, không đuổi người đại diện của doanh nghiệp nữa, thay vào đó, thẩm phán giải thích cho đương sự bằng cách viết hẳn ra giấy, đại ý: Chỉ chấp nhận người nhận ủy quyền với điều kiện phải có giấy chứng minh không bị khởi tố về hình sự, không có án tích, không bị bệnh tâm thần...
Cần gì, tùy ở thẩm phán!
Điều 22 Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính quy định: Đương sự không nhận ủy quyền cho những người chưa đủ 18 tuổi, mắc bệnh tâm thần, đã bị khởi tố hoặc chưa được xóa án tích, là cán bộ tòa án hoặc viện kiểm sát v.v.
Dễ thấy những điều kiện trên đây đặt ra cho người ủy quyền và người nhận ủy quyền. Nói cách khác, chính các đương sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật việc thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các quy định trên. Luật không quy định đương sự phải nộp cho tòa các giấy tờ để chứng minh.
Một ví dụ thực tế. Chính tại TAND tỉnh Quảng Ninh, vụ kiện hành chính khác, cũng với giấy tờ ủy quyền tương tự, người khởi kiện lại được thẩm phán chấp nhận. Đó là vụ kiện hành chính mà người khởi kiện là Giám đốc Cty TNHH Lợi Hà, thụ lý là thẩm phán Vũ Văn Đoan.
Sau khi ông Lợi nộp đơn khởi kiện, ngày 28-5-2009, thẩm phán Đoan gửi giấy báo, yêu cầu ông Lợi có mặt để trình bày yêu cầu khởi kiện. Ông Lợi đã ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Khá. Đúng hẹn, ông Khá có mặt, mang theo giấy ủy quyền, được thẩm phán Đoan chấp nhận mà không đòi hỏi ông Khá phải xuất trình giấy chứng nhận không bị khởi tố, không bị điên...
(Theo Tổ PV Pháp luật // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com