Khai sai giá là chiêu thức được nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng để gian lận thuế và nếu “thoát”, số thuế trốn được rất lớn. Thực trạng này đang là nỗi lo canh cánh của ngành hải quan.
Nhập: gian
Tháng 3 - 2009, một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục nhập khẩu lô hàng qua Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1. Lô hàng gồm 520 chiếc ghế ngồi dùng để sửa xe ôtô, khung nhôm có đệm và 70 chiếc ghế nằm dùng để sửa xe ôtô khung nhôm có đệm, mới 100%, xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là mặt hàng mới.
Theo giá khai báo nhập khẩu, giá mỗi chiếc ghế nêu trên chỉ có 2 USD, theo đó số thuế phải nộp chỉ khoảng 9,2 tỷ đồng. Nghi ngờ về giá khai báo quá rẻ của doanh nghiệp, hải quan tiến hành tham vấn xác định trị giá tính thuế.
Kết quả giá tính thuế ghế ngồi dùng để sửa xe ôtô được xác định là 138 USD/chiếc (tăng 69 lần so với giá khai báo) và ghế nằm dùng để sửa xe ôtô giá 124 USD/chiếc (tăng 62 lần so với giá khai báo của doanh nghiệp).
Như vậy, với mức thuế suất thuế nhập khẩu 33% và thuế giá trị gia tăng 10%, với lô hàng gần 600 chiếc ghế chuyên dùng nêu trên, số thuế doanh nghiệp phải thực nộp tăng thêm hơn 623 tỷ đồng so với mức 9,2 tỷ đồng theo khai báo ban đầu.
Rõ ràng, nếu thoát, doanh nghiệp được lợi không hề nhỏ. Vì vậy không chỉ doanh nghiệp này, không chỉ mặt hàng này; hành vi gian lận qua giá đang xuất hiện ngày một nhiều, ngày một phức tạp, đặc biệt đối với những mặt hàng có thuế suất cao, giá trị lớn như điện thoại, ôtô, linh kiện điện tử, vi tính, rượu…
Xuất: lận
Thông thường cơ quan quản lý chỉ chú trọng kiểm soát giá đối với hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên phát hiện mới đây của hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hàng hóa xuất khẩu cũng bị gian lận giá tính thuế không kém gì!
Tháng 3 - 2009, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra 2 lô hàng phế liệu xuất khẩu của Công ty QPH (quận 8 -Thành phố Hồ Chí Minh) và Chi nhánh Công ty Y (quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh), phát hiện 2 doanh nghiệp này khai giá hàng xuất khẩu bất hợp lý, chỉ bằng 1/120 lần so với giá thị trường.
Theo tờ khai ngày 2-3-2009 của Công ty QPH, giá đồng phế liệu xuất khẩu chỉ 22 USD/tấn (tính ra 1kg đồng phế liệu chỉ có giá 374 đồng). Tương tự, doanh nghiệp khai giá xuất khẩu nhôm 20 USD/tấn (khoảng 234 đồng/kg). Như vậy, trị giá lô hàng gồm 20,3 tấn đồng phế liệu và 33 tấn nhôm phế liệu chỉ vỏn vẹn 660 USD.
Cũng chiêu thức tương tự, lô hàng phế liệu xuất khẩu của Chi nhánh Công ty Y được khai mức 25 USD/tấn đồng và 10 USD/tấn nhôm (170 đồng/kg). Trị giá 26 tấn hàng chỉ 400 USD.
Trên thực tế giá hai mặt hàng này trên thị trường là đồng dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg; giá nhôm phế liệu từ 17.000-20.000 đồng/kg. Còn giá phế liệu nhôm và đồng nhập khẩu thì cao gấp hàng trăm lần khoảng 4,4 USD/kg đồng; 1,59 USD/kg nhôm (giá thời điểm của năm 2008).
Với mức thuế suất thuế xuất khẩu là 37% (thời điểm lô hàng xuất khẩu), nếu tính theo giá khai báo của các doanh nghiệp, nhà nước thất thu một khoản lớn tiền thuế.
Điều đáng nói là hành vi gian lận giá xuất khẩu mặt hàng này chỉ mới được phát hiện. Trước đó các doanh nghiệp này đã xuất khẩu trót lọt rất nhiều lô hàng với kiểu khai giá “rẻ như cho”.
Chỉ riêng năm 2008, 2 doanh nghiệp này đã làm thủ tục xuất khẩu qua các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh 112 tờ khai, với tổng trọng lượng 13.821 tấn hàng. Ước tính tổng số thuế ẩn lậu từ 112 tờ khai xuất khẩu phế liệu nêu trên khoảng trên 100 tỷ đồng.
Mặc dù trên đây chỉ là một vài vụ trong hàng trăm vụ gian lận đã được hải quan phát hiện, nhưng những vụ trót lọt không phải là ít.
Báo cáo về vấn đề này của các đơn vị hải quan địa phương, đặc biệt là các đơn vị có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn cho thấy, hiện tượng gian lận qua giá đang ngày một nhiều, với chiều hướng tinh vi, phức tạp.
Lợi dụng một thực tế là giá hàng nhập khẩu đang có xu thế giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã kê khai giá hàng hóa nhập khẩu rất thấp. Cái khó trong công tác tham vấn giá của hải quan hiện nay là nguồn thông tin về giá cả. Để tham vấn, bác bỏ trị giá khai báo của doanh nghiệp, nhất là đối với các mặt hàng mới phải có nhiều nguồn thông tin từ các chi cục, từ dữ liệu giá… nhưng bản thân các đơn vị hải quan địa phương lại không thường xuyên bổ sung, cập nhật giá vào kho dữ liệu chung.
Khi tham vấn giá, nhiều đơn vị hải quan địa phương lại không chịu khó rà soát tham khảo mức giá đơn vị khác đã tính được tổng hợp trên kho dữ liệu giá. Hệ quả là một mặt hàng nhưng mỗi địa phương, thậm chí mỗi chi cục chấp nhận những mức giá khác nhau.
Không chỉ bất cập về thông tin, trình độ của nhân viên hải quan trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Đó là chưa kể - tuy không được đề cập đến trong báo cáo của ngành hải quan - đó là việc không chấp hành nghiêm các quy định về tham vấn giá cũng như chỉ đạo của Tổng cục về quy trình tham vấn giá một mặt hàng, lô hàng cụ thể.
Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm tra thu thuế (Tổng cục Hải quan), ông Lưu Mạnh Tưởng thường xuyên phải ký các công văn “chấn chỉnh” công tác xác định giá tính thuế của các địa phương, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.
Chỉ một chút nâng lên, hạ xuống giá tính thuế (nhất là mặt hàng có giá trị lớn như ôtô) thì mức thuế doanh nghiệp phải nộp sẽ thay đổi rất lớn. Dĩ nhiên, túi tiền ngân sách cũng bị vơi đầy theo./.
(Doanh nhân/Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com